Những ngày tôi đã đi qua

Thứ tư - 05/07/2023 09:19
Sau này mỗi khi có dịp hay vô tình ngang qua những vùng quê những cánh đồng ở bất cứ đâu, thì ký ức về những ngày được lao động được trải nghiệm cùng hình ảnh cánh đồng khô cháy cứ hiện lên trong nỗi nhớ, những kỷ niệm về những bạn bè một thời những thầy cô một thời cứ rung lên trong tim.
***
Mọi người có thể hình dung như này: Một cánh đồng trơ trọi những rơm rạ bị sức nóng của mặt trời hun nóng đến cháy khô, và sát một bên là một cánh đồng lúa xanh mơn mởn như người con gái đến tuổi trăng tròn, và tôi. Cả lớp tôi ngày đó đã được lao động được học cách trồng lúa và được trồng lúa trong suốt hai tuần ở đó. Một vùng quê khá xa với thành phố, nơi lớp tôi được tham gia lao động và được trải nghiệm nhiều điều bổ ích.
Tôi không nhớ ai đã chọn nơi đó cho lớp tôi nữa, tôi chỉ nhớ thầy chủ nhiệm báo trước với lớp một tuần. Thầy còn nói sẽ có một thầy khác thay thầy đi cùng với lớp, vì thầy còn bận kế hoạch gì đó của khoa và còn giảng dạy ở nhiều nơi khác.

Đó là một sáng mùa hè rực nắng, cả lớp tôi háo hức lên đường. Chúng tôi tự đi bằng xe đạp, có một bác đứng sẵn đón chúng tôi, bác hướng dẫn chúng tôi chỗ ăn ở và tắm giặt vệ sinh rồi đi ngay. Tôi nhớ bác cười rất tươi và nói sinh viên cũng phải nên biết làm ra được hạt gạo cực khổ thế nào, để biết quý trọng sức lao động của người nông dân và chén cơm mình bưng ăn mỗi ngày.
Lớp tôi được ở trong một phòng rộng lắm, vì mười mấy bạn nữ ngủ chung với nhau mà, còn ba ông nam thì ngủ riêng một phòng nhỏ bên cạnh cùng với thầy.
Sáng đầu tiên, cả lớp còn ngái ngủ thì đã được thầy gọi dậy. Chúng tôi tự phân công ai sẽ nấu bếp ngày hôm đó, còn ai sẽ ra đồng cấy lúa, cứ tuần tự thay nhau như vậy. Giờ ngồi viết lại mà tôi vẫn còn cười, vì ngày đó tôi là một trong những người bị thầy la nhiều nhất về cái tội cấy lúa sai, mà từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có biết cấy lúa là gì đâu. Các bạn khác cũng vậy, nhưng các bạn tiếp thu nhanh hơn tôi, còn tôi cứ lóng nga lóng ngóng. Mà nhìn qua cứ tưởng là dễ lắm, vì tôi thấy cứ cầm lúa rồi cắm xuống ruộng là được ai biết đâu lại khó như vậy.
Thầy tôi nói tôi đúng là rất lúa, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tôi chỉ nhớ nhất cảm giác mát lạnh của đôi chân khi bị dìm sâu trong bùn, cứ bước đi bước nào là chân lại bị lún sâu vào bùn bước đó, nhưng tôi rất thích. Và cứ mỗi ngày được ra đồng được chính tay trồng nên những cây lúa tôi thấy thích làm sao, tôi nhớ hôm nào tôi cũng chọn ra đồng chứ không chọn ở nhà nấu cơm, rồi các bạn khác lại nhường cho tôi, vậy đó.
Nhưng sát bên cạnh cánh đồng mà lớp tôi lao động là một cánh đồng khác, tôi không rành lắm những chuyện của nhà nông, tôi chỉ nhớ đó là cánh đồng chỉ còn trơ ra những rơm rạ bị nắng đốt cháy. Thầy tôi nói vì người ta đã thu hoạch xong rồì nên cánh đồng mới vậy, rồi sau người ta sẽ trồng lúa lại cánh đồng sẽ lại xanh mướt như bên này, thầy chỉ nơi lớp tôi đang làm.
Tôi nghe thầy nói thì biết vậy, nhưng sao tôi cứ thích nhìn cánh đồng bên đó. Những gốc lúa chỉ còn trơ ra hình ảnh bị gặt hái rồi, giống như mọi người đã bỏ quên chúng vậy, nguyên cả một cánh đồng mênh mông mà giờ đây chỉ hứng chịu ánh nắng mặt trời như muốn thiêu đốt luôn, vì mùa hè năm đó mọi người gọi là mùa hè đổ lửa. Sau này mỗi khi có dịp hay vô tình ngang qua những vùng quê những cánh đồng ở bất cứ đâu, thì ký ức về những ngày được lao động được trải nghiệm cùng hình ảnh cánh đồng khô cháy cứ hiện lên trong nỗi nhớ, những kỷ niệm về những bạn bè một thời những thầy cô một thời cứ rung lên trong tim.

Tôi hiểu rõ hơn và thấm thía hơn nỗi cực nhọc của người nông dân chân lấm tay bùn, đúng như vậy luôn. Tôi hiểu rõ hơn những vất vả của người nông dân một nắng hai sương, những người được gọi là bán mặt cho đất bán lưng cho trời, và tôi hiểu luôn ý nghĩa của những bữa cơm mỗi ngày tôi ăn.
Đó là những ngày thật vui của cả lớp tôi, chỉ có hai tuần thôi mà tôi thấy cả lớp như được sát gần nhau hơn, đoàn kết hơn và yêu thương nhau hơn. Tôi nhớ những trận cười chí chóe và những nắm bùn được các bạn tung lên và bắn tóe vào nhau mà không đứa nào được giận. Mà sao ngày đó tôi nhớ không có khẩu trang, chỉ có nón mũ đội trên đầu thôi mà cũng chẳng đứa nào ngại nắng hay sợ nắng, cứ thích được ra đồng cho dù không biết mình làm có được không có đúng không, rồi hiệu quả công việc ra sao, chỉ thích được cùng bên nhau. Cứ đi từng dãy một, trồng hết một dãy rồi lại đi tiếp, vui lắm.
Có nhiều lần trong những bữa cơm các bạn vừa ăn vừa tám chuyện thì thầy lại nói to lên cho cả lớp cùng nghe. Thầy bảo sao không ai phát hiện ra là cơm chỉ mới tám rưỡi chứ chưa đến chín làm cả bọn cười quá chừng, mà đứa nào cũng mặc kệ. Sao cũng được, vì cơn đói đang đến nên nồi cơm hôm nào cũng sạch veo.
Buổi tối thì cả bọn nằm xếp lớp bên nhau trên chiếu chứ làm gì có giường, nhưng nền nhà được lau sạch rồi và có chiếu cho cả lớp ngủ. Những câu chuyện trên trời dưới đất, những tâm sự nhỏ to được các bạn to nhỏ đến khuya, cho dù hôm đó làm mệt như nào cũng chẳng đứa nào vào được ngay giấc ngủ.
Hình như sinh viên ngày nay được trải nghiệm theo một cách khác, không giống chúng tôi ngày đó chút nào. Tôi chỉ thấy rất trân trọng và yêu quý những trải nghiệm đó, với tôi đó chính là những bài học của cuộc sống tôi được học ngay trong chính cuộc sống đời thường chứ đâu phải trong sách vở. Những bài học mà các thầy cô đã chọn đã gián tiếp dạy chúng tôi ngày nào, để tôi biết những giọt mồ hôi nhỏ xuống trên cánh đồng kia sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Tôi cũng tin chắc các bạn tôi ngày đó cũng sẽ không quên. Dù bây giờ mỗi đứa mỗi nơi mỗi cuộc sống khác nhau, nhưng hai tuần lễ được đi lao động trồng lúa ở vùng quê đó sẽ còn mãi trong ký ức của chúng tôi.
Có điều này tôi không hiểu vì sao một vùng quê có cánh đồng lúa có rơm rạ bị cháy khô như vậy lại có những quả vú sữa chin mọng và ngọt ngào. Khi ngày cuối cùng chúng tôi chuẩn bị kết thúc đợt lao động và ra về thì có mấy chị mang đến mấy rổ vú sữa to, mấy chị nói là bán chứ không cho được vì đó là công sức chung của nhiều người. Đứa nào cũng háo hức mua, đứa mua nhiều đứa mua ít, ai cũng nói về làm quà cho ba má người than. Mà tôi nhớ mãi sau này má tôi vẫn cứ nhắc, má nói cái lần tôi đi lao động ở trường sao mang về vú sữa ngon quá má ăn mà nhớ mãi.

Chúng tôi tạm biệt nơi đó với nhiều luyến tíếc. Tôi nhớ đợt lao động đó đứa nào cũng được điểm cao giống nhau, và cao nhất là chúng tôi thấy yêu mến nhau nhiều hơn sau hai tuần được thật sự bên nhau. Suốt năm năm trời học đại học, chương trình học của chúng tôi lúc đó là năm năm, dù có rất nhiều ngày được bên nhau như vậy nhưng cũng chẳng vui bằng lần đi lao động đó.
Tôi cũng không nghĩ sau này tôi lấy chồng mà quê chồng tôi cũng là một miền quê, cũng là một vùng quê với nhiều những cánh đồng lúa bạt ngàn. Mỗi khi anh chở tôi về chơi thăm má tôi lại rất thích được ngắm nhìn và thích nhất là được hít thở mùi vị thơm thơm của lúa, và cộng thêm những mùi vị rất đặc trưng của những cánh đồng chỉ toàn một màu xanh làm tôi mê mẩn. Rồi tôi lại nhớ những trải nghiệm năm xưa, tôi lại nhớ cánh đồng bị khô cháy năm xưa mà thầy tôi nói sau này cũng sẽ xanh mướt lại nhanh thôi, đã cho tôi hiểu tôi quý và thương yêu những người nông dân lắm.
Tôi đã đi qua những ngày đẹp nhất của đời sinh viên những ngày đáng nhớ nhất, giờ khi đã xa rồi tôi mới được ngồi viết lại như này, những ký ức đã rất xa xôi lại sống lại trong tôi hôm nay. Tôi không biết các bạn tôi ngày đó có ai viết lại như tôi không, nhưng tôi biết tất cả sẽ không quên.
Những ngày tôi đã đi qua giờ là những kỷ niệm, tôi đã lớn lên đã già đi theo năm tháng, ai cũng vậy, chỉ có nỗi nhớ trong tôi luôn được đầy lên đầy lên mỗi ngày. nỗi nhớ này chồng lên nỗi nhớ kia, vì cuộc sống vốn là vậy, những gì đã qua thường hay gieo vào người ta những nỗi nhớ dù buồn dù vui, và tôi vẫn gặp lại các bạn tôi năm nào ngay trong nỗi nhớ.
Vậy nhé, những ngày tôi đã đi qua, tôi đang viết và sẽ còn viết nữa.

Tác giả: HẢI ANH - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm79
  • Hôm nay8,800
  • Tháng hiện tại181,657
  • Tổng lượt truy cập10,395,923
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây