Khi đối diện với thất bại, tôi thường cho mình một khoảng lặng. Không phải trốn tránh, chỉ là giữ tâm trí bình thản nhất để có thể đối phó với “người bạn” này. Khi cảm thấy đã đủ bình tĩnh, tôi sẽ nhìn nhận lại bản thân để tìm lý do tại sao lại thua, nhìn nhận lại sự sai sót trong cả quá trình thực hiện, Rồi... bắt đầu lại.
***
Thất bại có đáng sợ không?
Khách quan mà nói, ai mà chẳng sợ thất bại? Nếu có người nói không sợ, tôi còn cho rằng là họ tự huyễn hoặc mình, hay là, sinh ra đã ở vạch đích?
Nhưng khi thất bại, tôi sẽ không nói những câu vô bổ như: “Không sao, cậu đã làm tốt lắm rồi!”. Với tôi, thất bại chính là thất bại, là bản thân đã không hoàn thành dự định, tôi sẽ không đổ cho hoàn cảnh hay điều kiện, bởi lẽ nó cũng chẳng quan trọng bằng nhân tố: bản thân.
Cuộc sống không hề đơn giản như cách bạn đọc một quyển sách hay ăn một món ăn. Cuộc sống là những biến hóa khôn lường, những điều bất ngờ mà bạn chẳng hề lường trước được. Có thể lúc này tâm trạng bạn đang rất tốt, nhưng đôi ba phút sau lại như mây đen xám xịt. Đấy, ngay cả cảm xúc của bạn mà bạn còn không nắm được thì làm sao nắm bắt được cuộc sống? Thất bại cũng vậy! Nó sẽ đến vào lúc bạn hi vọng nhất, chính nó sẽ kéo bạn xuống tận cùng cảm xúc, làm cho bạn cảm thấy mình là đứa dở tệ nhất cuộc đời này. Nhưng vậy thì sao, thất bại luôn sẽ ghé thăm ít nhất mươi lần trong cuộc sống của bạn, thay vì từ chối nó một cách đau khổ, sao không thử đón nhận nó bằng tâm thế một “người bạn bất đắc dĩ”? Cho dù bạn có chấp nhận hay không, nó vẫn sẽ ở đó, chờ đợi bạn yếu đuối mà nuốt chửng bạn.
Khi đối diện với thất bại, tôi thường cho mình một khoảng lặng. Không phải trốn tránh, chỉ là giữ tâm trí bình thản nhất để có thể đối phó với “người bạn” này. Khi cảm thấy đã đủ bình tĩnh, tôi sẽ nhìn nhận lại bản thân để tìm lý do tại sao lại thua, nhìn nhận lại sự sai sót trong cả quá trình thực hiện, rồi... bắt đầu lại.
Nhưng thành thật mà nói, tôi cũng từng bị chính thất bại đánh gục. Đôi lúc, khoảng lặng đó lại chính là bế tắc, mà tôi cứ đắm chìm trong đấy mãi chẳng dứt ra được. Đến mức dường như sắp bị nó “bức tử”, tôi liền chạy đi tìm người tin tưởng nhất, kể cho họ nghe. Cái chính là muốn giải bày chứ không phải xin lời khuyên, bởi cho dù họ cho bạn lời khuyên tốt thế nào, vẫn là bản thân bạn phải tự quyết định lấy cuộc đời bạn mà thôi. Mà đôi khi, nó trở thành cơn ác mộng, ám ảnh tôi suốt mấy năm mới dứt ra được.
Chúng ta vẫn phải thừa nhận, có vài chuyện không thể bắt đầu lại. Giống như việc bạn không thể trở lại ngày hôm qua. Cho nên, việc duy nhất có thể làm là tự rút ra bài học, sau đó hạn chế tối đa những việc tương tự như thế xảy ra, tìm kiếm hướng đi khác cho cuộc đời mình. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực hiện được đòi hỏi bạn phải kiên trì với chính mình, đấu tranh với chính mình còn khó hơn là đối mặt với thất bại.
Khi đi qua những chông chênh ấy, bạn sẽ giật mình nhận ra mình đã đổi khác đi rất nhiều. Trưởng thành hơn, kiên định hơn chính là bạn của lúc ấy. Hay đơn giản hơn, bạn không còn bị nó đeo bám, để bạn nhẹ nhõm mà tiếp tục đương đầu với những bất ngờ ở phía trước. Khi bạn đọc đến đây, tôi muốn gửi bạn vài dòng: “Đứng dậy đi nào! Bạn có thể yếu đuối một ngày chứ không thể yếu đuối một đời, hãy nhớ rằng, chính bạn mới có thể cứu lấy bạn.”