Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Vì đuổi theo tiêu chuẩn của xã hội, chúng ta luôn phải sống sao cho tốt hơn hàng xóm, nổi tiếng hơn đồng nghiệp, giàu có hơn họ hàng.
Cuối tuần vừa rồi, tôi đi họp lớp. Đó là buổi họp lớp có đông thành viên nhất trong suốt 15 năm qua, kể từ khi chúng tôi tốt nghiệp. Cả lớp 51 thành viên, có 32 người tham dự. Những người còn lại, có người đã cắt đứt liên lạc hoàn toàn từ lâu, có người thì hứa hẹn nhưng cuối cùng lại chẳng thấy đến.
Trong một buổi họp lớp như thế, bạn cũ gặp lại nhau, lúc nào cũng sẽ diễn ra cảnh bạn bè tự so sánh với nhau rồi kẻ cười, người than vãn. Bởi lẽ không phải ai cũng chấp nhận được sự thật những người năm ấy từng ngồi cùng một lớp học với mình mà chục năm qua đi, sự chênh lệch giữa cả hai lại càng ngày càng lớn, đến mức coi là khác nhau một trời một vực cũng không ngoa.
15-20 năm trôi qua, đường đời mỗi người mỗi khác. Sự thay đổi có đôi khi khiến người ta cảm xúc lẫn lộn.
Tuy nhiên, cá nhân tôi lại rất thích tham gia các buổi họp lớp. Mỗi lần tụ họp lại như thế, tôi đều hứng thú với việc quan sát những con người cách đây rất lâu đã có cùng xuất phát điểm như tôi hiện nay đang ở vị trí thế nào.
Lý do gì khiến họ thành công vượt bậc? Rồi lý do gì khiến họ cứ dậm chân tại chỗ?
Một buổi họp lớp không đơn giản là cách giúp người ta hồi tưởng lại thanh xuân hay cảm thán sự vô tình của thời gian và lòng người, mà nhân đó, chúng ta còn có thể hiểu được rất nhiều bài học về hiện thực.
Vừa tốt nghiệp xong, mọi người hoặc là học lên cao học hoặc chen chúc apply vào các công ty lớn, như thể trên đời này chỉ có 2 con đường đó mới là hướng đi chính xác.
Minh, cậu bạn ngồi sau tôi hồi đó chọn Nam tiến, làm thuê ở một cửa hàng chuyên về đồ điện gia dụng. Lúc mới biết tin, nhiều đứa trong bọn tôi lắc đầu, làm sale thì sao mà thăng tiến được.
Mấy năm sau, nghe nói nó tự mở được một cửa hàng nhỏ, làm ông chủ; mấy năm sau nữa, mở một siêu thị điện máy quy mô mini; rồi lại tiếp tục mấy năm sau, siêu thị nhỏ ngày nào nay đã trở thành một chuỗi điện máy cỡ lớn.
Ly, hoa khôi lớp tôi thì nghe theo lời bố mẹ, đi làm ở một doanh nghiệp nhà nước lớn, làm hành chính - công việc mà mọi người vẫn cho rằng thích hợp nhất đối với con gái. Quy quy củ củ như thế được 3 năm, nó lén làm thủ tục xin học bổng du học Pháp, học về kiến trúc. Tới lúc mọi thủ tục đã xong xuôi, nó mới thông báo cho bố mẹ. Kể từ đó, nó không còn khư khư với hình tượng tóc dài váy trắng ngồi lỳ văn phòng điều hòa cả ngày mà cắt tóc ngắn cá tính, nay đây mai đó theo các công trình.
Trong lúc chúng tôi trầm trồ về câu chuyện phụ nữ thời hiện đại của nó, nó lại đột ngột kết hôn sinh con, quay trở về làm một bà nội trợ. Hiện tại, nó mở kênh youtube về làm đồ DIY cho trẻ con, thu hút hơn 100k follow. Nữ kiến trúc sư năm nào nay được xếp vào hàng ngũ KOLs mạng.
Bạn thấy đó, hóa ra cuộc đời không chỉ có một hướng đi.
Đám bạn cũ của tôi, có người ra nước ngoài lập nghiệp, có người thi công chức, có người làm công nhân, dù sự chênh lệch giữa họ khác nhau vô cùng nhưng thời gian trôi qua, bạn sẽ phát hiện, ai cũng có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình.
Cả một lớp học, đường ai nấy đi, người nào tự sống tốt cuộc đời của người nấy. Không có cuộc đời nào đáng để ngưỡng mộ tuyệt đối, cũng không có cuộc đời nào đáng bị khinh bỉ tuyệt đối. Suy cho cùng, người ta sống ở đời, lên lên xuống xuống, rẽ ngang rẽ dọc là chuyện quá đỗi bình thường. Con đường dẫn đến thành công cũng năm bảy cách đi.
Stefan Zweig có câu thế này: "Tất cả các món quà do số phận mang đến đều đã được định giá một cách bí mật".
Giá cả cho những món quà cuộc đời dành tặng đều bị giấu ở phần tối của cuộc đời, ở nơi mà chúng ta tạm thời không thể nhìn thấy. Chỉ đến ngã rẽ của vận mệnh, chúng ta mới có cơ may thấy rõ ràng.
Mai Anh từng là nữ sinh được ngưỡng mộ nhiều nhất trong lớp tôi. Sau khi tốt nghiệp, nó dễ dàng vào làm tại một công ty người quen của bố mẹ nó, sau đó nó lọt vào tầm mắt của sếp tổng và trở thành con dâu sếp tổng.
Khi chúng tôi còn vật lộn với đống luận án thì nó đang thoải mái hưởng thụ trong spa. Khi chúng tôi sáng tối chen chúc trên xe bus thì nó đang ung dung ngồi trong siêu xe nắng không tới mặt, mưa chẳng tới đầu.
Nó đã từng là tấm gương mà mẹ tôi mang ra để bắt tôi nhìn theo mà học tập. Nhưng cuộc đời đúng là không lường trước được điều gì.
Mẹ chồng nó về hưu, ban lãnh đạo công ty cải tổ hoàn toàn, nó nằm trong danh sách nhân viên bị giảm biên chế. Trong lúc nó hoang mang sợ hãi nhất, cần một cánh tay để dựa vào nhất thì nó lại phát hiện chồng mình ngoại tình.
Trong cuốn sách "Sự vùng dậy của một cá thể" có nhắc đến một định luật mang tên định luật bảo toàn đau khổ:
Mỗi người sống một đời sẽ phải chịu một lượng đau khổ nhất định, những đau khổ này không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác hoặc từ hình thức này sang hình thức khác.
Cuộc sống thực tế công bằng đến đáng sợ. Khi bạn cho rằng ông trời cho bạn quá nhiều may mắn thì cũng có thể khi đó bạn chỉ đang được ghi sổ trước mà thôi. Thế giới này có quy tắc vận hành riêng của nó, đừng tiêu xài hoang phí trong lúc bản thân không có nổi tài nguyên gì để mang ra thế chấp.
Trong buổi họp lớp hôm đó, Nam - cậu bạn tôi kể bên trên cảm khái: "Ai cũng lần đầu làm người, làm gì mà chẳng phải tự mày mò cơ chứ. Thỉnh thoảng nhìn phía trước mịt mờ, cứ ngỡ chẳng có đường đi. Nhưng mà chỉ cần dám tiến lên thì chắc chắn có thể tìm được đường ra."
Tâm lý học có một khái niệm gọi là "nguyên lý lối đi". Nghĩa là giống như đèn cảm ứng ở ngoài đời, trên con đường bạn đi đèn luôn ở trạng thái tắt, chỉ khi bạn bước đến một vị trí nhất định, đèn mới sáng lên để soi đường cho bạn.
Cuộc sống của chúng ta cũng vậy.
Nếu bạn sợ hãi, rút lui, vậy bạn sẽ không bao giờ vượt qua được bóng tối. Cứ cắn chặt răng, bước lên từng bước một, ánh sáng sẽ nhanh chóng xuất hiện trước mắt bạn thôi.
Câu chuyện của Mai Anh thì 2 năm sau đã bước sang chương mới.
Một người chưa từng phải xin việc như nó lần đầu tiên làm quen với việc rải hồ sơ, từ công ty nhỏ nhất đến những công ty lớn hơn, từ vị trí thấp nhất đến những vị trí cao hơn. Mới đầu, chưa quen việc, nó phải ôm cả việc về nhà để làm, cứ khuya đến là vừa dỗ con vừa làm. Ở công ty, nó chủ động sắp xếp tài liệu của công ty thành từng ngăn từng ngăn.
Mấy hôm rồi nó gọi cho tôi khoe sếp mới thấy nó chăm chỉ, lại chu đáo nên giao cho nó nhiệm vụ hoàn thiện các hạng mục quản lý của công ty, còn tăng mấy bậc lương cho nó.
Tôi còn nhớ một câu nói thế này, "Nửa cuối của cuộc đời, kẻ địch duy nhất của bạn là chính bạn."
Nhìn lại 15 năm đã qua, tôi phát hiện câu nói này thực sự rất đúng. Thứ giúp chúng ta vượt qua tất cả là động lực xuất phát từ chính bên trong chúng ta chứ không phải vì thế giới ồn ào huyên náo ngoài kia.
Chúng ta không thể đoán trước được điều gì bởi không ai biết ngày mai và những điều bất trắc cái nào sẽ đến trước. Vậy nếu đã biết sẽ không ngăn được, chi bằng tiếp nhận nó, sau đó nhanh chóng tìm cách giải quyết.
Trời mưa thì bung dù, không có dù thì tìm một mái hiên. Nếu cả mái hiên cũng chẳng thấy, vậy cố gắng chạy thật nhanh. Thế giới này nhiều gian khổ lắm, cứ ngẩng đầu mà đi, có thế thì tương lai mới tươi sáng hơn.
Hà Linh - một thành viên khác trong lớp hiện đang làm giảng viên tại một trường đại học, con trai nó chuẩn bị nhập học ở một ngôi trường danh tiếng quốc tế.
Lúc cả lớp đang ăn, tôi hỏi nó dạy tiếng Anh cho con trai thế nào. Nó đáp thực ra nó cũng không có bí quyết gì hết. Chỉ là lúc con nó còn bé cũng là lúc nó được chuyển công tác sang Mỹ để bồi dưỡng một năm. Lúc ở Mỹ, ngày nào nó cũng gọi video cho con. Dần dà, con trai nó cũng trở nên tò mò với thế giới ở phía bên kia đại dương. Đến một ngày, thằng bé hùng hồn tuyên bố với nó: "Sau này con sẽ đi du học ở Mỹ giống mẹ."
Hà Linh cười nói với tôi: "Tao cũng phải cố gắng thôi, nếu không thì làm sao làm thần tượng cho con tao được."
BBC từng sản xuất một phóng sự mang tên "7 năm cuộc đời" với mục đích đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi: Liệu bố mẹ có thực quyết định được tương lai của con trẻ hay không?
Nhà sản xuất đã lựa chọn 14 đứa trẻ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ năm 7 tuổi đến năm 56 tuổi, cứ 7 năm một lần, đài sẽ quay lại cuộc sống của họ ra sao.
Con cái của những gia đình thành công, từ nhỏ đã học theo bố mẹ đọc Financial Times. Chúng hiểu rõ cơ chế cạnh tranh xã hội, hiểu rõ quy tắc thăng cấp trong đời là như thế nào, cũng hiểu rõ cách lên kế hoạch cho cuộc đời của chính mình. Sau khi trưởng thành, những đứa trẻ này vào học ở những ngôi trường nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp, chúng tiến vào tầng lớp thượng lưu. Con cái của những người thuộc diện này tiếp tục kéo dài cuộc sống như vậy, nhận được sự giáo dục tốt, làm những công việc mà ai ai cũng ao ước.
Trong khi đó, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình ở tầng chót, ngay cả hai chữ "đại học" cũng chưa từng nghe qua. Con trai thì chỉ mê đánh nhau, con gái thì luôn coi kết hôn sinh con là mục đích sống. Những đứa trẻ này sau khi lớn lên về cơ bản đã copy paste nguyên si cuộc sống phụ huynh mình từng trải qua (trừ một số ít gặp gỡ cơ may đổi đời). Tới lứa cháu chắt cũng buộc phải đi theo quy luật có sẵn đó.
BBC dùng 49 năm quay chụp để nói cho chúng ta biết sự thật:
Nếu như cuộc đời là một cuộc thi chạy tiếp sức thì bố mẹ chính là xuất phát điểm của con cái. Bố mẹ chạy càng xa thì vị trí nhận gậy tiếp sức của con cái càng gần với điểm đích.
Sau khi buổi họp lớp kết thúc, ra đến bãi đỗ xe, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh anh bạn tên Thành dắt con xe đạp ra khỏi bãi. Phải nhắc ở đây một chút là nhà Thành rất giàu. Bản thân cậu ấy cũng đang làm việc ở một công ty nước ngoài, thu nhập thuộc diện top đầu.
Tôi không ngờ cậu ấy lại không lái một con siêu xe cực xịn nào đó đến chỗ họp lớp, vì điều này xem chừng không hợp phong cách mấy người thuộc hội thành công, sang chảnh cho lắm. Thành cười to rồi nói với tôi vì nhà nó khá gần nhà hàng tổ chức họp lớp, đoạn đường này lại vừa bé vừa xóc nên đi xe đạp dễ hơn, coi như tranh thủ rèn luyện cơ thể luôn.
Thành làm tôi nhớ đến tin tức tôi từng đọc được trên báo về việc một cô gái thuê ô tô để đi dự họp lớp. Trên đường ngờ bất ngờ gặp mưa lớn, động cơ bị dính nước, hỏng xe. Nhà xe cho thuê bắt đền gần 600 triệu.
Tác giả Alain de Botton của Anh từng viết: "Chúng ta ai cũng sợ mất đi thân phận địa vị của chính mình, bởi vì nó quyết định độ chân thành mà người khác dành cho bạn."
Cuộc sống ồn ào, chức vụ sang hèn, thu nhập thấp cao, hôn nhân buồn vui, con cái ngoan hư, điều gì cũng có thể khiến chúng ta phải đau đầu. Vì đuổi theo tiêu chuẩn của xã hội, chúng ta luôn phải sống sao cho tốt hơn hàng xóm, nổi tiếng hơn đồng nghiệp, giàu có hơn họ hàng.
Có lẽ các bạn đã quên mất một điều: Thế giới này là của riêng bạn, không hề liên quan đến ai khác.
Tham gia một buổi họp lớp giống như nghiên cứu một phần lịch sử có dấu ấn của chính bạn vậy. Đây không phải để chỉ hành động "mấy người trung niên tập trung một chỗ, đào óc lôi ra đống kỉ niệm xưa cũ để chắp vá thành hình hài một thiếu niên không còn ở đó" mà đây là dịp để chúng ta lấy nhau làm gương, lấy nhau làm động lực, đồng thời thấu hiểu hơn sự thiên biến vạn hóa của cuộc đời.
Một vị giáo sư giảng dạy tại Đại học Harvard từng khuyên sinh viên của mình rằng dù cuộc sống ra sao cũng nhất định phải tham gia buổi họp lớp 20 năm sau khi tốt nghiệp.
Bởi vì khi ấy, bạn sẽ thấy, người kiên trì với ước mơ của mình và người cứ để nước chảy bèo trôi sẽ trải qua những cuộc đời khác nhau như thế nào.
Đây có lẽ là một trong những ý nghĩa lớn nhất của những buổi họp lớp.
Tác giả: Yingie
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn