Kiên trì là chìa khóa để thành công
Thứ hai - 30/10/2023 09:33
“Những thành tựu vĩ đại không được gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì” (Samuel Johnson). Bởi vậy, nhiều thất bại, đau khổ trong đời rất có thể là do thiếu sự kiên trì.
***
Có nhiều con đường để mỗi người có thể nắm giữ chìa khóa mở được cánh cửa thành công cho riêng mình. Điều quan trọng nhất chính là sự kiên trì, bởi “Nghị lực và kiên trì sẽ chiến thắng tất cả!” (Benjamin Franklin).
Kiên trì là nỗ lực, cố gắng không ngừng trên con đường đã chọn dù cho có gặp bao gian nan, thử thách. Đây chính là thái độ sống tích cực nhằm hướng tới mục tiêu, thành công và hạnh phúc của mỗi người. Kiên trì thể hiện ở việc đặt ra mục tiêu rõ ràng và tập trung hành động cho chính mục tiêu đó. Đó còn là việc ta dám đối mặt với những thay đổi và thích nghi với mọi đổi thay của hoàn cảnh; biết kiên nhẫn chờ đợi những điều tốt đẹp bằng tinh thần tin tưởng, lạc quan.
Có được sự kiên trì, mỗi người sẽ vững vàng về ý chí, nghị lực để vượt qua thử thách. Họ không sợ vấp ngã, không dễ dàng bị vấp ngã hoặc dẫu có vấp ngã, thất bại cũng sẽ không đầu hàng, buông xuôi. Sự kiên trì sẽ nuôi dưỡng khát vọng, tiếp thêm lí tưởng, hoài bão và nỗ lực để mỗi người có thể dấn bước, tiến tới được vạch đích như mong đợi.
Thực tế cho thấy, mọi thành công có được phần lớn đến từ sự kiên trì, khổ luyện chứ không phải do may mắn. Có rất nhiều tấm gương sáng trong đời sống là những minh chứng cho đức tính kiên trì. Là Thomas Edison với việc thử nghiệm tới 10 ngàn lần để mang lại ánh sáng cho nhân loại. Là chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng học hỏi, bôn ba để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Đó còn là biết bao tấm gương chiến sĩ, trí thức, người lao động,… vẫn ngày đêm miệt mài với nhiệm vụ, công việc của bản thân để xã hội ngày càng ổn định, đất nước ngày càng đẹp giàu.
“Những thành tựu vĩ đại không được gặt hái bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì” (Samuel Johnson). Bởi vậy, nhiều thất bại, đau khổ trong đời rất có thể là do thiếu sự kiên trì. Người thất bại thường hay đắn đo, ngần ngại. Họ thấy khó khăn trước mắt mà sinh ra chán nản, ủ dột. Họ tự ti, bi quan; sợ mình thiệt thòi, nấn ná, không dám bước về phía trước. Vì họ không thay đổi cách suy nghĩ. Vì họ không mạnh mẽ, tự tin. Vì họ không nỗ lực và không dám đặt niềm tin ở bản thân,… nên thành công đã bỏ rơi họ.
Thành công có được trong đời phải được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt, đôi khi là cả sự hi sinh trong quá trình khổ luyện. Cậu bé Trần Văn Lạc mà tôi biết là một ví dụ. Lạc sinh ra đã bị cụt tứ chi. Thế nhưng Lạc vẫn không hề chịu thua, không chịu lùi bước trước số phận. Bằng sự nỗ lực cố gắng, từ việc dùng cùi tay kẹp bút viết chữ đến kẹp đồ chơi, kẹp thức ăn,... cậu đã trở nên thành thạo. Chẳng những học tập chăm chỉ, cậu còn đạt học sinh khá giỏi, đậu đại học và ra trường với tấm bằng khá, tích cực làm việc, được mọi người ngưỡng mộ, thán phục!
Thực tế cho thấy, ranh giới giữa thành công và thất bại chỉ cách nhau trong gang tấc. Người thành công là vì họ đã cố gắng thêm một chút sức lực, thời gian; người thất bại lại dễ dàng bỏ cuộc khi chỉ còn chút nữa là sẽ chạm tay tới thành công, hạnh phúc. Sự kiên trì đem đến thành công toàn diện. Bởi một khi đã nhận ra được những điểm yếu, điểm mạnh, nguyên nhân dẫn tới thất bại của chính mình, chúng ta sẽ bền bỉ và dồn sức cố gắng, sẽ có nhiều cơ hội để thành công.
Tuy nhiên, rất nhiều người đã và đang thiếu đi đức tính kiên trì. Một số có tư tưởng “cả thèm chóng chán”. Một số vì được bao bọc, sống trong nhung lụa, cung phụng, đủ đầy thành ra ngại, sợ, rồi bỏ cuộc. Một số khác bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, nay theo đuổi mục tiêu này, mai theo đuổi mục tiêu khác, cuối cùng chẳng làm được gì cho trọn vẹn…
Sự kiên trì không phải tự nhiên mà có, bởi đó vừa là phẩm chất vừa là một thói quen. Người có tài năng, học vấn,… nhưng nếu thiếu đi sự kiên trì cũng sẽ thất bại. Thế nên ý thức rèn luyện, không ngừng trau dồi bản thân mới thực sự là chìa đưa ta đến với thành công!
Tác giả: Xanh Nguyên - blogradio.vn