Tình yêu vẫn luôn ở đâu đó giữa cuộc đời
Chủ nhật - 28/07/2019 09:19
Cuộc đời là vô thường. Ta không thể đưa tay níu giữ một mặt trời đã lặn. Và cũng không thể giữ mãi những gì ta yêu quý nhưng tình yêu thì vẫn còn mãi vẹn nguyên.
***
Một năm trước khi chết, nhà văn Đức Franz Kafka (1883-1924) đã có một trải nghiệm đặc biệt. Đi dạo trong công viên Steglitz ở Berlin ông gặp cô gái nhỏ Elsi đang khóc vì tuyệt vọng: cô ấy đã đánh mất con búp bê Brigida yêu thích của mình. Kafka đã đề nghị giúp cô ấy đi tìm và hai người đã hẹn là sẽ gặp nhau vào ngày hôm sau.
Biết là không thể tìm thấy, nhà văn đã giả giọng con búp bê viết một bức thư cho cô bé và mang nó theo khi họ gặp nhau: “Xin đừng khóc, tôi đang đi du lịch để nhìn xem thế giới và sẽ kể cho bạn nghe về những chuyến phiêu lưu này…”, Ông đã bắt đầu bức thư như vậy.
Khi gặp nhau, ông đã đọc bức thư, trong đó mô tả thật kỹ những cuộc phiêu lưu tưởng tượng của con búp bê Brigida. Cô bé Elsi cảm thấy mình được an ủi, và trước khi chia tay, nhà văn Kafka có tặng cho cô bé một con búp bê. Dĩ nhiên con búp bê này khác với con búp bê bị mất, nó được kèm theo một ghi chú để nhằm giải thích: “Cuộc hành trình dài đã làm tôi thay đổi”.
Nhiều năm sau, khi cô gái Elsi đã trưởng thành, một hôm cô tìm thấy một mảnh giấy khác giấu trong lòng con búp bê: “Tất cả những gì bạn yêu bạn đều có thể sẽ đánh mất nó, nhưng cuối cùng tình yêu sẽ chuyển đổi trong một hình thức khác”. (Người gửi: Franz Kafka)
Đôi dòng suy ngẫm trước một câu chuyện đầy ý nghĩa.
“Cuộc đời vô thường, ta không thể giữ mãi những gì ta yêu quý nhưng tình yêu còn lại mãi...”
Cuộc đời là vô thường. Ta đâu thể đưa tay níu giữ một mặt trời đã lặn, đâu thể "tắt nắng", "buộc gió" dẫu có khát khao cháy bỏng như Xuân Diệu? Ta đâu thể níu kéo mãi niềm vui để vì nó mà hoan hỉ cả một đời chẳng còn sợ hãi trước buồn tủi? Cứ như vậy, ta đâu níu kéo được những gì đã qua. Sống trong xã hội hiện đại nhiều lúc ganh đua nhau, lại khao khát làm sao trở về thời thơ ấu tinh nghịch, hồn nhiên thuở nào. Nhưng ước mơ chỉ làước mơ. Vé về tuổi thơ đâu có tồn tại. Những gì ta đã mất đi chẳng bao giờ tìm lại được: một tình bạn, một tình yêu, một con người,... Những thứ từng rất quan trọng mà nhiều lúc ta tưởng như là cả cuộc đời, điểm cuối cùng cũng chẳng phải mãi mãi.
Một tình bạn cấp ba ta cứ nghĩ là mãi mãi, nhưng khi lên đến đại học, mỗi đứa một phương, tình bạn ấy chỉ còn là kỉ niệm. Một tình yêu nhiều năm kết thúc chỉ trong một lời nói: "Chúng ta chia tay thôi". Một cuộc hôn nhân với lời thề răng long đầu bạc, được bao người ngưỡng mộ kết thúc bằng cuộc tranh chấp quyền nuôi con. Trên đời, có nhiều chuyện ta chẳng thể nắm giữ. Như thời gian và chia ly. Phải chăng bởi đời người là hữu hạn, bởi có những điều định sẵn: Đời là những cuộc chia ly?
Khi lớn khôn rồi, ta lại tiếcnuối những kỉ niệm, mới hiểu rằng: Có những thứ mất đi chẳng phải vài ngày với òa khóc nức nở là quên, nó như dằm sâu ghim vào tim. Ấy là khi ta chứng kiến những sự ra đi: một vành khăn tang trắng của em bé khóc mẹ, nỗi đau khi ta mất đi người thân thương nhất, nỗi tuyệt vọng của người mẹ mất con. Khi ấy, ta biết rằng: Những điều mất đi chẳng bao giờ tìm lại được. Ta trưởng thành hơn để nhận ra nỗi mất mát to lớn của cuộc đời.
Nhưng nếu thế thì cuộc đời hẳn toàn màu u tối, đen xám. Vậy mà không, cuộc đời vẫn còn nhiều lắm những ánh sáng đẹp. Bởi những mặt trời ẩn trong tim, bởi sau tất cả, tình yêu vẫn còn ở lại. Nỗi niềm nhớ nhung ấu thơ lại là điểm tựa để con người ta bước tiếp, để ta biết trân trọng hiện tại. Nỗi buồn - niềm vui luôn song hành cũng như cái cách nỗi đau - tình yêu đi liền với nhau.
Trong nỗi mất mát đau thương đến cùng cực,tình yêu vẫn nở rộ, đẹp đẽ đến mê hoặc chúng sinh: "Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". Sau tất cả, tình yêu luôn ở lại. Giống như mảnh giấy ẩn trong lòng búp bê bao nhiêu năm là tình yêu đặc biệt của Kafka dành cho con người vậy.
Thế nên, thật đáng buồn thay những con người mất niềm tin vào tình yêu hay không biết cách yêu thương. Chẳng lẽ chỉ vì một cái gai mà ta bỏ qua vẻ đẹp của bông hồng? Chỉ vì một mối tình tan vỡ mà sợ tình yêu? Một lần bị lừa dối mà ta hoài nghi tình yêu con người? Đau và yêu, suy cho cùng là một cách ứng xử của con người: chấp nhận nỗi mất mát và đặt niềm tin vào tình yêu, lấy đó làm động lực để bước tiếp, để trưởng thành. Hiểu được điều ấy, ta học cách trân trọng hơn những gì mình đang có để sau này chẳng phải nuối tiếc về một thời đã qua, chẳng phải hối hận: “Giá như…”
Vậy sau cùng, ta có còn quá sợ hãi trước một cuộc chia ly? Nhất là khi ta biết rằng, luôn còn đâu đó một tình yêu ở lại?
Tác giả: Tác giả ẩn danh - blogradio.vn