Hành trang quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người chính là trái tim yêu thương (Cafe Vlog)
Thứ sáu - 26/07/2019 01:44
Người ta vẫn nói dài nhất là cuộc đời, nhưng ngắn nhất cũng là cuộc đời. 60 năm, 70 năm hay hơn 100 năm đi chăng nữa, liệu có mấy ai dám tự tin nói rằng mình sống tốt mỗi ngày, rằng mình không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm. Bởi thế mới nói, hành trang quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người chính là trái tim yêu thương, là đủ rồi bạn ạ. Câu chuyện số 1: Món hời với người nghèo Một cô gái hỏi ông lão bán trứng: “Bao nhiêu tiền một quả trứng vậy ông?” Ông lão trả lời: “Một đô hai quả thưa cô”. Cô gái đáp: “Bán cho tôi một đô bốn quả, nếu không tôi không mua nữa”.
Ông lão: “Được thôi, cô lấy đi, đây là khởi đầu tốt vì có lẽ tôi sẽ chẳng bán được gì trong ngày hôm nay”. Cô gái lấy trứng rồi hãnh diện bước đi. Cô cảm thấy mình đã trả được một món hời và đến một nhà hàng sang trọng gặp bạn bè. Ở đó, cô cùng các bạn ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Tàn tiệc, hóa đơn của của họ lên tới 420 đô la. Cô gái đưa 500 đô cho chủ nhà hàng và bảo không cần trả lại. Sự việc có vẻ giản đơn nhưng lại thật đau khổ đối với ông lão bán trứng. Nhiều người trong chúng ta luôn hào phóng với những người giàu có, mà lại quên đi tình người với những người khốn khổ. Câu chuyện số 2: Hành trang lên đường Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?” “Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.” Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.” Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?” “Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?” Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?” “Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.” “Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”
Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…” Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.” Từ câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra rằng: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa? Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại. Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thân khác tự sẽ đủ! Câu chuyện số 3: Người bệnh bên cửa sổ Hai người đàn ông bị bệnh nặng cùng nằm điều trị chung một phòng bệnh. Một người bị bệnh phổi ứ nước còn người kia bị liệt nửa người. Vào mỗi buổi trưa, người bị bệnh phổi phải ngồi dậy khoảng một tiếng đồng hồ để phổi được khô ráo. Giường của ông ta đặt gần ô cửa sổ duy nhất trong phòng. Còn người bị liệt thì suốt ngày phải nằm trên giường. Họ thường trò chuyện với nhau hàng giờ về gia đình, bạn bè, cuộc sống… và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời còn phục vụ trong quân ngũ. Mỗi trưa, khi người đàn ông trên giường bệnh gần cửa sổ ngồi dậy, ông thường tiêu khiển bằng cách kể lại cho người bạn cùng phòng nghe về những gì mình nhìn thấy bên ngoài cửa sổ. Qua lời kể của bạn, người bệnh ở giường bên kia như được sống lại trong thế giới muôn màu muôn vẻ bên ngoài khung cửa. Nơi đó có một công viên xanh ngát với hồ nước trong xanh, thơ mộng cùng đàn thiên nga thong thả lượn quanh. Cạnh đó, những đứa trẻ đang thả lên mặt hồ phẳng lặng những chiếc thuyền bằng giấy. Những đôi tình nhân tay trong tay đang dìu nhau dạo chơi quanh luống hoa hồng đỏ thắm… Tất cả như một bức tranh thơ mộng đầy màu sắc. Trong khi người bệnh gần cửa sổ say sưa kể thì ở giường bên kia, bạn của ông đang lim dim đôi mắt, mường tượng trước mắt mình một khung cảnh đẹp như mơ.
Vào một buổi chiều ấm áp, người bệnh ở giường gần cửa sổ kể lại cho bạn mình nghe về một cuộc diễu binh đang diễn ra bên ngoài. Mặc dù không nghe được dàn nhạc đang tấu khúc quân hành ngoài kia nhưng người đàn ông bị liệt vẫn có thể hình dung ra quang cảnh hùng tráng ấy. Ngày tháng lặng lẽ trôi qua… Một buổi sáng, như thường lệ, cô y tá trực đem nước đến cho họ, thì tình cờ phát hiện người bệnh nhân nằm bất động trên chiếc giường cạnh cửa sổ. Ông ấy đã trút hơi thở cuối cùng trong giấc ngủ yên lành đêm qua. Sau cái chết của bạn, người đàn ông bị liệt yêu cầu được chuyển sang chiếc giường cạnh cửa sổ. Trên chiếc giường mới, nén đau đớn, ông tìm mọi cách chống tay từ từ ngồi dậy và bắt đầu phóng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Nhưng trước mắt ông chỉ là một bức tường trắng xóa. Mãi sau này ông mới biết được sự thật: người bạn quá cố của ông là một người mù, thậm chí ông ấy còn không thể trông thấy được bức tường vô cảm kia. Điều ông ấy muốn là đem lại cho bạn mình niềm vui và sự an ủi.
Giọng đọc: Lan Phương Sản xuất: Nhóm Blog Radio Thiết kế: Cao Vương Nhật