Blog Radio 690: Anh không xứng để em hy sinh nữa
Thứ sáu - 29/01/2021 23:21
Bạn thân mến! Người ta thường ca ngợi sự hy sinh của người phụ nữ như một phẩm chất cao quý mà không bao giờ hỏi rằng sự hy sinh ấy có xứng đáng hay không. Nếu cứ hy sinh cho một người không xứng đáng, không biết trân trọng chỉ càng khiến họ trở thành người đàn ông tồi. Đàn ông tốt biến phụ nữ thành đứa trẻ, đàn ông tồi biến phụ nữ thành đàn ông. Mở đầu chương trình của tuần này, mời bạn lắng nghe truyện ngắn:
Ngày chị ấy ra đi (Lê Hứa Huyền Trân)
Hơn sáu năm về trước chị lấy anh. Cũng vào một ngày lạnh lẽo khi mùa đông đương tới và tháng cuối năm cần một bàn tay ấm để lồng vào một bàn tay. Khi ấy thứ giữ lửa ấm nồng trong trái tim chị là chiếc nhẫn cầu hôn mà anh đã trao trong đêm đông buốt lanh, đôi tai ửng đỏ chẳng biết vì ngượng hay vì lạnh của anh làm chị cảm thấy thật có lòng. Thế nhưng giờ, cũng là chiếc nhẫn ấy nay sao bỗng dung như chiếc gông cùm trói ngược lấy tay chị khiến chị cảm thấy nặng nề mỗi khi đeo và để giờ đây chị như được giải thoát khi nó được ngay ngắn trên tờ đơn ly hôn chị để lại trên bàn trước khi rời xa anh.
Sáu năm về trước chị lấy chồng. Chồng chị là một giáo viên dạy tin học ở một ngôi trường nhỏ. Hai người quen nhau chỉ vỏn vẹn vài tháng nhưng vì thời gian không buông tha cho người con gái lỡ thì nên chỉ sau vài tháng tìm hiểu, biết đối phương có lòng chị đã nguyện ý theo anh. Anh khi theo đuổi chị là một người đàn ông vô cùng yêu thương chị, lúc mới yêu hai người vì công việc xa nhau hàng cây số, dù chỉ mỗi cuối tuần cả hai sắp xếp gặp nhau vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ anh cũng chấp nhận đi một quãng đường xa chỉ để gặp được chị. Nếu chị là một người cá tính và quyết đoán thì anh lại có phần nhu nhược hơn, thường không phản đối và thuận theo ý chị. Nếu chị là một người luôn cầu tiến và muốn vượt lên số phận thì anh lại chọn cho mình một lối sống an phận, an nhàn với thực tại. Ngày đó, chị không cho rằng đó là khoảng cách, hoặc khi người ta yêu nhau thì lửa yêu đốt cháy hết mọi trở ngăn.
Khác biệt tính cách trở thành hố sâu quá lớn, nhưng chị luôn tự đặt cho mình một giới hạn không thể vượt qua đó là rời xa anh. Vì anh là sự lựa chọn của chị, và khi chị đã lấy anh chị chấp nhận hi sinh quãng đời còn lại của mình. Nhưng chị không biết được rằng những mâu thuẫn nhỏ tưởng chừng có thể bỏ qua lại trở thành những vết dao cứa vào tim chị và để lại những vết thương sâu hoắm để rồi mỗi khi đông về, nó che mờ kí ức hạnh phúc xưa mà trở nên nhức nhối.
Anh luôn nói muốn trở thành chỗ dựa cho chị nhưng trong khi suốt hơn sáu năm, anh vẫn chỉ dậm chân tại chỗ với công việc của mình, trong khi chị dần thăng tiến trở thành tổ trưởng tổ sản xuất. Ban đầu chị cho rằng đặc thù công việc của cả hai khác nhau nên không thể so sánh được, cho tới khi gia đình cần một khoản tiền lớn để xoay xở vì một biến cố. Trong khi chị dốc hết tiền để dành thì anh mới chỉ dấm dúi được cho chị một ít, chị mới chợt nhận ra, thời gian qua không hẳn là anh tiêu xài hoang phí nhưng anh là người không có kế hoạch nên những đồng tiền anh làm ra không này thì cũng kia tiêu xài vào những điều mà anh thậm chí không hề nhớ. Quãng thời gian sau đó một mình chị gồng mình đi làm trả nợ những khoản vay, thậm chí chị giấu anh nhận làm thêm hai ba công việc đến tối mịt mới về thì khi về đã thấy anh đóng cửa ngủ tự lúc nào, thậm chí sáng hôm sau anh còn vô tư kể với chị:
“Anh vừa xin cắt bớt một ít tiết dạy, chứ dạy nhiều thấy nhọc người quá.”
Nghe những câu đó chị thấy rất thất vọng, anh dường như không biết cố gắng, không biết hi sinh, trong khi chị còn thậm chí không có thời gian để nghỉ ngơi, anh lại xin đi làm chỉ vỏn vẹn ba ngày trong tuần để dành nhiều thời gian ở nhà cho việc ngủ. Khi chị bàn với anh về việc muốn mở một sạp hàng nhỏ để buôn bán, có chút vốn làm ăn, nhất là khi tuổi tác hai người ngày càng lớn không thể làm công việc tay chân mãi được thì anh gạt phắt ngay, vì cho rằng việc đó tốn thời gian của anh. Phải cho đến khi chị khuyên mãi anh mới bực tức tối nào cũng ra khỏi nhà với danh nghĩa “khảo sát thị trường”, mở quán nhưng kì thực là anh đến quán café quen thuộc mỗi tối ngồi hút thuốc, tán gẫu với lũ bạn. Vi chị vốn thông minh và có chút kiến thức kinh doanh nên dê dàng nhận ra lời nói dối của anh nhưng lại làm anh tự ái, cho rằng “đàn bà không hiểu chuyện”, nhân cơ hội đó gạt phắt luôn ý kiến của chị.
Anh không cầu tiến, chị đã cho rằng có khi do công việc của anh vốn an nhàn, nó dễ thành nếp sống. Nhưng anh thậm chí là một người coi trọng bản thân hơn cả gia đình. Anh có một vết thẹo nhỏ trên chân, di chứng việc té xe từ hồi còn nhỏ, mảnh thẹo bé con con nhưng anh lại luôn lấy nó làm lí do cho mỗi lần mắng chị, mỗi lần anh không muốn giúp chị hoặc khi chị khuyên anh nên nhận thêm việc gì đó, làm vì kinh tế gia đình đương khó khăn. Câu cửa miệng của anh lúc nào cũng là: “Cũng chưa đến mức chết đói sao cứ phải vật vã lên”.
Mùa đông năm ấy chị giấu anh đi bán máu vì nhà chỉ còn vài hạt gạo cuối cùng. Về tới nhà đã thấy anh sốt cao, hỏi ra mới biết hôm qua sau khi đi uống bia với đám bạn về anh tắm đêm nên giờ sốt. Đứng trước giường bệnh của anh chị chợt nhận ra dường như anh không còn xứng đáng để cho chị hi sinh nữa. Hơn sáu năm qua, vết sẹo nhỏ trên chân anh sao bằng vết sẹo dài nơi bụng mà chị đã mổ sinh những đứa con của anh? Công việc được anh rút bớt đi có bao giờ anh nghĩ đã được bù lại vì chị nhận thêm hai ba công việc? Anh là trụ cột trong nhà nhưng chưa bao giờ chị có thời gian ngơi nghỉ trong khi anh lê la quán xá để giờ đổ bệnh. Nhưng việc quan trọng nhất chị nhận ra đó là khi một người đàn ông chỉ cố gắng sống thoải mái cho bản thân mình thì mãi mãi không thể nào là người đàn ông của gia đình được.
Cầm lá đơn ly hôn của chị anh nhất quyết không kí, chị chỉ mỉm cười buông lại một câu: “Đàn ông tốt biến phụ nữ thành đứa trẻ, đàn ông tồi biến phụ nữ thành đàn ông.”
Anh hơi sững người nhưng trong mắt anh có gì đó như ngộ ra. Lúc ra đi chị vẫn mang trong mình một trái tim vững chãi, vì chị luôn là người quyết định, vì anh luôn ỷ lại vào chị mà không bao giờ biết được rằng chị là một người phụ nữ, chị cũng cần được chở che.
Bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Ngày chị ấy ra đi của tác giả Lê Hứa Huyền Trân. Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe lá thư được gửi đến từ tác giả ẩn danh với tựa đề:
Cứ để ba đi về phía ấy, mẹ con mình bước đường rộng thênh thang
Từ sau cuối tháng tám ba về đưa An đi tiêm ngừa rồi bẵng mấy tháng liền không gặp. Mẹ đếm gần 20 cái Chủ Nhật trôi qua mà ba vẫn chưa về. Lúc điện hỏi thì ba đổ tại việc quấn chân không thể về thăm con.
Hồi đó, mẹ nghi ba có người mới nhưng đứng giữa ranh giới mực thước và bản năng thì mẹ lại theo hướng tích cực là ba không bao giờ thế. Mẹ không bao giờ lấy tự do của ba nên cả nhà mình cứ việc nào ra việc nấy.
Cuối cùng, linh tính của mẹ là đúng. Ngay đêm Noel mẹ gặp hình ảnh ba và cô ấy ôm nhau dưới gốc cây thông. Mẹ không hồ nghi nữa. Mẹ gọi ba về nói cho rõ ngọn ngành. Đêm đó, ba xuống sân bay về tới nhà khệ nệ bao nhiêu là đồ chơi cho con. Chắc ba nhớ ra mấy thứ mẹ dỗi hờn lâu nay nên giờ có dịp tranh thủ.
Hoàng An khi đó mới hơn tám tháng, con ngây ngô không biết chuyện gì đã xảy ra. Mẹ cũng không nói vì sợ làm mọi thứ thêm căng thẳng. Nhưng, mấy tháng không gặp, khi ba đưa tay bế thì An khóc thét ngỡ người lạ. Lúc đó, mẹ quặn lên đau đớn định cất giọng trách ba "Đó anh thấy chưa? Có đúng là vì mưu sinh vất vả để đổi cảm giác này sao?". Nhưng lại thôi, mẹ nghĩ thẳm sâu lương tâm ba biết và cũng đau lòng không khác gì mẹ.
Sau giây phút ngắn ngủi bồng bế đó. Cả đêm ba bận rộn điện thoại với cô ấy. Mẹ quan sát nhưng vẫn không nói gì vì đấy là việc riêng của ba. Đêm đó, cả nhà nằm với nhau mẹ nghe rõ hơi thở ba và con quyện vào nhau nồng ấm. Quá lâu rồi chúng ta chưa trải qua cảm giác này. Con đâu biết, lúc quay lưng về phía ba nước mắt mẹ chảy dài vì sao gia đình mình nên nỗi khi con còn quá nhỏ?
Hôm sau, mẹ pha cà phê rủ ba xuống nhà nói chuyện về chúng ta và cô ấy. Mẹ đủ điềm nhiên cho ba hiểu rằng sẽ không có sự níu kéo một khi đã hết tình cảm. Mình yêu tự do và tôn trọng quyền dân chủ, mẹ không giữ nếu trái tim ba muốn đi.
Lúc đó, ba nói còn yêu mẹ và cần xây dựng lại nên sẽ thu xếp rời cô ấy. Rồi con biết không? Ngay lúc đó điện thoại mẹ reo lên cuộc gọi lạ, nghe máy thì cô tự giới thiệu là H, bạn gái của ba và cần cho được gặp ba.
Mẹ cười rồi chuyển máy. Ba có vẻ lúng túng nhưng vẫn ghì chặt mẹ cố giải thích không có điều gì lay đổ khi ba quyết trở về hướng gia đình mình. Ừ, mẹ nắm chặt tay và tin ba.
Chiều và tối ngày 30 tháng 12, điện thoại ba liên tục đổ chuông. Ba bảo mình cùng đi tìm cô. Mẹ lái xe đưa ba đi, qua vài con phố mẹ vẫn dặn ba nhắn với cô ấy đừng dại dột, hãy nghĩ tới con gái cần mẹ, nghĩ tới hai đấng sinh thành. Mẹ có lo sợ thật. Ba xin mẹ được ở lại trấn an tinh thần cô. Ba sẽ về nhà sớm nhất có thể.
Mẹ đau lòng trở về nhà một mình nhưng vẫn làm đúng ý ba. Vậy mà, sau này cô chủ động nhắn tin kể cho mẹ nghe đúng đêm đó họ làm chuyện không đúng với mẹ. Làm gì có tự tử, chuyện cổ tích vậy mẹ cũng tin à? Giờ nghĩ lại, mẹ thấy mình ngây thơ quá phải không?
Nay mẹ viết mấy dòng này kỉ niệm tròn ba tháng ngày ba trở về với chúng ta. Mẹ nhắc lại lý do vì sao chúng ta có chuyến đi Hà Nội? Vì sao mẹ phải bế con lang thang giữa trời giá lạnh để nhận ra đâu là sự thật và đâu là giẫm nát? Giờ thì tất cả đã qua. Những hờn oán cũng không giúp chúng ta lớn dậy.
Có một điều mẹ vui hẳn ra khi nghe lời đơm đặt rằng mẹ lấy ba bằng sự trốn chạy hay cài bẫy như thể An là đứa con vô thừa nhận của họ nội. Rằng, mẹ không danh chính ngôn thuận thì đừng lên án cô là người thứ ba.
Con à. Hãy để ba đi về lối ấy, mình mang ơn ba gieo hạt lên mẹ cho Hoàng An có mặt. Hãy xem như chúng ta chưa từng có những năm tháng yêu thương bền chặt. Như thế, mai sau sẽ chẳng có ai đớn đau hay dằn vặt. Đường thênh thang phía trước, mẹ nắm chặt tay An băng qua tháng năm sống yên vui bất tận.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân, Ẩn danh
Giọng đọc: Hà Diễm
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang