Blog Radio 659: Chúng ta là những chú chim nhỏ khao khát bầu trời tự do
Thứ bảy - 27/06/2020 00:50
Chúng ta đều là những chú chim nhỏ, bị nhốt trong chiếc lồng chật hẹp của tiền tài, công việc. Bầu trời xanh kia là ước mơ, ngọn gió mát kia là cảm hứng. Dù thân thể chúng ta bị xiềng xích trong áp lực củi muối gạo dầu, trong áp lực trưởng thành và thành đạt, cũng đừng bao giờ quên đi bầu trời xanh bát ngát ngoài kia.
***
Truyện ngắn: Lồng chim nơi gác mái (của tác giả Tiêu Dao)
“Mỗi chúng ta đều là chú chim nhỏ
Nhìn bầu trời bao la từ nơi lồng gỗ
Ước mơ con con đè trĩu vai gầy…”
Những ngày tháng này, Hà Nội luôn chìm trong các cơn mưa rả rích. Bầu không khí ướt sũng và nặng trịch càng làm người ta cảm thấy thêm khó thở.
Qua khung cửa sổ gỗ loang lổ vết mối mọt, Phương nhìn thấy tán ô xanh lục nhỏ xíu của Minh lướt vào trong hẻm, hệt một chiếc lá sen ướt đẫm nước mưa đang dập dềnh trôi trên dòng đời. Cô khẽ cười, lẩm nhẩm đếm. Quả nhiên, vừa đếm tới ba mươi, tiếng bước chân của Minh đã vang lên trước cửa phòng.
- Bên ngoài vắng vẻ như Ba mươi Tết chị em ạ.
Minh mở cửa, mang theo một luồng không khí âm ẩm và man mát xộc vào, vừa tháo khẩu trang vừa đưa chiếc túi nặng trĩu trên tay cho Phương đỡ hộ. Anh cầm lọ dung dịch sát khuẩn lên, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các bước khử trùng, rồi mới yên tâm bước tới cạnh chiếc giường nằm cạnh khung cửa sổ duy nhất của phòng.
Người thiếu nữ nhỏ gầy với nước da trắng xanh nhợt nhạt đang nằm trên đó khẽ mỉm cười với anh. Đôi mắt của cô lấp lánh ẩn sau hai vòm mắt đã sâu trũng xuống.
- Tình hình dịch bùng phát lại ghê lắm sao, anh Minh?
- Ghê chứ - Minh với tay lấy chiếc khăn, lau đi lần tóc bị hơi nước bên ngoài làm ẩm, nở một nụ cười - Cả khu Trúc Bạch đều bị phong tỏa mấy nay rồi.
Lúc này, Phương đã cất xong phần nhu yếu phẩm mà Minh mang về vào tủ lạnh. Cô bước ra ngoài, vừa lúc nghe Bảo cất giọng than thở:
- Lâu lắm rồi, em không viết được gì cả!
Dừng một chút, cô bé hướng ánh nhìn ra phía giàn hoa giấy khẳng khiu bám trên bức tường đối diện khung cửa sổ gỗ đang rộng mở, ngắm nước mưa không ngừng nhảy nhót trên thân gai khô gầy và góc tường rêu phong, hạ giọng thì thầm:
- Trái tim của em nặng trĩu, giống như bị một thứ gì đó đè lên ấy, nhưng em lại không thể viết nó ra. Ý tưởng chỉ quẩn quanh trong đầu em mà thôi.
Tiếng mưa tí tách đáp vào tường gạch khiến giọng nói của cô bé càng thêm phần u uẩn, lẩn quất âm vang trong căn phòng chưa đầy hai lăm mét vuông cũ kỹ. Khóe mắt Phương bỗng nhiên cay xè, nhưng cô chỉ có thể lén lút nén xuống, nở một nụ cười, tới ngồi vào bên giường, đối diện vị trí của Minh. Cô vươn bàn tay nắm lấy những ngón tay nhỏ nhắn của cô bé, dịu giọng đáp lời:
- Đừng lo, Bảo. Nhớ không, em không phải là nàng Giôn-xy của “Chiếc lá cuối cùng”. Em là Bảo của anh chị, người mạnh mẽ nhất, kiên cường nhất, tài giỏi nhất. Dịch bệnh rồi sẽ qua thôi, sức khỏe của em cũng sẽ tốt lên. Em có thể quay lại trường, tiếp tục đi làm thêm và viết ra những tác phẩm vĩ đại.
Phía bên ngoài cửa sổ, cơn mưa dường như càng trở nên nặng hạt, khiến bầu trời tối sầm lại. Những tia sáng yếu ớt còn sót lại phản chiếu trong đôi mắt to của Bảo làm Phương cảm thấy nghẹt thở. Sau rốt, cô bé bật cười, hơi dùng sức nắm lấy tay Phương, vừa nén cơn tức ngực vừa đáp lại:
- Em đương nhiên không phải Giôn-xy yếu đuối rồi. Cho dù giàn hoa giấy kia có rụng sạch lá trong một đêm, em vẫn có thể kiên cường sống tiếp.
Lời đảm bảo này của cô bé khiến Phương len lén trút ra một hơi thở dài.
Phương và Minh tán gẫu cùng Bảo thêm vài câu, đợi tới khi cô bé mệt mỏi chìm vào giấc ngủ, mới lặng lẽ rút ra ngoài. Đưa cho Minh một cái nhìn ẩn ý, Phương bước xuống cầu thang. Ở phía sau, cô nghe được tiếng Minh nhẹ nhàng khép cửa lại, rồi thấy tiếng bước chân anh vội vã đuổi theo sau mình.
Căn phòng họ thuê ở nằm trên gác sáu một căn nhà cũ mèm tuốt sâu trong hẻm nhỏ. Một thằng con trai, hai đứa con gái chia sẻ với nhau diện tích hai mươi mấy mét vuông chật hẹp vốn có rất nhiều bất tiện. Vì thế, những khi muốn kín đáo nói chuyện, họ đều phải rời xa phòng hết mức có thể, tránh để Bảo nghe thấy những chuyện không hay.
Khi Minh xuống tới nơi, Phương đã ngồi ôm gối ngay trước cửa ra vào tầng một. Cô vươn bàn tay của mình ra, lặng lẽ hứng lấy những giọt nước mưa đang len qua không gian chật chội giữa hai dãy nhà của con hẻm mà rải xuống mặt đường.
- Công ty tớ cho làm ở nhà theo lệnh giãn cách xã hội. Giảm 50% lương.
Giọng của Phương đều đều tan ra theo tiếng mưa rơi, mang theo âm thanh của tuyệt vọng và đau khổ đan xen vào nhau. Trong thoáng chốc, Minh cũng không biết phải nói gì, cuối cùng cũng học theo Phương ngồi xuống, đưa bàn tay vào làn mưa ướt lạnh:
- Cửa hàng chỗ tớ làm thêm cũng phải đóng cửa rồi…
Từng tin không hay ập tới cùng một lúc khiến chẳng ai trong số hai người biết phải làm sao. Cả hai cùng im lặng, sự im lặng lâu tới nỗi khiến từng người đều muốn sụp đổ. Thật lâu sau, Phương mới gục đầu vào giữa hai đầu gối, tiếng nói chen cùng những tiếng nức nở nghẹn ngào khó nhọc lọt ra ngoài:
- Bảo càng lúc càng đau, đau tới không ngủ nổi. Hôm nay, lúc cậu chưa về, con bé lại không thở được. Tớ suýt nữa đã nghĩ rằng nó không qua khỏi…
Trên nền trời âm u, vài tia sét sáng lạnh nhá lên, mang theo tiếng sấm ì ầm xé tan màn mưa rả rích. Minh vòng tay vỗ vai Phương, giống như một người anh lớn an ủi đứa em nhỏ, cho dù tính đúng ngày tháng năm sinh, anh còn kém Phương hẳn hai tháng.
- Phương, chúng mình cho Bảo nhập viện đi.
Bảo không phải là em ruột của bất cứ ai trong số hai người họ. Minh, Phương cùng cô bé, đơn giản chỉ là ba hạt bụi nhỏ lầm than lạc lõng trên dòng đời mưu sinh, sau này có cơ duyên mà tụ lại với nhau dưới mái nhà cho thuê giữa lòng Hà Nội này.
Ba năm trước, Minh và Phương đều tình cờ thấy thông tin tìm người trọ chung mà Bảo đăng trên một nhóm thuê nhà. Giá cả rẻ, thời gian đi lại thoải mái, không sống cùng chủ, gần chỗ làm - những đặc điểm này đã khiến cho một cô nàng vừa ra trường chưa tìm được việc ổn định như Phương và một họa sĩ nghèo luôn mong muốn có ngày sẽ vẽ ra một tác phẩm để đời như Minh ngay lập tức xiêu lòng. Có điều, cả hai đều băn khoăn về một vấn đề: người đăng tin khi đó mới hai mươi tuổi, yêu cầu người thuê cùng chỉ cần thật thà, sạch sẽ, không đặt nặng vấn đề bạn trọ đi sớm về khuya, chứ không hề có bất cứ yêu cầu nào về giới tính.
Lần đầu tiên đến xem nhà lại chạm trán một người khác giới đã đủ bất ngờ, Minh và Phương lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy Bảo, bởi cô bé có vẻ trưởng thành hơn tuổi thực rất nhiều. Vì một chữ “nghèo”, lại hợp tính nhau, tổ hợp ba người lạ lùng bọn họ bắt đầu cuộc sống chung phòng ở. Căn phòng nhỏ được ngăn đôi bởi một chiếc rèm. Một chiếc giường đôi cho Phương và Bảo. Nửa bên kia là nơi Minh trải tấm đệm lưu động để ngủ qua đêm. Phía trên đầu họ có một căn gác xép vừa thấp vừa chật chội, Minh biến nó thành đại bản doanh để sáng tạo ra “những tác phẩm để đời” - như những gì cậu thường dương dương tự đắc đùa với hai quý cô cùng phòng.
Căn phòng của bọn họ chẳng biết đã có từ bao giờ mà tường vôi sứt sẹo qua tháng ngày dầm mưa dãi nắng. Cái mái vòm ban công mỏng dính run lên bần bật mỗi khi mưa rào, và nổ lách tách vào những ngày nắng cao điểm. Nguồn sáng của cả căn phòng là một khung cửa sổ làm bằng gỗ, điểm thêm một giàn hoa giấy um tùm chằng chịt đan kín tường rêu xanh, sà vào bậu cửa. Có lẽ giàn hoa giấy già cỗi nhưng kiên cường đó là thứ sắc màu nên thơ duy nhất tô điểm cho căn nhà xập xệ và nhỏ xíu này. Cả ba vẫn gọi nơi này là chiếc lồng chim nơi gác mái.
Trong xã hội này, chỉ có hai loại người chấp nhận ở trong những chiếc “lồng chim” kiểu vậy, một là những người muốn tạm thời trải nghiệm cuộc sống thơ mộng, ý vị và có chút hoài cổ, hai là kiểu người không có tiền. Ai chẳng muốn bản thân được là kiểu thứ nhất, nhưng tiếc thay, thực tế, cả ba bọn họ đều thuộc về kiểu thứ hai.
Minh vẫn luôn tự nhận mình là người nghèo nhất trong số cả ba. Đúng hơn, cậu chàng không có cảm hứng với việc kiếm tiền. Minh thường ngày ở nhà nhận vẽ minh họa sách hoặc vẽ theo đơn đặt hàng của khách qua trang fanpage nhỏ tự lập. Khi nào nhiều đơn, cậu sẽ hào phóng mời Phương và Bảo đi ăn một bữa thật ngon. Bữa nào không có khách, cậu lại mỉm cười hiền lành mà ăn mì tôm, ké thêm chút rau xanh, miếng thịt, miếng cá trong đám thức ăn mà Phương hoặc Bảo mua về. Thời gian rảnh rỗi của Minh hầu như đều dành cho căn gác xép nhỏ kia, với mục tiêu sáng tạo ra những tác phẩm để đời.
Có đôi lúc, Phương thực sự rất ngưỡng mộ cậu bạn cùng phòng của mình. Cho dù khó khăn tới đâu, Minh vẫn có thể mỉm cười. Cho dù nghèo khổ tới đâu, cậu cũng có thể hưởng thụ cuộc sống.
Không tự do và bất cần như Minh, ngoài công việc chính là nhân viên Marketing, Phương còn nhận thêm hàng đống việc part-time khác. Toàn bộ số tiền kiếm được, cô lại đổ vào việc học. Cô luôn tin rằng bản thân phải cố gắng học nhiều thêm vài kỹ năng, sau này mới có thể kiếm được đồng lương tử tế. Còn Bảo, mặc dù khi đó vẫn mới chỉ là sinh viên năm hai, nhưng cô bé luôn là người rời phòng sớm nhất và về phòng muộn nhất. Đi học, đi dạy kèm, đi làm thêm tại siêu thị, tại quán cà phê… Phương chưa bao giờ thấy một đứa trẻ nào bận rộn với việc kiếm tiền như Bảo. Con bé dường như cũng giống Phương, không còn một ai thân thích, lẻ loi tự cố gắng nuôi mình giữa cuộc đời này.
Chính vì thế, Minh và Phương luôn thương Bảo, thương như em gái ruột.
Bảo thường về phòng khi cả Phương và Minh đều đã chìm vào giấc ngủ. Con bé rất hiểu chuyện, chưa bao giờ gây ra dù chỉ là một tiếng động nhỏ để tránh ảnh hưởng tới hai người nghỉ ngơi. Duy chỉ có một lần, khi vừa chớm vào đông, Phương bị tiếng nức nở đứt quãng giữa đêm khuya đánh thức. Ngơ ngác mở mắt ra, Phương chỉ thấy Bảo đang cố ghìm tiếng khóc bên bàn thức ăn mà cô và Minh hâm nóng trước khi đi ngủ để chờ con bé về ăn.
Có lẽ là khi đã cô đơn quá lâu rồi, chỉ một chút quan tâm nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến con người ta trở nên mềm yếu. Ba người bọn họ, giống như ba cây cỏ dại quấn quýt, nương tựa vào nhau mà sống giữa lòng Hà Nội xa lạ bon chen.
Cuộc sống chung ba người cứ vậy mà êm đềm trôi đi, cho tới một lần, Minh và Phương nhận được điện thoại báo rằng Bảo bị ngất tại chỗ làm thêm, đã được đưa tới bệnh viện.
Ngày hôm đó cũng là một buổi chiều mưa tầm tã, khiến cho tóc tai và trang phục của cả hai người ướt nhẹp nước mưa. Cô bé hai mươi hai tuổi của bọn họ nằm trên chiếc giường bệnh viện trắng xóa để truyền nước, đôi môi nhợt nhạt vẽ nên một nụ cười:
- Thế này thì chắc là không giấu được anh chị nữa rồi…
Bảo bị bệnh, bệnh rất nặng.
Tới lúc này, Phương và Minh bỗng dưng hiểu ra tất cả.
Tại sao một cô bé hai mươi tuổi lại điên cuồng làm thêm kiếm tiền. Tại sao đang yên đang lành, cô bé lại tìm người chia sẻ nhà trọ.
Chỉ đơn giản là Bảo cần tiền để sống tiếp, cần tiền để chi trả cho đám hóa đơn thuốc men, khám chữa cao ngất ngưởng của mình.
Ngày hôm đó, Phương khóc hết cả một buổi chiều, sau đó lặng lẽ hủy đi kế hoạch học thêm dày đặc của mình, thay vào đó tìm vài việc làm ngoài giờ. Đến cả chàng họa sĩ Minh bất cần đời cũng gác lại ước mơ “sáng tác ra những tác phẩm để đời”, xin việc làm thêm tại một quán cà phê nọ.
Ngày hôm đó, Phương và Minh lần đầu cùng nắm lấy tay Bảo, dịu dàng van nài:
- Đừng cố gắng một mình nữa, dựa vào anh và chị, ba chúng ta nương tựa vào nhau.
Đó là lần đầu tiên, Phương thấy Bảo òa lên khóc nức nở.
Cô ôm lấy đứa bé gầy guộc ấy, xoa mái tóc ngắn ngủn xơ xác của em, trong lòng vừa đau xót lại vừa nặng trĩu…
Sau lần phát bệnh đó, bệnh tình của Bảo chuyển biến xấu với tốc độ nhanh đến đáng sợ. Con bé thường xuyên khó thở, sức khỏe ngày một yếu, bị những cơn đau rát ngực hành hạ mỗi đêm. Bảo buộc phải tạm dừng việc học ngay khi kỳ thi tốt nghiệp chẳng còn cách bao xa, buộc phải dừng hết việc làm thêm, cả ngày nằm trên chiếc giường đối diện với ô cửa sổ.
Thế nhưng, cô gái nhỏ kiên cường của tổ chim nơi gác mái chưa bao giờ vì vậy mà nản chí. Với chiếc máy tính cũ, em dành toàn bộ khoảng thời gian không bị cơn bệnh hành hạ để sáng tác và gửi tác phẩm cho những đơn vị xuất bản.
- Mặc dù nhuận bút của em chẳng đáng bao nhiêu, nhưng chỉ cần em còn sống một ngày, em sẽ không ngồi không một ngày.
Khi Bảo nói những câu này, Phương thề, cô đã thấy một đốm lửa mạnh mẽ cháy trong đôi mắt trong veo của cô bé...
Thế nhưng, tết Nguyên Đán vừa qua, bệnh tình của Bảo đã trở nên xấu hơn bao giờ hết. Em ngủ nhiều hơn vì mệt mỏi, và chỉ thức khi những cơn đau kéo tới đè nghẹt thân thể gầy yếu xanh xao kia. Phương và Minh đều biết, hiện tại, điều trị tại nhà đã không còn khả quan nữa. Bảo cần vào viện, cần được chăm sóc thường xuyên và được đặc trị.
Nhưng, họ không có tiền.
Dịch Covid-19 giống như một làn sóng thần quét qua nền kinh tế, khiến số phận bọn họ còn lay lắt hơn cả chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn của O.Henry. Người mất việc, kẻ bị giảm lương, cả Minh và Phương đều bị nỗi lo về việc có thể mất đi Bảo bất cứ lúc nào bao trùm lấy tâm trí.
Trong lúc đó, sức khỏe của Bảo ngày càng tệ. Mỗi lần đi ra ngoài về, Minh và Phương đều cố gắng khử trùng triệt để nhất có thể. Phổi của Bảo vốn đã rất yếu, nếu như hiện tại nhiễm phải Covid, con bé chắc chắn không trụ được.
Thậm chí, lúc này, chỉ cần một cơn sốt cao đột ngột cũng có thể cướp con bé đi…
Một ngày nọ, sau những tháng ngày mưa dầm dề, rả rích, cuối cùng, Hà Nội cũng chịu hửng nắng. Ánh nắng nhàn nhạt xuyên qua ô cửa sổ mối mọt, dịu dàng phủ lên chiếc giường Bảo đang nằm. Thật giống như có một phép thần kỳ, Bảo chợt tỉnh giấc sau những tháng ngày ngủ mê man mệt mỏi. Em khẽ vươn vai, hít một hơi dài, tựa như nàng công chúa ngủ trong rừng sâu vừa tỉnh lại, cũng giống một chú mèo mướp lười biếng sưởi nắng sớm mai.
Bảo lặng lẽ ngắm dàn hoa giấy khẳng khiu ngoài cửa sổ, bất chợt xoay người hỏi Minh và Phương:
- Nếu biết ngày mai mình sẽ chết thì anh chị muốn làm gì nhất?
Giọng của cô bé đều đều, tựa như tiếng đồng hồ tích tắc đếm thời gian, và nhẹ nhàng như thể chỉ đang hỏi hai người bạn cùng phòng một vấn đề đơn giản: “Tối nay chúng ta ăn món gì?”
Phương chết lặng trong câu hỏi đấy, còn Minh, cậu vội vàng nắm lấy tay Bảo, dỗ dành giống như đang dỗ một đứa em gái nhỏ:
- Đừng nói những câu gở như thế! Chị Phương đã nói rồi, em nhất định sẽ sớm khỏi thôi.
Bảo không phản bác những gì Minh nói, cho dù hơn ai hết, cô bé hiểu chúng rõ ràng là một lời nói dối. Nghiêng người dựa vào lòng Phương, đôi mắt xa xăm của cô bé dừng trên những nhánh cây hoa giấy đầy gai nhọn, gầy gò:
- Năm nay hoa giấy nở muộn quá, chẳng biết em có chờ được không.
Cả ba bọn họ, chẳng ai biết em ấy có chờ được không…
Những ngày nắng ít ỏi đến đáng thương, chẳng mấy chốc lại phải nhường chỗ cho những cơn mưa rả rích. Trong lúc Phương vẫn đang tìm đủ mọi cách kiếm tiền để đưa Bảo nhập viện, thì một ngày nọ, Minh lén gọi cô ra nơi cầu thang, đặt vào tay cô một tấm thẻ ngân hàng.
- Tớ bán rồi - Minh nở nụ cười, nhưng đôi mắt lại loang loáng ướt - Toàn bộ tranh trên gác xép.
Câu thông báo ngắn gọn đó làm bàn tay của Phương run lên. Chỗ tranh đó là tâm huyết, là ước mơ, là tuổi trẻ của Minh - một người luôn mong ước có thể mở một triển lãm tranh, sáng tạo ra những tác phẩm để đời.
- Chẳng có gì quan trọng hơn sức khỏe của Bảo hết. Chúng ta làm thủ tục nhập viện đi!
Ngàn vạn câu chữ muốn nói ra đều nghẹn lại nơi cổ họng, Phương ôm chầm lấy cậu bạn cao hơn mình cả một cái đầu, cuối cùng chỉ có thể nói:
- Nếu cậu muốn khóc thì cứ khóc đi.
Ba người bọn họ, trên suốt quãng đường ngắn ngủi hai mươi mấy năm vừa qua, đánh đổi thật nhiều thứ, khóc thầm rất nhiều lần, từ bỏ rất nhiều mơ ước. Vì thế, bọn họ càng không thể bỏ lỡ nhau.
Nhưng dường như ông trời vẫn chưa hết thử thách dành cho bọn họ.
Vốn dĩ việc làm thủ tục nhập viện cho Bảo đang diễn ra suôn sẻ thì phát sinh ổ dịch Covid tại bệnh viện Bạch Mai. Sau khi suy tính tới sức đề kháng hiện tại của Bảo, Phương và Minh chỉ đành để cô bé tiếp tục ở nhà, mời bác sĩ mỗi ngày tới chăm nom.
Trong suốt thời gian đó, cây hoa giấy ngoài khung cửa sổ vẫn chưa từng nở hoa.
Trời vẫn tiếp tục mưa, người mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, thế giới vẫn tiếp tục chao đảo trong cơn dịch bệnh. Bảo thường dành mỗi giờ tỉnh táo để chăm chú gõ máy tính, tiếng lách cách nặng nề vang lên trong căn phòng nhỏ, đan xen lẫn tiếng quẹt cọ loạt xoạt của Minh.
- Em còn chưa có ảnh tốt nghiệp nữa…Một ngày nọ, Bảo ngẩng lên khỏi chiếc máy tính, nói với Phương và Minh câu đó. Giữa thời gian giãn cách xã hội, không có cách nào ra ngoài chụp ảnh được, Phương nảy ra sáng kiến đặt một bộ áo mũ cử nhân về nhà, để Minh giúp Bảo vẽ chân dung.
Giai đoạn đó có lẽ quãng thời gian hài hòa, vui vẻ nhất của họ. Bảo mặc vào tấm áo cử nhân, gương mặt cũng rạng rỡ, vui vẻ hẳn ra. Minh thì lúc nào cũng lấm lem tựa một con mèo mướp, với những mảng màu lốm đốm trên gương mặt, còn Phương, chỉ cần nhìn thấy nụ cười của hai người bọn họ, cô cũng cảm thấy nhẹ lòng theo.
Sau hơn một tuần miệt mài sáng tác, bức tranh cũng đã được hoàn thành.
Thế nhưng, bức chân dung hoàn thành chưa được bao lâu, Bảo cũng qua đời.
Ngày em ra đi, trời đổ mưa bụi lâm thâm, giàn hoa giấy ngoài cửa sổ vẫn chưa kịp nở.
Bảo không thể đợi được mùa hoa năm nay, cũng chẳng thể đợi thêm mùa hoa nào nữa. Em đã được giải thoát khỏi căn bệnh quái ác sau khi kiên cường tới tận giây phút cuối cùng.
Đám tang thời Covid-19 của những kẻ nghèo thật là ảm đạm, chỉ có Phương và Minh, cùng nhân viên nhà tang lễ. Trên linh đường là bức tranh Minh vẽ, cô gái có đôi mắt to, trong veo mặc áo cử nhân, khóe miệng hơi mỉm cười, tựa như đang động viên hai người bạn cùng phòng của mình đừng khóc.
Thì ra, một sinh mệnh có thể biến mất vô thanh vô tức tới nhường ấy, lặng lẽ tựa một viên đá chìm sâu vào lòng hồ, chẳng còn gợn lên mảy may dấu vết…
Tang lễ kết thúc, Minh và Phương trở về chiếc lồng chim của ba người bọn họ, cảm giác không gian hai mươi mấy mét vuông dường như rộng ra thênh thang. Đồ vật cũ của Bảo đều đã được dọn đi, thật giống như cô bé chưa từng tồn tại trên cõi đời này. Thế nhưng, sâu trong tim hai người bọn họ, ba năm ngắn ngủi ở cùng cô bé đã trở thành những ký ức không thể phai mờ.
Minh bắt đầu công việc tại một đơn vị thiết kế đồ họa nọ. Cậu nói rằng, bản thân đã vẽ được bức họa để đời mình muốn, cậu đã thỏa mãn rồi.
Phương biết, ý Minh chính là bức họa chân dung cho Bảo kia.
Cô cũng học cách cất giấu khoảng trống mà Bảo để lại vào sâu trong trái tim mình. Cuộc sống sẽ không vì một chú chim bé bỏng về với trời xanh mà ngừng lại nhịp xoay vòng của nó. Dịch bệnh dần được kiểm soát, công ty hoạt động trở lại, quỹ đạo hàng ngày dần trở nên ổn định hơn. Đôi lúc, Phương giật mình hoảng hốt, nếu không phải còn có bức tranh Minh vẽ ngày ấy làm dấu ấn nhắc về Bảo, liệu có phải, cuộc sống này sẽ quên mất từng có cô bé tồn tại hay không?
Hai tháng sau ngày Bảo mất, giàn hoa giấy trước cửa sổ cuối cùng cũng chịu nở rộ. Cùng lúc đó, có một người đàn ông tìm tới lồng chim nơi gác mái của Minh và Phương.
- Tác phẩm của cô bé đạt giải nhất cuộc thi Văn học trẻ, được chọn để xuất bản, nhưng ban tổ chức không thể liên hệ được qua email hay số điện thoại. Vì thế, tôi theo địa chỉ mà Bảo ghi để tìm tới đây.
Phương bắt tay người đàn ông, trong lòng đầy ngỡ ngàng, dẫn ông lên góc phòng của bọn họ, để ông nhìn thấy nụ cười lấp lánh của cô gái trẻ trên bức họa ẩn sau làn khói hương.
- Em ấy chắc sẽ rất vui. Cảm ơn anh đã báo tin.
Phương vẫn nhớ, Bảo luôn nói, em nhất định sẽ viết ra một tác phẩm để đời. Chỉ là, cô không ngờ, Bảo thực sự đã làm được việc đó trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh, giữa những cơn đau dày vò hai lá phổi của mình.
Ngày sách của Bảo được xuất bản, người đàn ông lại tới tìm Phương và Minh một lần để thắp hương cho Bảo và tặng cho hai người bọn họ hai ấn phẩm. Quyển truyện ngắn có tên “Lồng chim nơi gác mái”, kể về cuộc sống của hai cô gái cùng một chàng trai trẻ vật lộn mưu sinh giữa dòng đời. Họ đầy rẫy nỗi buồn, đầy rẫy nước mắt, đầy rẫy áp lực, nhưng lúc nào cũng tràn đầy tự tin, yêu thương và không thiếu những nụ cười. Bìa truyện là do Minh vẽ, chỉ có một chú chim nhỏ xíu nghiêng đầu ngắm khoảng trời xanh phía sau những thanh lồng gỗ, bên cạnh là một giàn hoa giấy rực rỡ khai hoa.
“Chúng ta đều là những chú chim nhỏ, bị nhốt trong chiếc lồng chật hẹp của tiền tài, công việc. Bầu trời xanh kia là ước mơ, ngọn gió mát kia là cảm hứng. Dù thân thể chúng ta bị xiềng xích trong áp lực củi muối gạo dầu, trong áp lực trưởng thành và thành đạt, cũng đừng bao giờ quên đi bầu trời xanh bát ngát ngoài kia. Một chú chim sẽ chết, khi nó quên đi cảm giác được sải cánh trên bầu trời.
Ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia nữa, đừng bỏ cuộc nhé, những chú chim nhỏ bé phía sau chấn song…”
_Viết bởi Lục Bảo, từ chiếc lồng chim nơi gác mái_
Tiêu Dao (Hoàng Nguyên Nguyễn) - blogradio.vn