Để đời xanh mát, hãy đắp vun chiếc bát ngôn từ
Thứ sáu - 18/02/2022 23:49
Không có gì dễ dàng ngay từ đầu, vì mỗi chúng ta ai cũng từng có lúc lỡ lời, bị lừa gạt bởi lời nói của người khác hoặc đau lòng khi mối quan hệ trở nên xa cách chỉ vì lời nói. Nếu chúng ta để ý tới từng lời nói và quyết tâm thay đổi, chắc chắn chiếc bát ngôn từ sẽ tự động trở nên đầy đặn hơn.
***
Một lời nói tưởng đơn giản nhưng có thể vực dậy hoặc quật ngã tinh thần của người tiếp nhận nó. Hơn nữa, ảnh hưởng của lời nói lại vô cùng sâu đậm và bền lâu. Tuy đã nhận ra lời nói có thể khiến bản thân dằn vặt hoặc oán hận người khác nhưng chúng ta lại mặc cho thói quen nói những lời không hay đấy tiếp diễn. Chỉ khi mối quan hệ chúng ta trân quý có rạn vỡ hoặc phải trở thành tấm gương cho người khác thì chúng ta mới học cách nói cho hay cho giỏi. Đó có thể là bước khởi đầu tốt nhưng mọi kỹ năng có được trong trạng thái “chín ép” đều sẽ trở nên vô dụng vào những thời khắc quan trọng.
Lời nói không chỉ là kỹ năng giao tiếp đơn thuần, mà đúng hơn là một thói quen được chúng ta trau dồi hàng ngày. Những điều chúng ta cảm nhận, mắt thấy tai nghe, tất thảy được hòa trộn, lưu giữ, lên men thành một thứ nhất quán và độc đáo – đó là lời nói. Lời nói chính là tấm gương phản chiếu nội tâm mỗi người.
Để thay đổi thói quen lâu năm, không phải chỉ tập trung vào lời nói, cách nói mà chúng ta còn phải nhìn sâu vào nội tâm của bản thân. Thay vì đơn thuần học nói theo kiểu bắt chước, chúng ta cần nỗ lực tìm hiểu nội tâm - nơi khởi nguồn của những lời nói bề nổi ấy.
Lời nói là phương thức trực tiếp nhất để chúng ta thể hiện bản thân. Lời nói là tấm gương phản ánh con người bạn. Đừng để lời nói làm chúng ta mất những người thân yêu. Thật tốt biết bao khi lời nói của chúng ta có thể vực dậy một ai đó. Lời nói có thể thường trực trong suy nghĩ của người khác ngay khi không ta có mặt ở đó. Và không ai phải chịu cô độc trong cuộc sống chỉ vì những lời nói thường ngày.
Lời nói phản ánh con người bạn: Khi tranh cãi, những người có thói quen chỉ trích khiếm khuyết và hạn chế của đối phương để giải tỏa cảm xúc sẽ càng nói càng xoáy sâu vào điểm yếu và cảm giác tội lỗi của người khác. Càng trong mối quan hệ gần gũi, “ranh giới của lời nói” càng dễ bị xóa bỏ. Những người khi còn nhỏ phải chịu đựng những lời nói vô tâm, nặng nề từ bố mẹ, sau này họ càng có khuynh hướng lặp lại khuôn mẫu đó với con mình.
Hiện nay, ngày càng nhiều người muốn giành “quyền chủ đạo” trong giao tiếp. Khi xem lời nói như một thứ quyền lực, họ dễ dàng bị rơi vào tham vọng kiểm soát người khác bằng lời nói. Vì tham vọng khuyên bảo, thay đổi, điều chỉnh, dẫn dắt người khác theo định hướng của mình nên lời nói của họ dần mất đi cảm xúc; thay vì xoa dịu thì lại thúc ép lấy lại tinh thần; thay vì tìm hiểu kỹ vấn đề thì lại lên lớp dạy đời;… Đến cuối cùng, thứ còn lại bên họ chỉ là những lời lẽ lạnh lùng, tàn nhẫn mà họ từng nói ra. Lời nói mang tính kiểm soát không phải là sợi dây liên kết hiệu quả giữa người với người. Mối quan hệ tốt đẹp sẽ nảy mầm từ những lời nói chứa đựng sự đồng cảm và đầy tính khích lệ.
Một nguồn nước sạch trong, tinh khiết nhưng nếu chảy qua vòi nước rỉ sét sẽ tạo thành dòng nước bẩn. Những người hay bất đồng với người xung quang thường lôi lá bài “thành ý” làm lý do cho mỗi lời họ nói với hàm ý “dạy đời, khuyên răn” phải làm theo cách họ đã làm. Người tiếp nhận sẽ không hiểu ngay được suy nghĩ thực lòng của người nói, sẽ chỉ cảm thấy buồn tủi và bất mãn. Con người vốn có ba loại gắn kết. Đó là gắn kết với bản thân, với người khác và với thế giới. Lời nói là phương tiện thể hiện chính xác nhất phương thức tác động tương hỗ của con người với ba loại gắn kết ấy. Qua lời nói, chúng ta có thể đoán được người nói đang nghĩ gì, duy trì mối quan hện với những người xung quanh ra sao, và quan sát thế giới qua lăng kính ra làm sao.
Lời nói là nhân cách, cùng như phẩm chất của con người. Lời nói thể hiện sự sâu sắc trong nội tâm con người. Thay vì bảo thủ với quan điểm cứng nhắc, tìm hiểu bối cảnh vấn đề và tiếp nhận với thái độ điềm đạm hay là tôn trọng sự đa dạng và phản ứng một cách mềm dẻo là những người có “chiếc bát ngôn từ lớn”. Muốn nuôi dưỡng chiếc bát ngôn từ, trước hết nội tâm của chúng ta phải trưởng thành.
“Nếu công việc không phù hợp với tính cách thì làm sao có hứng thú được”. Mọi người thường đưa ra lời khuyên theo kinh nghiệm của bản thân. Dù thật lòng muốn giúp nhưng thực tế chỉ là để thỏa mãn bản thân, họ cho rằng bản thân mình là đúng. Tài ăn nói là một năng lực mà ai cũng muốn sở hữu, nhưng tuổi tác lớn dần, các mối quan hệ xung quanh ngày càng trở nên phức tạp hơn, cái chúng ta cần là những lời nói sâu sắc chứ không phải là những lời nói vui tai.
Không có gì dễ dàng ngay từ đầu, vì mỗi chúng ta ai cũng từng có lúc lỡ lời, bị lừa gạt bởi lời nói của người khác hoặc đau lòng khi mối quan hệ trở nên xa cách chỉ vì lời nói. Nếu chúng ta để ý tới từng lời nói và quyết tâm thay đổi, chắc chắn chiếc bát ngôn từ sẽ tự động trở nên đầy đặn hơn. Để chỉnh sửa chiếc bát bị nứt vỡ, chúng ta phải tìm ra vết nứt và khắc phục nó. Cũng giống như nếu thường xuyên nói ra những lời gây tổn thương, chúng ta phải tìm ta con dao đang ẩn giấu ở góc nào đó trong nội tâm.
Ứng xử đúng độ tuổi nghĩa là lời nói, hành động, thái độ phù hợp với độ tuổi của mình. Nhưng có những người chưa thể rũ bỏ “đứa trẻ nội tâm” ẩn sâu trong tâm hồn khiến người khác phải đánh giá “Từng ấy tuổi rồi mà vẫn còn cư xử như trẻ con vậy”.
Câu hỏi được đạt ra khi có mong muốn thay đổi cách giao tiếp:
“Bạn muốn cách nói của mình thay đổi như thế nào? Lý do bạn mong muốn như vậy?”
“Cách nói của bạn có giống với ai đó không? Tại sao bạn lại nghĩ vậy?”
“Có sự kiện nào ảnh hưởng tới cách nói ấy của bạn không? Sự kiện đó là gì?”
“Trong những câu nói bạn thường xuyên sử dụng, câu nào thể hiện đúng nhất con người bạn?”
“Trong hoàn cảnh nào hoặc với ai đó, bạn thường nói những câu khiến bạn cảm thấy hối hận khi nghĩ lại?”
“Nếu có ý nghĩ nào đó cản trở việc bạn nói thì đó là gì?”
“Người khác có thể cảm nhận được điều gì, đặc điểm gì qua cách bạn nói?”
“Bạn cho rằng lời nói của mình sẽ đọng lại điều gì đối với người nghe?”
“Điều bạn muốn thể hiện hoặc che giấu thông qua những lời nói của mình là gì?”
“Cho tới nay, bạn đã cố gắng như thế nào để thay đổi cách nói hoặc các mối quan hệ của bản thân?”
Tại thời điểm chúng ta trở nên ngại giao tiếp, phần lớn đều gặp phải một kẽ nứt tâm hồn lớn nhỏ nào đó. Lấy ví dụ là một người lãnh đạo nhưng luôn thể hiện cơn giận thái quá. Vị lãnh đạo đó luôn chỉ trích và miệt thị nhân viên dù họ chỉ mắc lỗi nhỏ. Hay là người có thái độ cứng nhắc thái quá và cách nói chuyện giữ khoảng cách khiến những người xung quanh khó chịu. Đặc biệt là những người quản lý cấp trung, họ không thể truyền đạt đầy đủ chỉ thị cấp trên cho cấp dưới cũng như không thể đảm trách vai trò của người lãnh đạo, dẫn dắt cuộc họp. Vậy kẽ nứt nào trong những con người ấy khiến họ như vậy?
Muốn tìm được câu trả lời, chúng ta hãy tìm hiểu gốc rễ của vấn đề đó. Với người lãnh đạo thể hiện cơn giận thái quá, là từ nhỏ với mong muốn được mọi người công nhận, được yêu thương nhưng lại chưa được thỏa mãn dù đã dồn mọi cố gắng. Đối lập với sự vượt trội về năng lực là hình ảnh đầy mặc cảm, tự ti trong tâm hồn. Hay với người có thái độ cứng nhắc thì do lúc còn thơ ấu sống cùng với bố mẹ hà khắc, lạnh lùng, lớn lên trong sự cô độc, cạnh tranh từ những người anh em của mình cho nên hình thành nỗi sợ bị khước từ, bị tổn thương khi trở nên thân thiết với một ai đó. Và với người quản lý cấp trung, người đó quá tập trung vào thái độ của người khác, lo lắng thái quá khiến người đó trở nên bất an khi ngắt quãng và quanh co để lấp khoảng trống.
Do vậy, với những kẽ nứt ấy, nếu chúng ta không xoa dịu, khắc phục, tâm trí sẽ tập trung vào những điều không cần thiết, do đó tình trạng “cong vẹo” trong thời gian dài sẽ khiến đau đớn tăng dần và “nỗi đau” ấy được thể hiện ra bên ngoài bằng những biểu hiện lệch lạc. Một tâm hồn thiếu lành lặn sẽ không thể nào dẫn tới những lời nói tự nhiên. Mọi người đều chỉ muốn thay đổi mà không biết rằng điều quan trọng hơn là phải hiểu chính mình.
Nếu chỉ học kỹ năng giao tiếp thì không khác nào chế biến thức phẩm ăn liền. Nó hiệu quả tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn, là phương pháp tối ưu trong những tình huống cấp bách nhưng khi thời gian trôi qua, những vấn đề thực sự sẽ lộ ra. Muốn được tôn trọng, chúng ta phải biết tự suy ngẫm và kiểm soát bản thân. Khi gặp vấn đề, những người có can đảm đối diện với bản thân sẽ nhìn lại mình trước. Họ suy xét hành động của bản thân và tìm cách thay đổi theo hướng tích cực.
Lời nói không chỉ là ngôn ngữ. Nó thể hiện quá trình trưởng thành của con người, đồng thời là phương thức kết nối con người với cuộc sống. Vì vậy, đừng chỉ coi lời nói là công cụ, quan trọng hơn, nó còn là cách chúng ta đối xử với bản thân. Để hiểu được nội tâm của mình, chúng ta cần thời gian và một số kỹ năng
Tại sao phải thay đổi để lời nói biến chuyển tích cực hơn, nhất là khi cuộc sống đang diễn ra vội vã từng giây? Tại sao chúng ta phải dừng lại và tự khám phá bản thân, chăm chút cho chiếc bát ngôn từ?
Lời nói cũng có sinh mệnh. Lời nói gieo vào lòng người khác có thể trở thành hoa thơm trái ngọt, cũng có thể khiến họ phải đối diện với những cơn bão lòng. Lời nói có thể khiến ai đó trở nên cô độc nhưng cũng có thể là chìa khóa mở ra tâm hồn đã đóng kín. Lời nói trưởng thành cùng chúng ta và tiếp nối cả tới thế hệ sau. Lời nói là thứ phản ảnh chính xác nhất con người bạn, hơn tất cả những gì bạn đang có.
Đắp vun chiếc bát ngôn từ đồng nghĩa với việc cải thiện mối quan hệ với mọi người xung quanh. Những cuộc trò chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn trước, chúng ta cũng thực sự làm tốt vai trò là người lắng nghe, an ủi và đồng cảm. Khi không ngừng cố gắng chăm chút, đến một thời điểm nào đó, những nỗ lực ấy sẽ trở thành sự tự tôn vững chắc.
Tác giả: Thuỷ Nguyễn - blogradio.vn