Nếu như mãi mãi lạc đường
Thứ sáu - 15/12/2023 09:08
Càng lớn tôi lại càng ít khi gọi điện hay là trò chuyện với bố mẹ, nếu bố mẹ có hỏi thì cũng sẽ nói “không sao ạ”, “con ổn mà”, “không có chuyện gì đâu ạ” hay là “bố mẹ đừng lo”. Nhưng mọi người đã từng nghĩ đến việc sau này không còn ai để ta nói những câu đó nữa không?
***
Lạc đường không phải một điều gì đó quá đáng sợ, nếu như bạn có một người có thể giúp thoát ra khỏi sự mơ hồ và lạc lối đó. Bạn có một người như vậy không, còn tôi thì có. Con người ta mất đi thì mới biết trân trọng, vậy nên hãy cố gắng quý trọng và đừng coi một việc gì đó hiển nhiên vì bạn không biết khi nào sẽ đánh mất thứ quý giá đó đâu.
“Lạc đường” đây là một cụm từ xuất hiện rất nhiều trong cuộc đời của tôi. Từ khi sinh ra tôi đã chính là một đứa mù đường chính hiệu. Việc lạc đường đã gây ra cho tuổi thơ tôi rất nhiều những câu chuyện mà cho đến bây giờ bố mẹ vẫn kể với nhau như một câu chuyện vui trong nhà. Và người luôn xuất hiện để giải cứu tôi những khi tôi đi lạc đó chính là bố của tôi. Nếu như tôi là một kẻ mù đường từ khi sinh ra, thì bố tôi chính là một cái Google Map biết đi. Bố của tôi có thể nhớ hết từng ngóc ngách của thành phố Hà Nội, là người chỉ cần đi một lần thì sẽ không bao giờ quên. Ông chính là thần tượng trong cuộc đời của tôi – là người sẽ giúp tôi mỗi khi tôi lạc hướng, không biết đi về đâu.
Tôi còn nhớ khi tôi 8 tuổi, vì khi đó bố mẹ bận việc và không thể đưa tôi đến trường được, nên đã để tôi tự đến trường. Tới đây mọi người sẽ thắc mắc là “Sao bố mẹ lại có thể để cho một đứa trẻ tự đến trường có đúng không?”, bố mẹ để tôi đi học một mình vì nhà của tôi rất gần với trường học (khoảng 300m) và bố mẹ nghĩ tôi có thể tự mình đến trường. Nhưng họ đã đánh giá khả năng định vị hướng đi của tôi quá cao, vì để đến trường tôi phải rẽ qua 2 cái ngõ để có thể đi ra được đường lớn (vì trường tôi ở ngoài mặt đường). Nhưng do một thế lực nào đó tôi đã rẽ nhầm vào một cái ngõ khác và điều gì phải đến thì cũng đến, tôi đi lạc. Và theo phản xạ tự nhiên của môt đứa bé bị lạc đường việc đầu tiên khi tôi nhận ra mình bị lạc đó chính là khóc. Tôi khóc rất to, một phần vì sợ hãi nhưng nhiều hơn hết đó là cảm giác tủi thân. Và không biết tôi đã khóc trong bao lâu thì bố của tôi xuất hiện. Hình ảnh bố đứng đó, đầu tóc rối bời nhìn tôi và quần áo có hơi nhếch nhác, nhưng đối với một đứa trẻ như tôi khi đó thì bố chính là anh hùng đến giải cứu tôi – một đứa nhóc bị lạc đường. Tôi lao vào lòng bố khóc lóc, kể lể việc bản thân bị lạc đường như thế nào? Việc mình sợ hãi ra sao? Còn bố khi đó chỉ bế và an ủi tôi, rồi đưa tôi về nhà. Sau sự việc đó công việc đưa đón tôi đến trường được giao cho anh trai của tôi cho đến khi tôi lên cấp 3.
Trường cấp 3 của tôi là một ngôi trường cách nhà tôi hơn 1 giờ đồng hồ đi xe, và để hỗ trợ tôi trong việc học và có thể liên lạc cho người nhà thì bố đã mua cho tôi một chiếc điện thoại Nokia. Và từ khi có điện thoại, cứ mỗi lần đi lạc tôi lại gọi cho bố đầu tiên, vì tôi biết bố có thể chỉ cho tôi đi đúng đường. Rồi khi lên lớp 11, tôi bắt đầu có những suy nghĩ của riêng mình, việc đi lạc cũng không còn xuất hiện, tôi có xu hướng giấu đi những suy nghĩ của bản thân. Rồi đến khi lên lớp 12, khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi – chọn ngành và trường đại học. Nếu như trước kia tôi sẽ nói cho bố mẹ về những suy nghĩ của mình, thì khi đăng ký ngành học tôi đã tự mình đăng ký và bố mẹ chỉ biết khi đến họp phụ huynh cuối năm cho tôi. Tôi đã nghĩ bố mẹ sẽ vô cùng tực giận vì tôi đã không nói gì về việc đăng ký, nhưng phải ứng của bố tôi thì hoàn toàn ngược lại. Ông bảo ông sẽ ủng hộ tôi cho dù tôi chọn bất cứ ngành nào miễn là nó có thể nuôi sống tôi sau này và tôi sẽ không hối hận khi chọn nó. Bố tôi là thế đó, tuy chỉ là một người nông dân quanh năm với đồng ruộng và mấy con gà nhưng ông luôn tôn trọng lựa chọn và quyết định của con cái.
Rồi tôi bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời, không khí trong gia đình tôi trong 3 ngày thi đó rất căng thẳng. Tôi vẫn nhớ đó là 3 ngày nắng nhất trong năm, bố chở tôi đi 53km để đến điểm thi, rồi khi ra khỏi phòng thi thì bố đã ở đó. Nhờ có bố và những ký ức đó tôi đỗ vào trường đại học mình muốn với số điểm cũng được coi là cao.
Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên của mình, chiếc nokia được nâng cấp lên thành một chiếc smart phone hiện đại hơn. Và để không bị lạc thì tôi lựa chọn xe buýt để đến trường. Ngày đầu đi học tôi đến trường mà không hề gặp chút vấn đề gì, tưởng rằng mình sẽ không thể nào lạc được nếu như đi xe buýt (vì có bến cố định). Nhưng việc gì đến cũng phải đến, một đứa mù đường như tôi thì có thế nào cũng vẫn mù đường, ngày thứ 2 tôi đã bị lạc vì hôm đó xe buýt đông và loa không đọc bến xuống. Tôi đã phải đi loanh quanh khu vực đó để tìm được trường và dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân xung quanh thì TÔI VẪN LẠC. Trong đầu tôi khi đó đã nghĩ đến bố, tôi đã cầm máy và gọi điện cho bố, khi bố biết tin thì ông đã từ từ trấn an tôi và chỉ tôi cách đi đến trường. Và sau 2 tiếng đồng hồ thì tôi đã tìm được trường của mình. May mắn thay là thầy giáo dạy môn học hôm đấy đã cho qua việc tôi đi học muộn với lý do “tôi lạc đường”. Các bạn sẽ nghĩ là “Tại sao tôi không sử dụng bản đồ trên điện thoại đúng không?”, đó là vì tôi không biết xem bản đồ đó. Tôi tự tin là một người con khối C chuyên địa, có thể thuộc cả quyển Atlat nhưng tôi không biết xem bản đồ. Nhưng đó cũng là lần duy nhất tôi gọi cho bố để nhờ giúp đỡ.
Mọi người có xu hướng dấu đi những khó khăn, lo lắng và chỉ thể hiện ra những vui vẻ, thuận lợi cho người thân của họ, và tôi cũng không ngoại lệ. Càng lớn tôi lại càng ít khi gọi điện hay là trò chuyện với bố mẹ, nếu bố mẹ có hỏi thì cũng sẽ nói “không sao ạ”, “con ổn mà”, “không có chuyện gì đâu ạ” hay là “bố mẹ đừng lo”. Nhưng mọi người đã từng nghĩ đến việc sau này không còn ai để ta nói những câu đó nữa không?
Đó là ngày tôi nghe tin bố tôi bị tai nạn phải vào bệnh viện, tai tôi thì ù đi, não không thể hoạt động được và tim thì như có ai bóp chặt lấy. Tôi vội lấy xe và lao nhanh đến bệnh viện, những bệnh mù đường của tôi lại xuất hiện ngay lúc đó, tôi bị lạc. Và mọi người có biết đến định luật Murphy không? “Bất cứ điều gì có thể sai sẽ xảy ra và vào thời điểm tồi tệ nhất có thể.” “Không có chuyện tồi tệ nhất mà chỉ có chuyện tồi tệ hơn”. Và đúng như định luật, tôi lạc đường và do đi sai làn tôi còn bị các anh giao thông gọi vào kiểm tra giấy tờ. Vì đi ra ngoài quá vội vàng tôi đã quên đem theo ví và điện thoại, khi đó tôi cảm thấy thật tồi tệ. Trong đầu không thể nghĩ thêm được một điều gì khác, tôi chỉ có thể mượn điện thoại của một bạn học sinh gần đó và theo bản năng tôi nhấn một dãy số mà tôi đã thuộc lòng từ lâu, nhưng khác với những lần trước, không có câu “Sao vậy con?” mà thay vào đó là những tiếng tút… tút và giọng đọc vô cảm “Số máy quý khách hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Tinh thần tôi dường như sụp đổ hoàn toàn, tôi ôm mặt khóc ngay giữa đường. Nếu ngày bé khóc vì tủi thân và sợ hãi thì nay tôi khóc vì sự bất lực và vô dụng của bản thân, thêm vào đó là tự trách, và sự hối hận. Con người là một loại động vật kì lạ, khi có thì không trân quý nhưng đến khi mất thì mới tự trách và hối hận. Mấy anh công an giao thông thấy tôi khóc mà không có dấu hiện ngừng thì có đi đến hỏi thăm, và khi tôi nói là đang đến bệnh viện vì bố gặp tai nạn nhưng vì lạc mà không biết đi đâu, trên người thì không mang theo cái gì cả, nghe vậy thì đã có một anh bảo sẽ đưa tôi đến bệnh viện. Và thật may mắn làm sao là khi đến bệnh viện thì tôi được mẹ cho biết là bố chỉ bị trầy xước nhẹ mà thôi.
Giờ nghĩ lại tôi thấy mình lúc đó cứ như là một con ngốc vậy, mấy giây trước vừa khóc nước mùi tèm lem, giây sau đã cười hơ hớ được. Nhưng qua đó tôi càng trân trọng từng giây từng phút bên cạnh gia đình của mình hơn. Và tôi mong các bạn cũng vậy, hãy nói thật nhiều những lời yêu thương đến bố mẹ. Nhưng nếu các bạn không nói được thì hãy thể hiện bằng cách nhấc máy và gọi về nhà, chỉ một câu nói “Hôm nay bố mẹ thế nào?” cũng đủ làm bố mẹ các bạn hạnh phúc rồi.
Tác giả: Tác giả ẩn danh - blogradio.vn