Cách viết lệnh, thụt lề và chú thích trong Python

Thứ năm - 13/07/2023 09:22

Chú thích trong Python cùng với viết lệnh và thụt lề như thế nào? Thực tế, rất đơn giản, dưới đây là những điều bạn cần biết về cách thụt lề, soạn lệnh và những cách viết ghi chú trong Python.

Python là một trong số ngôn ngữ lập trình được dùng phổ biến nhất trong phát triển ứng dụng, web, chương trình phần mềm và nhiều hơn thế nữa. Chính vì thế, nắm vững cách dùng Python, bạn sẽ có cơ hội “đi xa” hơn trong thế giới lập trình.

Mỗi ngôn ngữ lập trình có câu lệnh, cách viết lệnh và bình luận khác nhau. Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nắm được quy luật và cách viết của ngôn ngữ đó.

Trong bài này, bạn sẽ biết về các lệnh trong Python, tại sao thụt lề lại quan trọng và cách viết chú thích, bình luận trong ngôn ngữ lập trình này.

Viết lệnh trong Python

Cú pháp Python có thể được triển khai bằng cách viết trực tiếp vào trong Command Line:

>>> print("Hello, World!")
Hello, World!

Trong đó, print là một hàm trong Python dùng để in một chuỗi ra màn hình. Trong dấu ngoặc kép ("") chính là nội dung mà bạn muốn hiển thị ra màn hình.

Hoặc bằng cách tạo một file python trên server, dùng đuôi file mở rộng .py và chạy nó trong Command Line:

C:\Users\Your Name>python myfile.py

Để chạy một chương trình Python, bạn có thể sử dụng một trình biên dịch Python trực tuyến hoặc trình chạy Python cài đặt trên máy tính.

Viết câu lệnh Python trên nhiều dòng

Trong Python, một câu lệnh được sẽ kết thúc bằng cách xuống dòng. Tuy vậy, đôi khi bạn cần viết một câu lệnh dài hơn trong Python và muốn xuống dòng để dễ đọc hơn.

Để viết một câu lệnh trên nhiều dòng trong Python, bạn có thể sử dụng các ký tự dấu ngoặc đơn (), ngoặc vuông [] hoặc ngoặc nhọn {}. Các dấu ngoặc ở đây ngầm ý tiếp tục dòng lệnh vẫn còn cho tới khi có ngoặc đóng.

Ví dụ, để viết một câu lệnh print trên nhiều dòng, bạn có thể sử dụng các ký tự bọc như sau:

mau_sac = ['vàng',
           'xanh',
           'cam']

Lưu ý rằng khi viết một câu lệnh trên nhiều dòng, bạn cần đảm bảo rằng các dòng tiếp theo được lùi vào (indent) để cho Python biết rằng nó là một phần của câu lệnh trước đó.

b = (1 + 3 + 5 + 
    7 + 9 + 11 + 
    13 + 15 + 17)

Tuy vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng cần dùng ngoặc để xuống dòng cho câu lệnh, để linh động, bạn cũng có thể mở rộng câu lệnh trên nhiều dòng với ký tự tiếp tục dòng lệnh (\). Ví dụ trên có thể viết lại như sau:

b = 1 + 3 + 5 + \
    7 + 9 + 11 + \
    13 + 15 + 17

Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt nhiều lệnh trên cùng một dòng, phân cách nhau bởi dấu chấm phẩy ; như thế này:

a = 1; b = 2; c = 3

Lùi lề trong Python

Nếu đã học C, C++ hay Java bạn sẽ biết rằng những ngôn ngữ lập trình này sử dụng { } để xác định các khối code. Trong Python thì khác, những khối lệnh sẽ được nhận biết thông qua indent (thụt lề vào). Đó là lý do vì sao thụt lề trong Python vô cùng quan trọng, nếu bạn thụt hoặc thò nhầm là sẽ bị báo lỗi ngay.

Một khối code (thường là khối lệnh của hàm, vòng lặp,...) bắt đầu với thụt lề và kết thúc với dòng đầu tiên không thụt lề. Thụt lề bao nhiêu là tùy thuộc ở bạn nhưng chúng phải nhất quán trong suốt khối code đó, tức là các lệnh trong cùng một khối thì phải có độ thụt lề bằng nhau.

Thụt lề chỉ khoảng cách bắt đầu dòng code. Trong các ngôn ngữ lập trình khác, phần thụt đầu dòng trong mã chỉ để dễ đọc, nhưng phần thụt đầu dòng trong Python lại rất quan trọng.

Python dùng thụt dòng để chỉ một khối code. Ví dụ:

if 5 > 2:
print("Five is greater than two!")

Python sẽ báo lỗi nếu bạn bỏ qua thụt đầu dòng:

File "<string>", line 2
    print("Five is greater than two!")
    ^
IndentationError: expected an indented block
> 

Số khoảng cách lùi lề tùy thuộc vào thói quen bạn lập trình web hay app. Phổ biến nhất là 4 nhưng số nhỏ nhất phải là 1 khoảng cách.

if 5 > 2:
 print("Five is greater than two!")
if 5 > 2:
    print("Five is greater than two!")

Thông thường, sẽ dùng 4 lần phím cách để thụt lề. Được các lập trình viên yêu thích hơn cả là phím tab, giống như ví dụ dưới đây:

for i in range(1,11):
    print(i)
    if i == 5:
        break

Khối lệnh của for gồm có print(i) và if, được viết thụt lề bằng nhau, break là lệnh trong if, nên lại được thụt lề thêm một đoạn nữa. Bạn chưa cần hiểu cụ thể đoạn code trên nói cái gì, chỉ cần ghi nhớ trong đầu về cách thụt lề của Python thôi, dần dần chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết, từng thứ một.

Nếu lệnh trên được viết thành:

for i in range(1,11):
print(i)
    if i == 5:
       break

Bạn sẽ nhận được thông báo lỗi ngay lập tức, và lỗi sẽ hiện trước lệnh print(i).

Nhờ thụt đầu dòng mà code trong Python trông gọn gàng và rõ ràng hơn. Bạn có thể bỏ qua thụt đầu dòng với những câu lệnh viết trên nhiều dòng, nhưng những nhà lập trình nhiều kinh nghiệm khuyên rằng: Hãy luôn thụt lề, điều đó làm cho code dễ đọc hơn.

Ví dụ:

if True:
    print('Xin chào!')
    q = 10

Và:

if True: print('Xin chào!'); q = 10

Cả hai cách viết trên đều đúng và thực hiện công việc tương tự nhau, nhưng bạn có thấy cách viết đầu nhìn rõ ràng hơn không?

Chú thích, bình luận trong Python

Chú thích là cách để người viết code giao tiếp với người đọc code, có thể nói rằng đây là thành phần không thể thiếu trong phần code lập trình. Nó giúp mô tả điều gì đang xảy ra trong chương trình để người đọc code không mất quá nhiều thời gian tìm hiểu, suy đoán.

Thiết thực hơn nữa, bạn có thể viết cùng lúc nhiều chương trình, đan xen nhau, nhầm lẫn hoặc quên đi chi tiết quan trọng của đoạn code mà bạn đã viết trước đó cả tháng là chuyện bình thường. Đó là lúc những chú thích, bình luận trở thành cứu cánh. Hãy tập thói quen viết các chú thích này ngay từ bây giờ nhé.

Trong Python, chúng ta sử dụng ký tự # để bắt đầu một chú thích. Chú thích bắt đầu sau dấu # cho đến khi bắt đầu một dòng mới. Khi thông dịch, Python sẽ bỏ qua những chú thích này.

#Đây là chú thích
#In dòng chữ Quantrimang.com 
print('Quantrimang.com')

Bạn có thể viết chú thích trên cùng một dòng với lệnh hoặc biểu thức mà không vấn đề gì cả, như này:

print('Quantrimang.com') #Đây là chú thích in dòng chữ Quantrimang.com

Nếu bạn muốn viết chú thích trên nhiều dòng, rất đơn giản, chỉ cần thêm # vào trước mỗi dòng, như thế này:

#Đây là chú thích
#trên nhiều dòng
#In dòng chữ Quantrimang.com
#trong Python 
print('Quantrimang.com')

Có cách khác để viết chú thích là sử dụng 3 dấu nháy đơn ' ' ' hoặc nháy kép " " ". Những dấu nháy này thường được sử dụng cho các chuỗi nhiều dòng. Nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để viết chú thích trên nhiều dòng. Chỉ cần không phải là docstring thì nó sẽ không tạo ra thêm bất cứ code nào khác.

"""Đây là chú thích
trên nhiều dòng
In dòng chữ Quantrimang.com
trong Python"""

Cách dùng bình luận trong Python

Làm code dễ hiểu hơn

Nếu viết bình luận trong code khi lập trình, bạn dễ dàng tham chiếu chúng hơn trong tương lai. Ngoài ra, code của bạn cũng dễ hiểu hơn với các lập trình viên khác.

Dùng bình luận để gỡ lỗi

Nếu gặp lỗi trong khi chạy chương trình, bạn có thể để lại bình luận trên dòng code gây lỗi thay vì loại bỏ nó. Ví dụ:

print('Python')

# print('Error Line )

print('Django')

Ở đây, print('Error Line) đang gây ra lỗi, vì thế, nó đã được thay đổi thành một bình luận. Giờ chương trình đó chạy bình thường mà không gặp lỗi.

Đây là cách bình luận có thể trở thành một công cụ gỡ lỗi đáng giá.

Lưu ý: Luôn dùng bình luận để giải thích tại sao dữ liệu nào trong code được thay đổi thay vì đã làm điều gì đó như thế nào. Không nên dùng bình luận để giải thích chất lượng code.

Docstring trong Python

Docstring là viết tắt của Documentation string - chuỗi tài liệu, xảy ra như câu lệnh đầu tiên trong mô đun, hàm, định nghĩa method. Bạn sẽ phải viết những gì mà hàm, lớp sẽ làm trong docstring.

Ba dấu nháy kép được sử dụng để viết docstring như ví dụ dưới đây:

def double(num):
    """Ham nhan doi gia tri"""
    return 2*num

Docstring sẽ xuất hiện dưới dạng thuộc tính __doc__ của hàm. Để xem docstring của hàm bạn có thể sử dụng lệnh print() như dưới đây:

def double(num):
    """Ham nhan doi gia tri"""
    return 2*num
print(double.__doc__)

Kết quả:

Ham nhan doi gia tri

Đợi người dùng hành động

Dòng lệnh sau sẽ hiển thị dấu nhắc, câu lệnh nói rằng "Nhấn phím Enter để thoát!" và đợi hành động của người dùng.

input("\n\nNhấn phím Enter để thoát!")

Ở đây, "\n\n" được sử dụng để tạo ra hai dòng mới trước khi hiển thị dòng thực tế. Một khi người dùng nhấn Enter chương trình sẽ kết thúc. Đây là một thủ thuật tốt để giữ cho cửa sổ chương trình hiển thị đến khi người dùng hoàn tất thao tác với ứng dụng.

Kiểm tra kiến thức bài học

Trên đây là những kiến thức cơ bản về lệnh, cách viết lệnh, chú thích và thụt đầu dòng trong Python. Bài tiếp theo bạn sẽ được tìm hiểu về một số kiểu biến và dữ liệu trong Python.

 

Nguồn tin: Quantrimang.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập41
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay14,252
  • Tháng hiện tại157,706
  • Tổng lượt truy cập9,863,558
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây