Một mảnh kí ức
Thứ năm - 10/11/2022 23:20
Những ngày đủ đầy với bữa cơm có canh có cá có thịt. Những ngày thiếu thốn chỉ có cơm với mắm kho, muối ớt. Nhưng dù là đủ đầy hay thiếu thốn, chỗ ấy vẫn đầy ắp tiếng cười của mấy anh em và tình yêu thương vô bờ bến mà ba mẹ dành cho chúng mình.
***
Sẽ có rất nhiều lần trong cuộc đời ta ngoảnh lại nhìn kí ức đã qua. Nhất là đến khi đã có một gia đình riêng, ta bỗng nhận ra rằng đó là một ta không bao giờ quên được...
Ru con ngủ rồi. Nhìn lại tấm ảnh cũ. Ngày xưa đây rồi...
Mái nhà ngói chỗ dột chỗ vẹo. Hai bên đòn dông là hai tấm tranh đã bạc màu tạm che những ngày mưa to cho đỡ tạt. Tường đất trộn rạ. Ngay buồng mẹ ngó lên nhà trên thủng một lỗ bự, hai chị em nằm ngó ra biết hết ai làm gì, ai vào nhà. Buồng ba nằm sát gian thờ. Tấm vách tre đan chỗ mục chỗ gãy nhìn ra thấy 2 chuồng bò đầy phân, lúc nào cũng mọng nước, mới lùa ra sông tắm sạch sẽ về nhà một buổi trưa đã như tắm sình. Chỗ học tập của 3 anh em nằm ngay cái nu. Cái rương cũ làm chỗ đựng sách vở tránh gián chuột cắn phá. Bàn học của 3 anh em là cái bàn tròn chỉ dùng cho những ngày cúng giỗ, day về phía cửa bước ra ngoài. Cái cửa sổ bên tay phải cũng bằng tre nan đã lỏi chỏi chỗ có chỗ không, làm mình những đêm khuya học bài không dám nhìn ra sợ có ai nhìn vào chắc chết ngất.
Trên bàn học thứ duy nhất có giá trị hơn cả là cái đèn bàn 2 tuýp, hình như cô chín mua cho. Mình rất tự hào về nó. Chí ít mình cũng có góc học tập với cái đèn sáng choang khỏi phải dùng đến điện nhà. Nhưng rồi cũng có nhiều những ngày mình phải dời sang bàn chính giữa nhà trên cho gần buồng cả ba lẫn mẹ để học ôn thi đại học. Bởi học khuya mà ngồi đó thì sợ vô cùng. Chỉ nghe tiếng côn trùng kêu mà mình tưởng ra đủ thứ kinh hãi. Kiểu như là cái hình ảnh con ma cụt đầu ngồi trên cây mà cậu Việt trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” hay nghe đồn.
Rồi còn gì nữa...
Cái nhà bếp với những tấm cáp vẹo vọ qua năm tháng dắt trên mình đầy nắp xoong hay dao xắc chuối, dao xắc thịt, dao cắt rau, lưỡi hái cắt cỏ. Nơi đó là chỗ mình yêu nhất. Đó là nơi chiều nào đi chăn bò về mình cũng đội vào cho nó một bó củi. Khi thì củi bói, khi thì củi mão gai, khi thì củi lụt. Cũng có khi là củi tre của những trưa thảnh thơi đi dạo quanh hai bụi tre nhà dượng bảy Nhạn. Rồi mình lụi hụi khơi tro nấu cơm, nấu nước, nấu cám bò. Vừa nấu vừa tranh thủ gánh thùng đi gánh nước đổ đầy vào ảng cho mẹ. Xong xuôi còn chạy về chùa sư phụ tịnh độ với mấy bạn trong xóm, ở lại chùa ngủ để sáng sớm còn dậy đi công phu, rồi lại được ăn bữa cơm với tô mắm cà trộn xoài cay ơi là cay mà ngon gì đâu là ngon của sư phụ.
Chỗ ấy cũng là nơi mà mình nhìn thấy rõ nỗi vất vả nhọc nhằn của ba mẹ. Những ngày đủ đầy với bữa cơm có canh có cá có thịt. Những ngày thiếu thốn chỉ có cơm với mắm kho, muối ớt. Nhưng dù là đủ đầy hay thiếu thốn, chỗ ấy vẫn đầy ắp tiếng cười của mấy anh em và tình yêu thương vô bờ bến mà ba mẹ dành cho chúng mình. Đương nhiên còn có cả những trận roi nhừ tử, những lần khóc tới tưởng như cạn nước mắt rồi xách quần áo đòi về ở với nội, những lần bị ba bợp cho mấy cái với thanh tre, cây củi, hay cái đũa bếp... Chúng đã cùng mình lớn lên và dạy mình thành người tử tế.
Và đây rồi... những nắng mưa dãi dầu của ba mẹ. Những ngày trưa ở lại bên bãi mình muốn hụt hơi bơi cái ghe nặng trình trịch ngược chiều gió qua sông đem cho ba mẹ cái cà mèn canh mì nấu ngọn lang và cái trứng chiên để yên vị trong nồi cơm cho khỏi đổ ra ngoài. Những ngày cứ trưa cứ chiều đúng giờ hẹn là mình chạy lên núi đá, leo lên chỏm núi cao nhìn qua bên kia sông tìm bóng dáng của mẹ của ba. Mẹ khòm lưng gánh gánh rau lang hay gánh đu đủ đi chợ Sa chợ chiều Tịnh Long về. Chắc chắc sẽ có mấy cái bánh đúc chấm mắm nêm hay bịch chè đậu ván, cũng có khi là kẹo dừa hay ngon hơn là bộ quần áo mới. Mẹ khòm lưng gánh cái máy nước nặng trĩu trặc có cái vòi dài ơi là dài lội qua bãi cát những ngày ba cắt lá lách.
Mẹ và ba hùi hụi qua sông tối thui tối thùi khi những cô dì chú bác đã về cả rồi làm mình hay nghĩ bậy. Bóng ba gầy gò lướt qua mặt sông chiều xam xám trắng. Mẹ ngồi lặng lẽ nhìn về phía con. Chắc mẹ cũng mong được về nhà. Và rồi bao giờ ba mẹ tới bến mình cũng lo chạy tất tả về nhà xem thử nhà cửa quét chưa, có cái gì cần dọn dẹp không, kẻo lại bị la. Nhớ mãi những hôm dù đã chuẩn bị tươm tất, thậm chí nấu nướng ngon lành có chút kiêu hãnh rồi cuối cùng cũng vẫn bị chê vẫn bị la. Những lúc ấy buồn lắm. Đã có lúc nghĩ ba mẹ không thương mình. Những lúc đó tủi ơi là tủi. Giờ lớn mới hiểu.
Ngày ấy... Thương chị hai. Những ngày thiếu thốn của mình, hình bóng chị hai mờ nhạt lắm. Bởi vì chị đi làm ăn xa. Mình hay ngóng thư chị viết về. Chị vì các em nên nghỉ học sớm, đi ở cho người ta phụ giúp ba mẹ. Mỗi lần thư chị gửi về mình đều tìm thử có viết cho em Sương không. Hay đại loại có nhắc đến tên em Sương không. Hôm nào có mình mừng ngất. Rồi có những lúc chị gửi cho quà. Có lần chị gửi cho út Mi mấy bộ đồ thun mặc nhà xinh lắm, chị tự lấy vải thừa của họ bỏ may cho em mà mình thì không có vì lớn rồi, lúc đó buồn ghê gớm. Cứ ước giá mà mình đừng lớn chi. Mỗi Tết chị về là thích nhất. Bao giờ cũng có quần áo mới cho em. Chị còn cho mình kẹp tóc của chị, nhỏ xinh, cả bông tai bằng vàng tây. Mình đeo đến khi lớn, sau bị rớt mất cái hột phải đổi đi. Tiếc ơi là tiếc.
Chị 20 tuổi đi lấy chồng khi mình mới 11. Rồi từ đấy chị xa nhà xa em. Nhưng không bao giờ mình thấy chị thôi thương em. Mỗi lần được vào thăm chị thương ơi là thương. Chỉ mong chị được sung sướng như người ta. Chỉ mong chị đỡ vất vả. Chỉ mong chị được hạnh phúc... Chỉ mong... chứ chưa làm được gì cho chị. Đối với mình chị luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất nhà.
Anh ba của mình. Người anh tuyệt vời nhất. Mình nhớ mãi câu nói "em ngủ thêm đi anh quét nhà cho", nhớ mãi cảnh hai anh em ngồi giường ba hát bài cải lương "Tiên Phong ơi cũng vì nhớ vợ thương con mà cha con từ trận tuyến xa xôi phản hồi dinh nội" nghe trên máy nhà ông ngoại năm, cảnh anh che cho mình khi bị mẹ đánh. Thương anh mà đúng hơn là thần tượng anh. Anh chịu khó, thương các em, hiếu thảo với ba mẹ. Khi nào mình sai mẹ cũng bảo lấy gương anh mà học. Cũng có những lúc anh giận đánh mình. Như cái ngày mình đánh nhau với anh Nhất nhà bên vì ảnh dành củi của mình. Chưa hiểu đầu đuôi anh ba đã cho mình cái bớp đau điếng. Giận tím ruột bầm gan. Nghĩ sao anh binh người ngoài mà không binh em gái.
Rồi thời gian qua đi, 18 tuổi anh nhập ngũ. Từ đấy anh xa gia đình. Nhớ hoài khoảnh khắc trông thấy 2 tấm ảnh anh gửi về lúc mới nhập ngũ. Nhìn anh mình đẹp trai, oách ghê, nhưng mà nhớ anh phát khóc. Anh đi rồi nhà còn có 2 chị em. Không ai giúp đỡ mình nữa. Út thì còn bé. Mình phải phụ mẹ nhiều hơn. Trẻ con mà, vắng anh cái thiếu chỗ dựa giẫm. Buồn cũng đúng. Rồi không ai ca cải lương hay hát đối với mình. Từ đó chỉ có 2 chị em quấn quýt. Nhỏ út...
Út My nhỏ hơn mình 7 tuổi. Có em mình phải san sẻ đi nhiều. Cho dù vậy chưa khi nào mình thấy không thương em. Nhờ có em mình được biết mùi của bột ngọt lẫn bột mặn. Mình biết hát ru em ngủ. Biết chăm sóc em khi ba mẹ đi làm. Biết chỉ cho em học. Tập làm cô giáo ngay từ nhỏ nhờ em. Có điều cái tính nóng đó đến giờ không bay màu nổi. Thương em phải chịu những cái gõ đầu, đập vai, khẽ tay đau điếng của bà chị thiếu kiên nhẫn. Lại bo thêm những tràn la dai dẳng thấu tận nhà hàng xóm, đến nỗi dượng Chuyển nhà bên phải lên tiếng "mày dạy kiểu đó nó khiếp chứ học hành gì nổi". Ấy vậy mà rồi em mình lại học tốt. Cũng đỡ. Lỡ em mà học dở chắc mình hối hận cả đời.
Nhớ hoài năm học lớp 1 của út. Chỉ một bài đạo đức mà không được lãnh phần thưởng. Em thì buồn mà chị thì tức. Giận cô chủ nhiệm út gì đâu luôn hà... Giờ không nhớ là cô nào nữa, đương nhiên cái giận của trẻ con thì vô cớ rồi. Hai chị em lớn lên cùng nhau, chia sẻ bao nhiêu buồn vui, thiếu thốn. Em lớn lên giỏi giang và đảm đang... Em luôn là niềm tự hào của mình.
Ngày xưa... Nhiều... còn... lắm... Kể sao hết được... Chỉ mới thấy nhớ thôi là đầy ắp cả rồi.
Tác giả: Thảo Mai - blogradio.vn