Những người già hôm nay là những người trẻ của ngày hôm qua, nên họ cũng rất cần được quan tâm được chăm sóc được yêu thương.
***
Tôi nghĩ đã là con người thì người trẻ hay người già cũng đều sẽ có giống nhau nhiều điểm, nhưng sẽ khác nhau rõ ràng về độ tuổi, về suy nghĩ, về cách nhìn nhận nhiều vấn đề của cuộc sống, về cảm xúc đối với cuộc đời, và nhiều điều khác nữa.
Trong đại gia đình nhà tôi hiện tại có một người già, đúng nghĩa già về tuổi tác, về bên ngoài và cả bên trong luôn, là má tôi. Những ngày này má tôi đang nhập viện vì được bác sĩ chẩn đoán bị kiệt sức sau rất nhiều những xét nghiệm và một trời chụp và siêu âm phim ảnh theo đúng trong y học, tôi không rành thuật ngữ chuyên môn ngành nghề nên viết vậy.
Nhưng tôi không lấy từ suy nghĩ đơn độc của má tôi để áp đặt chung cho tất cả người già đâu ạ, dù cũng có thể đúng. Má tôi nhập viện, vậy là tôi được làm quen với thêm nhiều người già ở đó, chung phòng và khác phòng với má tôi, chung tầng và khác tầng với má tôi, và tôi biết thêm được nhiều chuyện. Tôi hiểu được thêm về cuộc sống và những suy nghĩ trăn trở của người già, người cao tuổi.
Những ngày ba tôi bệnh nặng, má tôi và mấy chị em thay nhau chăm sóc ba. Má tôi thì túc trực một bên còn mấy chị em thì tự sắp xếp chạy vào vì ai cũng bận đi làm, rồi sau khi ba tôi mất, má tôi trở nên trầm mặc hơn, ít nói hơn. Má hay dặn dò và tâm sự với tôi là sau này má muốn được chết trong giấc ngủ để đỡ vất vả cho con cho cháu, và đó cũng là suy nghĩ thường trực luôn nung nấu trong má.
Rồi những lần má tôi nhập viện, mà lần nào cũng là do kiệt sức, thì tôi biết gần như tất cả người già đều vậy. Ai cũng muốn ra đi một cách nhẹ nhàng êm ái trong giấc ngủ, chẳng ai muốn bệnh hoạn để làm khổ con khổ cháu phải chăm sóc ngày đêm.
Tôi nghe một bác nhỏ tuổi hơn má tôi một chút, bác nói như vầy:
Bác có hai người con, một trai một gái, nhưng con gái bác lấy chồng ở xa nên không thể chạy về mỗi lần bác ốm, vì còn công việc và gia đình con cái. Rồi anh con trai của bác cũng bận rộn đủ việc nên thuê người chăm bác.
Tôi thấy cô người làm cũng rất tận tâm chăm sóc bác, mà lúc đầu tôi cứ tưởng là con của bác, và chắc cô nhìn thấy lắm cảnh bệnh tình của người già trong bệnh viện. Cô nói cô chuyên đi nuôi bệnh, người ta gọi mà cô đang rảnh là cô gật đầu liền. Vì đó là công việc mưu sinh của cô, nên cô buông một câu mà tất cả mọi người đều im lặng, vì không ai nói ra nhưng tôi tin ai cũng đồng ý với cô:
“bây giờ bệnh hoạn mà còn trẻ thì được, chứ sau này về già rồi mà vừa không có con vừa không có tiền thì chắc chỉ có chết chứ biết làm sao.”
Câu nói của cô làm má tôi chảy nước mắt rồi cứ cầm tay tôi mà hôn.
Tôi đứng chờ trước thang máy. Tôi cũng nói luôn vào bệnh viện tôi ớn nhất và oải nhất chuyện chờ thang máy, tầng nào cũng có hai thang máy, mà có nhiều lúc người ta chờ đông quá, nhất là ở tầng trệt. Tôi luôn có cảm giác ở đó bị quá tải, nên tôi cứ phóng thang bộ cho nhanh, vì tôi nghĩ thời gian đứng chờ thì tôi đã lên được phòng, chỉ có những lúc phải đẩy xe cho má đi siêu âm chụp phim này kia thì phải bắt buộc chờ.
Trong một lần như vậy, tôi được nghe một bác nhìn đã lớn tuổi nhưng có vẻ như còn khỏe nhiều, bác ấy nói với người thân bên cạnh mà bao nhiêu người ở đó đều nghe:
- Con về nói với nó không được có suy nghĩ như vậy nữa, ba cấm. Người ta già mà người ta còn cố chạy chữa để được sống, còn nó mới có gần bảy mươi mà cứ bi quan đòi chết là sao.
Tôi giật mình, vậy bác bao nhiêu tuổi, nhìn bác cứ đi băng băng như người trẻ vậy.
Còn một bác sát bên giường má tôi đã tròn chín mươi, bác cũng bị nhiều căn bệnh của người già như má tôi vậy, nhưng nhìn bác vẫn cứng cỏi, ăn nói vững vàng. Chỉ cái bác bị nặng tai quá, con cái nói gì cũng phải sát vào tai để nói thì bác mới nghe, và bác rất hay hỏi giờ.
Bác nói bác không đồng ý nhập viện nhưng các con của bác kiên quyết bắt phải nhập. Bác nói bác đã sống đến tuổi này là quá tốt quá dư rồi, cứ để bác ở nhà rồi khi nào bác đi thì bác đi.
Một bác ở giường đối diện với má tôi thì bị chạy thận một tuần ba lần, bác cũng cứ muốn được ở nhà để chết chứ không chịu nhập viện, nằm trên giường mà bác cứ đòi về suốt.
Tôi nhìn thấy nhiều bác bị nặng hơn, đến chuyện vệ sinh cũng phải có người thân giúp đỡ, nên tôi thấy điều này: có lẽ khi người ta đến tuổi già rồi thì vòng quay của quy luật lại quay ngược trở lại thời trẻ con, vì những chuyện về sinh lý như phải bọc bỉm tã để đi vệ sinh, như tắm giặt, hay không thể tự ăn được phải có người cho ăn. Còn về tâm lý cũng vậy, người ta nói những người già thường hay hờn dỗi như trẻ con là đúng, họ hay dễ tủi thân và hay khóc, vì có lẽ tuổi tác làm họ hay suy nghĩ hay nhớ lại những chuyện của quá khứ. Rồi có lúc họ bị chìm đắm vào những ký ức xa xưa, rồi họ kể lại cho con cháu.
Tôi thấy người già như má tôi đây, dễ bị xúc động, dễ cười và cũng dễ khóc. Rồi có những lúc tôi đi chùa tôi hay nghe mấy bác lớn tuổi nói giống nhau là, sau này chết rồi thì mong được về chùa, được nằm nơi chốn yên tĩnh của cửa phật, vừa sạch sẽ vừa thanh tịnh để ngày đêm được nghe tiếng cầu kinh và để mau mau được bay về với Phật.
Tôi không biết có đúng vậy không, rằng sau khi chết người ta có được bay lên thiên đàng hay bị đày dưới chốn địa ngục gì đó như kinh nhà Phật đã nói, và mấy bác đã mong, tôi chỉ thấy người ta xây rất nhiều những nơi để tro cốt của người đã mất mà vẫn không đủ. Cứ mỗi lần tôi chạy lên thăm và thắp nhang cho ba tôi là tôi lại rợn người vì thấy những dãy tầng vừa xây xong lại dày đặc thêm những hũ tro cốt.
Tôi thấy cơ thể con người mình giống như một bộ máy, khi còn trẻ thì các bộ phận được vận hành trơn tru thông suốt, và khỏe mạnh, còn khi về già thì các bộ phận dường như bị lão hóa hết. Tùy theo cơ địa và thể trạng của mỗi người mà sự diễn biến có khác nhau, người bị ít bị chậm, người bị nhiều và bị sớm hơn, rồi khi không thể chống chọi được nữa thì sẽ đi xa.
Những người già có vẻ thích con cháu xúm quanh vui vầy, rồi long lanh hạnh phúc khi biết đứa này thành đạt đứa kia giỏi giang ra sao. Những người già cũng thích được sống thanh tịnh, được sống một nơi chốn yên ắng không ồn ào, có nhiều cây xanh, và có nhiều những người cùng lứa tuổi để có thể trò chuyện hay chia sẻ cùng nhau.
Những người già hôm nay là những người trẻ của ngày hôm qua, nên họ cũng rất cần được quan tâm được chăm sóc được yêu thương. Những lúc họ ngồi một mình là họ lại nhớ đến con đến cháu, rồi lại nhắc và mong đứa này về thăm đứa kia có biết bà nội, bà ngoại bị bệnh không, sao không thấy gọi điện cho bà.
Nhưng người già rất dễ bị tổn thương gấp nhiều lần so với người trẻ. Phải biết cách nói năng đối xử vì họ rất dễ tủi thân, rồi lại cô quạnh trong suy nghĩ rằng mình sinh ra một đàn con, rồi có một đàn cháu, mà bây giờ chúng nó đi đâu hết, sao không có đứa nào bên cạnh.
Ngay tối hôm qua, tôi rời bệnh viện lúc hơn bảy rưỡi, ngày nào cũng vậy, cứ sáng tôi vào và đến lúc đó là cháu tôi lên trực thay tôi. Tôi vừa phóng xuống cầu thang vừa nghe chói tai vì có một cô đang nói chuyện cùng mẹ cô ấy ngay tầng trệt, hình như họ chuẩn bị nhập viện hay sao:
- Má không chịu ăn thì con cũng bó tay, bây giờ đường huyết má bị tụt nghiêm trọng, bác sĩ nói coi chừng bị xuất huyết não. Con cho má ăn thì má nói con nói hung nói dữ cứ để má tự ăn, nên chắc má nhập viện xong lo cho má xong thì con cũng nhập viện luôn.
Tôi chạy xe trên đường mà những lời đó cứ mãi vang theo, người ta hay nói một bà mẹ có thể nuôi được chín người con, nhưng chín người con lại không thể nuôi nổi một bà mẹ. Tôi nghĩ đến muôn đời thì sẽ chẳng có đứa con nào có thể trả hết được chữ hiếu, cho dù có bên cạnh chăm ba mẹ ra sao. Vì với một người bình thường thì ngoài gia đình họ còn có công việc, còn có những lo toan đời thường, những bận rộn không tên, họ cũng ý thức cũng yêu thương ba mẹ. Nhưng không phải ai cũng có thể cận kề bên ba mẹ lúc ốm đau, và vì cuộc sống của ba mẹ ngày xưa khác với cuộc sống của các con bây giờ.
Tôi biết có những người nuốt nước mắt vì không thể lo được cho ba mẹ lúc tuổi già, chứ không phải họ không hiểu, vậy nên chữ hiếu muôn đời là rất rất xa, chẳng ai có thể chạm tới.
Những ngày này thật đặc biệt với tôi, vì cả ngày tôi có mặt trong bệnh viện với má, tối về còn lau dọn nhà cửa, nhưng cứ tranh thủ từng chút một để viết. Rồi cứ nghĩ mai sau khi mình già đi, lúc đó còn có ai bên cạnh, hay cũng chỉ mỗi mình tự lo cho mình, nên tôi cứ tâm niệm làm được chút nào hay chút đó.
Vậy mà cũng đã mấy năm tôi viết, cũng nhiều lắm rồi, không biết khi tôi già đi còn có thể viết được nữa không, hay lúc đó lại ngồi hoài niệm và cứ nghe cảm xúc của những ngày còn trẻ và những ngày chưa quá già lại ùa về.
Tôi nhìn những người già hôm nay để biết ngày sau tôi cũng sẽ già đi như vậy, mà trong rất nhiều những người già kia thì có ai đã viết nhiều không, khi họ còn trẻ ấy. Tôi chỉ thấy hiện tại họ đang phải điều trị những căn bệnh giống nhau và khác nhau của người già, những bước chân của họ đã chậm lại, tai họ đã không còn thính nữa, mắt họ đã mờ đi. Có lúc họ nhớ có lúc họ quên, tóc họ cũng bạc nhiều, có lúc họ uống thuốc còn nhiều hơn ăn, nhưng họ vẫn có lúc cười tươi và gương mặt rạng ngời hạnh phúc mỗi khi có con có cháu vào thăm.
Tôi viết và gởi đi, để mọi người được đọc được biết, để khi tôi về già lại đeo kính vào và biết đâu tìm đọc lại. Rồi cho dù có thế nào, cho dù tôi không còn viết nữa, thì tôi mong dù chỉ là một chút những điều tôi viết cũng sẽ được đọng lại trong tim mọi người, là lúc đó tôi ở một nơi rất xa nhưng lại đang ở ngay trong trái tim mọi người.
Những người già đang trong các bệnh viện kia hay những người già đang trong những ngôi nhà ở khắp nơi kia, nếu có thể được thì những người con người cháu hãy dành nhiều nhất những yêu thương cho họ và giúp họ được sống khỏe được sống vui với những tháng năm gần cuối cuộc đời.
Quy luật cuộc đời là vậy không ai có thể làm ngược lại. Như cái cây qua hồi xanh non sẽ đến lúc cây già, ai cũng có một thời tuổi trẻ say đắm thiết tha trong tuổi già của hôm nay. Và tôi tin những trái tim đang còn đập trong những người già vẫn luôn rất nóng với bao chuyện của cuộc đời, cho đến khi họ đi mãi.
Hãy dành thật nhiều yêu thương cho họ, những người già, những người thân của chúng ta và những người già xung quanh ta, mọi người nhé.
Tôi cũng muốn chuyển lời cảm ơn đến tập thể các bác sĩ y sĩ y tá và điều dưỡng của bệnh viện, họ nhiệt tình, chu đáo và tận tâm hết lòng với người bệnh. còn má tôi cứ hỏi đây là bệnh viện tỉnh hả con, và má cứ tấm tắc khen hoài là quá sạch sẽ, tôi cười, đúng là bói hổng có một cọng rác hay một hạt bụi.
Tôi đã trút hết vốn liếng của công việc cùng mọi người, ý tưởng thì có nhiều và sẽ không cạn nhưng hẹn ngày má tôi xuất viện tôi sẽ lại tiếp tục, còn giờ đây tôi đang rất ngấm cái rất mệt và rất đừ. Người ta nói một người thông minh sẽ biết giữ sức cho chặng đường dài, và tôi muốn làm một người thông minh.
Chúc mọi người một tuần làm việc thật hiệu quả