Một thời để nhớ về nghề giáo

Thứ sáu - 18/11/2022 23:10

Dành tặng cho thầy cô ấy những bông hoa bất tử của Tây Nguyên sánh với làng hoa ngọc hà lừng danh của Hà Nội để ngợi ca nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ôm những cái ôm thắm thiết lan toả để chia sẻ những gian lao của tháng ngày tưởng như bị thiên tai nuốt chửng trong bão giông, lũ lụt. Các thầy, các cô nơi miền quê ấy tuy tuổi nghề chưa bằng tôi nhưng thật cao quý biết nhường nào. Và tà áo dài lại tung bay, dịu dàng, duyên dáng trên mỗi sân trường khắp mọi miền tổ quốc làm đẹp thêm bao ước nguyện mai sau.

***

Một thời đã qua là một thời để nhớ. Có những dấu ấn ta qua mà chẳng thể nào quên nhưng có những dấu ấn ta muốn quên hẳn mà lại không quên được. Nơi ta đi “đất bỗng hóa tâm hồn”. 

Đúng là như vậy. Nơi tôi đến rồi đi là một ngôi trường không phải gọi tên để ngợi ca mà để bạn bè tôi đọc lên rồi thốt lên những điều nuối tiếc thuở bước vào nghề “bắc cầu kiều” sau khi thời sinh viên khép lại. Ngôi trường ấy không còn tên gọi và đã trở thành tên một ngôi trường khác. Thế hệ học sinh của những năm 1992 cho tới năm 2013 vẫn biết tên khi nhắc tới sẽ "à" lên một tiếng.   

Ngày ấy nay đã hơn 31 năm rồi, tôi bước vào nghề với bao điều bỡ ngỡ, có lẽ đối với chúng tôi ngày ấy mới chịu đựng nổi chứ bây giờ, tuổi trẻ dễ gì bước qua khi cuộc sống đủ đầy. Phương tiện giao thông và liên lạc ngày nay model hơn chúng tôi chứ không phải gồng mình đạp chiếc xe đạp phanh bằng đế dép cao su rồi giật mình lăn quay ra đường khi xe vô phước xì lốp. Rồi bao lần như thế có mà ai nhớ cho hết.

Thuở ấy, miền quê nào cũng như nhau. Tôi nhận công tác mà lòng lúc nào cũng canh cánh lo âu đủ thứ. Riết rồi cũng quen dần và hoà nhịp cho cân bằng với nhịp thở thời gian. Người dân thưa thớt. Cứ khi chiều buông, đêm xuống là im ắng, thi thoảng vài ánh đèn dầu hoe đỏ bắt gặp. Cảnh vật buồn tênh, tĩnh mịch, thèm khát bóng dáng người qua lại. 

Những lúc như thế, tôi muốn được trở về nơi phố thị phồn hoa để đắm mình vào dòng người xuôi ngược, ngắm ánh đèn đường cho cuộc sống thi vị hơn. Nhưng tuổi trẻ mà. Tự nhủ lòng mình đừng nản chí mà hãy cố vượt qua chính mình để mai sau in vào kí ức. 

thay_-_giao

Còn buồn nhiều hơn thế nữa khi cơn mưa chiều ập xuống đến tận đêm khuya. Tiếng ễnh ương thóp bụng kéo âm thanh não nuột vang nơi ao chuôm hoà cùng với bản nhạc đồng ca bao nhiêu côn trùng khác phối khí nhau thành bản giao hưởng vang lên trong đêm mưa tĩnh lặng. 

Nỗi nhớ nhà và bạn bè thuở thời sinh viên chưa từng thấy, cứ ước muốn được gặp lại kể cho nhau nghe những  vất vả mình đã qua để hờn, để giận chỉ vì chút nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ mà cả gan dám xung phong đến nẻo vùng xa. 

Và với tôi, mỗi năm học kết thúc là một hành trình có những gian nan và niềm vui hoà trộn. Tôi chở chuyến đò sang sông không gặp sóng xô mà thuận buồm xuôi gió. Học sinh tôi bước lên bờ một cách bình yên mang vệt nắng rót nhẹ vào tương lai. Có những nuối tiếc đọng mãi và cứ ước thời gian đừng trôi mau như thế. Các em sẽ lớn và phải đi tiếp con đường dài phía trước với bao ước nguyện, hoài bão trong tương lai.

Và cứ thế hệ học trò này nối tiếp nhau rời mái trường nghèo nằm thênh thang bạt ngàn ruộng mía. Rồi ước một lần gặp lại thầy cô cũ để nhắc lại kỉ niệm vơi đầy trong miền ký ức giấu trong góc thời gian.

Ngày 20/11 đang sắp gõ cửa để tri ân thầy cô đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Covid-19 đã làm thay đổi cục diện việc học tập của học sinh. Và chả có năm học nào trong đời học sinh lại có lễ khai giảng lạ kì khi nghiêm trang chào cờ ở nhà cùng cha mẹ và người thân. 

Thương các em bước vào lớp 1 mà không biết cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng như bao thế hệ đi trước. Truyện cổ tích thời công nghệ 4.0 của thế kỉ XXI. Nhịp sống cứ trôi và thời gian cũng âm thầm bước. Dịch bệnh được khống chế, niềm hân hoan khi bước vào năm học mới, những lo toan, những hi vọng, “các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng nghỉ học. Các em lại được gặp thầy, gặp bạn.” (Trích Thư gửi học sinh) và lại được học chương trình sách giáo khoa mới, bỡ ngỡ mà đầy niềm tin.

thay

Hơn ba mươi mấy năm trong nghề dạy học, tôi thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của người lái đò chở khách sang sông sau mỗi năm hoa phượng nở đỏ. Lại cứ thương đồng nghiệp tôi công tác nơi rẻo cao phía Bắc tổ quốc, rồi ngấn lệ khi chương trình truyền hình quay những thước phim nơi miền Tây Nguyên lộng gió mùa mưa bão tới. Rồi giật mình khi con đường đến lớp của thầy trò miền quê dải đất miền Trung bọc trong túi ni lông sang sông khi nước cuồn cuộn chảy. Thiết nghĩ dấu ấn ấy trao cho ngành Giáo dục một phần thưởng cao quý nhất để ngợi ca lòng hiếu học của học sinh với lòng dũng cảm qua sông không sợ nguy hiểm.

Lại cứ thương thầy cô vùng lũ gặp bão tố, phong ba. Đội mưa che chắn những cuốn sách đầy tri thức lên nơi an toàn nhất để khi bão, lũ tan, học trò của mình lại khiêng chữ vào đời với nơi quê mình sinh sống, tiếp lửa lan toả những nghĩa nặng, ân tình. 

Dành tặng cho thầy cô ấy những bông hoa bất tử của Tây Nguyên sánh với làng hoa ngọc hà lừng danh của Hà Nội để ngợi ca nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ôm những cái ôm thắm thiết lan toả để chia sẻ những gian lao của tháng ngày tưởng như bị thiên tai nuốt chửng trong bão giông, lũ lụt. Các thầy, các cô nơi miền quê ấy tuy tuổi nghề chưa bằng tôi nhưng thật cao quý biết nhường nào. Và tà áo dài lại tung bay, dịu dàng, duyên dáng trên mỗi sân trường khắp mọi miền tổ quốc làm đẹp thêm bao ước nguyện mai sau.

Tác giả: Phùng Văn Định - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay5,369
  • Tháng hiện tại160,880
  • Tổng lượt truy cập9,866,732
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây