'Challenge Accepted' - Tôi chấp nhận thách thức!

Thứ sáu - 03/07/2020 00:57
Thử thách chưa bao giờ là điều đáng để lên án khi nó khiến bạn mạnh mẽ và cứng cáp như “vàng thử qua lửa”, hãy tiếp tục chinh phục cảm giác chiến thắng khi bạn tự thân vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác mà bản thân đã đặt ra.
***
“Tôi thách bạn 24 giờ public một tấm ảnh bắt được khoảnh khắc xấu hổ nhất của bạn”
“Ok! Challenge Accepted”
Đây là câu nói mà dạo gần đây, tôi nghe và nhìn thấy đến mức phát… ngán, còn lạ lẫm gì nữa những câu chuyện thách đố mà những “idol giới trẻ” như chúng tôi bày vẽ ra và “cà khịa” nhau cơ chứ. Dù là ngày nào con mắt cũng bị “tra tấn” bằng hàng tá tỉ hình dìm, hình đám “quỷ trẻ” chúng tôi nhí nhố, bạ bựa không còn nhận ra nổi mình, cả những hình chụp từ thời “tắm mưa cởi truồng” xấu không còn chỗ nào vớt vát, nhưng phải công nhận, thực hiện thành công một thử thách “khó nhằn” chính là thứ cảm giác tiêu khiển nhất của bộ não. Vì chúng tôi thấy mình rất “oai”, ít nhất là dù xấu nhưng vẫn không ngại công khai.
Có phải các bạn vẫn còn đang mơ màng về những gì tôi sắp nói? Thứ tôi muốn đề cập chính là cảm xúc ấy, điều mà các bạn vẫn hay thấy ở chúng ta, những con người trẻ: Dám chấp nhận thách thức.
Ở tuổi nửa đôi mươi, chúng ta là những đứa trẻ ngây ngô và trong veo như gương mặt hồng phấn của ông mặt trời vào buổi sớm, ở cái tuổi mà người ta hay nói “miệng còn hôi sữa”, ai lại ngờ nỗi một đứa con nít 10 tuổi vì cái tôi “lớn” bằng “lá gan” mà chấp nhận lời thách đố của bạn mình đi ăn cắp sấp chun buộc tóc nhiều màu và lấp lánh của của con nhỏ nhà giàu nhất xóm chứ. Nhưng ôi thôi, đứa trẻ người non dạ ấy chính là tôi.
“Challenge accepted”.
Ở tuổi 15, 16, chúng ta chập chững bước trên hành trình trở thành “người lớn”, nói về chúng ta ở các độ tuổi đó như thế nào mới dễ hình dung nhỉ? Những chú chim non ngọ nguậy tách mình ra khỏi vỏ trứng sau bao tháng ngày được ấp trong lòng chim mẹ; nhìn thấy bầu trời xanh và muôn ngàn hoa cỏ lạ ở ngoài kia; chúng muốn lớn thật nhanh để trông giống chim mẹ trưởng thành, rồi khi đó, chúng sẽ được hòa mình vào không gian cao vút xanh thẳm, lượn lờ trên những nhánh cây lồng lộng gió, ngửa mình hứng những giọt sương long lanh nhỏ xuống từ những nhành hoa thơm phức và có vị ngọt như vị của “ tự do”. Thế nhưng chim mẹ lại không muốn chúng rời xa khỏi tổ khi những đôi cánh nhỏ bé ấy chưa đủ cứng cáp để bay.
“Cơ thể bé bỏng của con làm sao có thể đấu chọi với bao thứ đáng sợ và nguy hiểm ngoài kia, khi không có mẹ, con làm sao có thể tự kiếm ăn? Con có chắc sẽ bình an vô sự trước những con quạ quái ác, háu ăn có thể nuốt chững con bất cứ lúc nào? Con sẽ có chắc sẽ vượt qua nỗi sợ hãi và sự cô độc đến rùng mình mỗi khi màn đêm buông xuống?”

Nghe đến đây, chúng thu mình lại, hụt hẫng rụt cái đầu non nớt và trọc trụi vào cánh mẹ, lẳng lặng dẹp bỏ hẳn cái ý định bước chân ra thế giới bên ngoài… Không! Tất nhiên là không! Vì vốn dĩ tò mò chính là bản năng của tạo vật. Những thực tế trần trụi và khắc nghiệt ấy không thể ngăn nỗi sự tò mò và ham muốn khám phá của chúng. Đâu cần biết phía trước là quạ đen ăn thịt hay cơn bão dữ, chúng ta ở cái tuổi mới lớn như những con chim con luôn gieo trong mình khát khao tự do bay lượn, như những quả bom nổ chậm được tiếp lực bằng cái nhún có sức bật như một chiếc lò xo: bản chất bồng bột và hiếu thắng. Và Đùnggg…kết quả chính là “một trận nổ” - sự xung đột, dù thể hiện rõ mồn một như ban ngày, hay chỉ thăm thẳm tận sau nơi đáy lòng, tất cả những đứa trẻ ở tuổi dậy thì thường có xu hướng đối đầu với những định hướng của bố mẹ. Tôi của khi ấy đã từng dám quát tháo với bố mẹ, giãy giụa ành ạch và tức tối đến mức quăng hết đồ đạc xuống, rồi một mực dọn ra khỏi nhà vì lời thách thức của bố:
“Nếu còn tiếp tục thức khuya dậy trễ nữa thì bước ra khỏi cái nhà này! Ở đây không chứa chấp cái thể loại cãi cha cãi mẹ, sống không có kỷ luật”
“Vâng! Con chấp nhận lời thách thức của bố”.
“Challenge accepted”
Chạm đến ngưỡng đại học, chúng ta của ngày ấy bây giờ đã chững chạc hơn, trước khi làm gì cũng biết đắn đo suy nghĩ “lâu” hơn. Hiển nhiên, ở tuổi đó nếu đứng trước lời thách thức “ăn cắp chun của bạn” cũng đã biết cân đo đong đếm có phải là chuyện đáng để làm: “ Ăn cắp dây chun buộc tóc mà bị phát hiện thì đâu có đáng nhỉ”;  khi bị ba mẹ la mắng “dại gì vì một cái tôi của mình mà để mất một “nồi cơm” bao no mình cả đời chứ”. Ít nhất, chúng ta đã bắt đầu nghĩ về hệ quả của việc “chấp nhận thử thách”. Liệu nó có đáng? Nó có mang lại lợi ích gì cho mình? Nhưng, cho dù suy nghĩ chúng ta có “cứng” cỡ nào, làm sao có thể kiềm lòng trước tiếng gọi của tình yêu tuổi đầu đời. Có ai dám mạnh dạn thề thốt rằng, bản thân chưa bao giờ vì một người mình đem lòng ái mộ, vì người mình yêu mà “chống đối” lại các bậc phụ huynh cao quý? Ít nhất là một lần, chúng ta từng nói dối bố mẹ xin tiền đi học nhưng lại vò đầu bức tóc nghĩ về món quà sẽ tặng crush/người yêu? Dù vào thời điểm ấy, chẳng ai đứng ra thách tôi phải trốn học để đi chơi với đám bạn và có cả crush tôi nữa, cho dù có đắn đo suy nghĩ, thì cuối cùng tôi cũng đã “chấp nhận thách thức”, lời thách thức từ hoàn cảnh, và từ chính tiếng lòng của mình.
 
“Challenge accepted”

25 tuổi, chúng ta trưởng thành đúng nghĩa. Trước khi quyết định làm gì, không chỉ biết nghĩ “lâu” mà còn nghĩ “sâu” hơn thế, vì cuộc sống khi này không còn là lúc để ta có thể dễ dàng và vô tư chấp nhận bất kỳ một thử thách “ngớ ngẩn” nào, để nếu lỡ gây ra sai phạm, ta không chịu trách nhiệm cũng không sao. Bạn có đang hiểu những gì tôi nói? Khi tôi 10 tuổi, cho dù có bị phát hiện ăn cắp chun buộc tóc, tôi cũng sẽ được bỏ qua vì việc cỏn con ấy không đáng để người lớn lên án một đứa con nít nghịch ngợm, vì tôi còn quá non để nhận thức được hành động của mình. Hoặc khi tôi một mực giãy giụa đòi bỏ nhà đi, rồi bố mẹ cũng sẽ tìm cách thuyết phục tôi trở về, dù sau đó có bị la mắng, tôi cũng luôn biết rằng, bố mẹ, chỗ dựa duy nhất của tôi, sẽ không vì thế mà từ mặt đứa con này. Cũng giống năm tôi 18 tuổi, cho dù có bị phát hiện trốn học đi chơi, tôi vẫn luôn có “thừa” niềm tin rằng, dù tôi có sai đến cỡ nào, có cần chịu trách nhiệm cho việc này hay không, thì bố mẹ vẫn sẽ không bao giờ chỉ trích và phỉ báng tôi. Nhưng 25 tuổi, thời thế khác rồi, mỗi hành động, lời nói của chúng ta dù nhỏ nhặt nhất, người khác sẽ không còn ngó lơ vì chúng ta là “những đứa trẻ”, nói thực tế hơn những “người khác” ấy không phải là “bố mẹ” mà có thể không chấp nhất, không cần sự chịu trách nhiệm của chúng ta hay sẵn sàng tha thứ và bỏ qua những sai phạm ấy. Nói đến đây, nếu bạn cảm thấy mình vẫn còn đang mắc vào những rắc rối của hệ quả từ việc “tự tiện chấp nhận thách thức” thì có lẽ tôi đã nhầm ngay từ dòng giới thiệu: “25 tuổi, bạn vẫn còn là một đứa trẻ trong cái xác lớn”.
Cuộc sống chứa đựng vô vàn những “thử thách”, mỗi giờ phút trôi qua, tất cả chúng ta đều có thể đang đứng trước những ngã rẽ yêu cầu ta phải lựa chọn “làm hay không làm thử thách đó”, dù mức độ khó hay dễ, dù đến từ ai hay kể cả chính mình, dù trong vô thức hay khi hoàn toàn có ý thức, hãy tự vấn lòng rằng bạn có phải đang là “nô lệ thực hiện thách thức?”, có phải là một “người lớn” có “cái đầu hiếu thắng” của một đứa trẻ vẫn đang dại dột “chấp nhận thử thách” dù biết nó ngớ ngẫn và vô nghĩa? Hay bạn là một người “người kiểm soát thách thức” và chinh phục chúng theo cách khôn ngoan?
 

Tôi trình bày 3 hành vi “thực hiện thử thách” theo 3 cột mốc tuổi ở phía trên để hình dung hóa cho các bạn biết rằng: “hình thù” của “thử thách” trong cuộc sống là đa dạng và vô hạn, nó có thể là lời thách thức nhắm vào cái tôi con người để chúng ta mắc phải sai lầm, hoặc nó cũng có thể là lời thách thức giúp bạn phá bỏ những giới hạn của mình để chinh phục đỉnh cao mới. Bạn có biết rằng vào năm 10 tuổi, lòng tự ái của một đứa con nít có thể khiến nó thực hiện lời thách đố đi ăn cắp chun; nhưng cũng chính nó lại không ngần ngại trích hết số tiền tiết kiệm ống heo của mình để quyên góp cho một bạn học sinh nghèo cùng lớp không có nỗi một cái cặp để mang. Bạn có biết vào năm 15 tuổi, sự bồng bột và cá tính nổi loạn của một đứa trẻ đang bước vào giai đoạn dậy thì có thể khiến nó “xù gai” chống lại ba mẹ nó bằng việc đáp lại lời thách thức bỏ nhà ra đi; nhưng cũng chính cá tính đó đã giúp nó mạnh mẽ thực hiện “lời thách thức” mà bản thân đặt ra và làm điều khiến ba mẹ nó tự hào: trở thành một học sinh giỏi văn ưu tú của trường. Bạn có biết vào năm 18 tuổi, đứa con gái lớn vì chạy theo tiếng gọi tình yêu đầu đời mà “chấp nhận thách thức” trốn học đi chơi, cũng chính con bé ấy vượt qua giới hạn của mình để thi đậu vào một trường đại học danh giá. Tóm lại, việc bạn “dám chấp nhận thực hiện một thách thức” không phải là sai, nhưng “chấp nhận thách thức cách tùy tiện” không lý trí, không kể đến lợi ích tích cực và không dựa trên những chuẩn mực đạo đức xã hội chính là bạn đang phạm phải sai lầm, và hiển nhiên bạn phải chịu trách nhiệm cho những hành vi đó.  
Bạn có biết tuổi trẻ chính là một tổng hợp của nguồn năng lực tích cực, bao gồm cả sức khỏe, sự kiên trì, lòng nhiệt huyết và đam mê cháy bỏng mà tạo hóa đã ưu ái dành tặng cho chúng ta, mỗi người có quyền tự hào khi mình là một cá thể không ngừng phá bỏ những giới hạn, vượt qua mọi thách thức để chinh phục những đỉnh cao mới. Đúng vậy! Thử thách chưa bao giờ là điều đáng để lên án khi nó khiến bạn mạnh mẽ và cứng cáp như “vàng thử qua lửa”, hãy tiếp tục chinh phục cảm giác chiến thắng khi bạn tự thân vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác mà bản thân đã đặt ra. Điều quan trọng nhất khi thực hiện bất kỳ thử thách nào, hãy soi nó vào tận sâu lương tâm, vì lương tâm chính là luật giữ bạn nằm ngoài những sai phạm.
 

Sau câu chuyện này, tôi không hy vọng bạn sẽ trở nên sợ hãi và rụt rè mỗi khi chấp nhận một thử thách nào hay khi “tự đặt ra thử thách” cho bản thân. Hãy trở nên chủ động trong việc phá bỏ những giới hạn cũ, nâng cấp những thử thách mới cho bản thân, để đảm bảo rằng mỗi ngày sống của bạn không hề nhàm chán nhưng là một cột mốc mới để chinh phục và nâng tầm giá trị bản thân. Hãy thử thách bản thân dậy sớm một hôm, chơi một môn thể thao chưa từng tập, thử thách mình học môt ngôn ngữ mới, đi đến một nơi xa để sinh sống… bạn sẽ thấy thử thách cho bạn vô ngần những trải nghiệm, thất bại cũng được, khó khăn cũng không sao, điều cuối cùng khiến bạn cảm thấy đáng giá khi về già chính là bạn Dám Thực Hiện Thử Thách.
Cuối cùng, tôi muốn thách bạn…hãy tự tạo ra cho mình một thách thức tích cực mới và chinh phục nó? Bạn có sẵn sàng thực hiện thử thách hay không?

Tác giả: Hoa Mặt Trời - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay8,402
  • Tháng hiện tại245,070
  • Tổng lượt truy cập8,773,112
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây