Người chưa từng đứng thứ hai
Thứ ba - 27/07/2021 00:40
Ba mẹ ơi, thầy cô ơi, con muốn thoát khỏi cái bóng đó, cái bóng đầy hào quang rực rỡ mà mọi người đã phủ lên con mấy năm nay, con muốn được vô tư cười đùa cùng các bạn con ngoài sân trường kia. Sao không ai chịu hiểu cho con
***
Thùy Dương đứng tần ngần trước cánh cổng trường, các bạn cô gần như đã về hết, lòng cô thầm nói, tạm biệt nhé, tôi phải đi qua một ngôi trường khác, nhưng tôi sẽ tận dụng mọi lúc có thể để ngang qua đây nhìn thấy bạn.
Dương là niềm tự hào không chỉ của ba mẹ cô mà còn của các thầy cô trong trường, với những thành tích sáng chói ít ai đuổi kịp Dương, chẳng những về học tập mà còn trong những hoạt động khác của trường.
Kết thúc mười hai năm đèn sách ở những ngôi trường khác nhau, Dương vẫn giữ nguyên phong độ và khẳng định được khả năng xuất sắc của cô.
Thùy Dương được tuyển thẳng vào ngôi trường đại học mà cô mơ ước, một ngôi trường gần như chỉ tập trung những gương mặt gạo cội vượt bậc về lực học, thấp nhất cũng là học sinh giỏi mười hai năm liền, còn lại là giải này giải kia cấp thành phố cấp tỉnh cấp quốc gia.
Dương bước vào trường ngày đầu tiên với một chút niềm vui, một thoáng lo lắng và bỡ ngỡ.
Buổi học đầu tiên
Dương nhìn quanh trong lớp, cô đã biết trước nhưng vẫn cố tìm một ai đó thân quen, nhưng không có. Một giảng đường rộng thênh thang với toàn những gương mặt lạ hoắc, nhưng ai nấy đều sáng bừng niềm tin, Dương đoán các bạn cũng đang có suy nghĩ giống cô, bởi mọi người đều biết quá rõ, rằng xung quanh ta đây là những hào kiệt xuất chúng, phải cẩn thận không được xem thường.
Thầy giáo bước vào lớp mỉm cười thân thiện, thầy giới thiệu tên và bắt đầu ngay vào bài giảng. Dương nghĩ buổi đầu tiên chắc sẽ nhẹ nhàng, cô đã biết chương trình học ở đại học sẽ chẳng giống tí xíu nào ở cấp phổ thông và đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó, nhưng suốt buổi học, Dương thật sự bị sốc nặng, cô cố gắng gượng để vẫn ngồi được tại ghế khi thầy giáo bước ra khỏi lớp, còn đến gần nửa lớp lăn đùng ra ngất.
Thầy vừa giảng bài vừa viết kín sáu cái bảng trên tường, xong thầy lại xóa rồi lại viết kín sáu cái bảng, cứ như vậy cho đến khi buổi học kết thúc. Cả lớp dở khóc dở cười vì chưa quen cách học như vậy, chắc chắn mọi người đều có chung một suy nghĩ, học như vậy thì vận động viên chạy marathon còn chưa theo kịp, huống hồ sinh viên.
Vậy nhưng chính buổi học đầu tiên đó đã thắp lửa cho những sinh viên năm nhất như Dương, đã làm các bạn Dương bùng lên một quyết tâm trên con đường chinh phục ước mơ đang gần lắm trong tầm tay với. Những ngày sau đó, Dương làm quen với các anh chị lớp trên khi cô lân la trong sân trường, ở thư viện để tìm tòi những quyển sách mà cô cần và cô thích đọc. Dương nhớ có một chị đã nói với cô thế này:
“Các thầy cô yêu thương chúng ta lắm, chẳng ai ghét chúng ta cả, thầy cô chỉ đánh rớt chúng ta không thương tiếc nếu chúng ta không thật sự nỗ lực. Trường này là vậy đó em, bình thường thôi.”
Dương tranh thủ mọi lúc mọi nơi đọc và tìm hiểu thêm về những kiến thức liên quan đến ngành học của cô, có gì chưa hiểu Dương hỏi thêm thầy cô và các anh chị, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn cho Dương. Các bạn cô cũng không vừa, bên ngoài là chơi với nhau vui vẻ thân thiện nhưng kỳ thực bên trong tất cả đều ngấm ngầm một sự cạnh tranh nóng bỏng. Tuổi trẻ mà, lại là sinh viên, mà mãi sau này Dương vẫn không quên những ngày tháng đó, nhưng chính có cạnh tranh công bằng và luôn hổ trợ nhau cho bạn bè mình như lớp của Dương thì lại là một sự cần thiết không thể thiếu, giống như chúng ta phải uống nước mỗi ngày dù ít dù nhiều. Cạnh tranh dữ lắm, nhưng các bạn lại càng thân càng yêu mến nhau hơn.
Dương mang theo niềm tin và những cố gắng không mệt mỏi vào kỳ thi cuối kỳ đầu tiên. Các bạn Dương cũng vậy. Nhưng một lần nữa, Dương bị sốc. Dương có cảm giác đề thi chẳng ăn nhập gì với những gì Dương được học, vậy là tất cả sự chuẩn bị của Dương giống như bị trớt qướt.
Dương vẫn bình tĩnh đọc kỹ đề và làm bài với tất cả hiểu biết của mình
Kết quả thi cuối kỳ năm nhất, Dương không tin vào mắt mình, tên cô đang đứng ở vị trí đầu tiên của khoa. Các bạn xúm vào chúc mừng và bắt Dương khao chè, cô vừa cười vừa lấy điện thoại nhắn tin ba mẹ biết vừa nuốt vội nước mắt.
Học kỳ tiếp theo, năm học tiếp theo, vẫn vậy, cái tên Phạm Thùy Dương vẫn sáng chói ở ngôi vị đầu tiên không ai thay đổi được. Kể từ đó, thầy cô và các bạn Dương đặt cho Dương danh hiệu
“Người không chịu đứng thứ hai”
Rồi trường tổ chức văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo, nói là chào mừng nhưng thật ra là trường tổ chức thi để tìm ra những giọng ca xuất sắc nhất để bổ sung cho đội văn nghệ của trường, vì các anh chị trong đội đã tốt nghiệp ra trường hết rồi. Người đoạt giải nhất của cuộc thi sẽ được tặng danh hiệu Họa Mi như mọi năm.
Dương vốn có chất giọng từ nhỏ và cũng thích hát, cô đăng ký tham gia.
Mọi người xúc động khi Dương cất tiếng hát, cô hát Tình ca thật sâu lắng và da diết. Hôm đó ba mẹ Dương cũng có mặt, chắc cũng như Dương, ba mẹ cô nghĩ Dương tham gia cho vui, cho thoải mái nhẹ đầu hơn với núi kiến thức luôn đè nặng mỗi ngày, như một dịp để xả stress. Sau những tiết mục dự thi là một vở kịch vui do các anh chị năm ba biểu diễn, còn ban giám khảo đang họp bàn cho những quyết định giải thưởng.
Có hai thí sinh gần như sít sao về điểm số, là Dương và một bạn khoa ngoại ngữ, nhưng danh hiệu Họa Mi thuộc về Thùy Dương.
Một lần nữa, Dương bước lên ngôi cao nhất trong vỡ òa niềm hạnh phúc của ba mẹ.
Sau cuộc thi đó, mọi người lại gọi Dương bằng cái danh hiệu dễ thương kia.
Nhưng không một ai biết, Dương đang vô cùng áp lực và mệt mỏi.
Ở nhà thì ba mẹ luôn tự hào nhìn Dương, ba Dương vốn là một doanh nhân, công việc của ba là hay đi đây đó nên các mối quan hệ rất nhiều, những người bạn của ba mẹ biết Dương giỏi như vậy nên hay tấm tắc khen ngợi mỗi lần đến nhà chơi, ba mẹ Dương cứ vui ngất ngây với các thành tích học tập của cô nên dù không nói thẳng ra, nhưng Dương hiểu, cô không được phép dập tắt niềm vui đó của ba mẹ. Ba Dương từng ôm lấy cô mà nói chắc nịch:
“Con phải luôn vững vàng ở vị trí đó, ba tin chắc con làm được”
Rồi niềm tin của các thầy cô ở trường, nhất là thầy giáo chủ nhiệm lớp, giờ thì Dương chẳng còn là một con nhỏ bị lẫn trong vô vàn sinh viên đang ngồi dưới kia, cô đã quá nổi tiếng với cái danh hiệu bất di bất dịch đó trong rất nhiều những ánh mắt ngưỡng mộ và khâm phục của mọi người.
“Người không chịu đứng thứ hai”
Các bạn cô thi thoảng vẫn gọi Dương như vậy, nhất là trước khi bước vào mỗi kỳ thi, Dương biết các bạn chỉ đùa vui chứ không có ý gì khác, vì ai cũng cố gắng hết sức để bứt phá vượt được Dương nhưng mãi chưa bạn nào làm được. Dương sẵn sàng chia sẻ các bí quyết học tập mà cô biết cho các bạn, ở Dương có một điểm rất lạ mà ai cũng dễ dàng nhận ra, đó là đề thi càng khó thì Dương càng hoàn thành nhanh, chính cô cũng không hiểu vì sao như vậy, có lẽ với những dạng đề đó, cô thấy lực hút của đề thi như mạnh hơn khiến cô như được thăng hoa và quyết tâm trong cô như muốn nổ tung.
Một buổi sáng Dương đến trường
Chuẩn bị vào tiết học, bóng thầy giáo đã xuất hiện từ xa, một chị còn trẻ lắm chặn Dương lại ngay bậc tam cấp
“Chào em, chị là phóng viên báo Tuổi trẻ, chị muốn làm quen với em”
Dương thoái thác, cô nghĩ chị ấy muốn phỏng vấn gì đó như những người ở các báo đã từng gặp Dương
“Dạ em xin lỗi, em sắp phải vào lớp”
“Chị không phỏng vấn gì hết, em yên tâm, chị chỉ muốn được gặp trực tiếp em một lần vì chị ngưỡng mộ em, người không bao giờ chịu đứng thứ hai”
Dương đã định quay người vào lớp, nhưng câu nói của chị nhà báo đã làm Dương khựng lại. Cô nhìn chị và nói rất nhẹ nhàng
“Chị nói đúng, em là người không bao giờ chịu đứng thứ hai”
“Em rất tự tin, chị chúc em cứ tiếp tục như vậy”
“Cảm ơn chị, em là người không bao giờ đứng thứ hai, vì em luôn luôn đứng thứ ba thứ tư thứ năm thứ sáu và cứ tiếp tục như vậy, sau ba mẹ em, thầy cô giáo của em, các bạn em và mọi người”
Chị nhà báo cứng người chưa biết nói gì thì Dương đã cúi đầu
“Em xin phép vào học”
Dương đi vào lớp mà nghe lòng cô gào lên nức nở:
Ba mẹ ơi, thầy cô ơi, con muốn thoát khỏi cái bóng đó, cái bóng đầy hào quang rực rỡ mà mọi người đã phủ lên con mấy năm nay, con muốn được vô tư cười đùa cùng các bạn con ngoài sân trường kia. Sao không ai chịu hiểu cho con.
…
Trường lại tổ chức thi văn nghệ lần nữa, vẫn giải thưởng như cũ, ai đoạt giải nhất sẽ được tặng danh hiệu Họa Mi
Dương đăng ký thi, mọi người chúc cô giữ vững được danh hiệu đó. Dương mỉm cười cảm ơn, lần này cô sẽ hát bài “Đâu phải bởi mùa thu”
Ba mẹ Dương vẫn đến dự, không nói ra nhưng nhìn ba Dương vui như vậy, nghĩa là ba tin chắc Dương vẫn sẽ được gọi là Họa Mi.
Người bạn ở khoa ngoại ngữ năm nào chỉ đứng sau Dương một bậc với giải nhì, bây giờ cũng đầy quyết tâm giật lấy danh hiệu đó. Bạn ấy thi trước, khi bạn ấy kết thúc là cả hội trường vỗ tay vang dội, hai bạn nữa bước lên sân khấu rồi mới đến Dương.
Dương hát nồng nàn ca khúc mà cô vẫn thích, nhưng sau phần dạo nhạc chờ hát lần hai, Dương vào nhạc không khớp, cô vào bị trễ đến hai nốt nhạc, chuyện chưa từng có và không thể xảy ra với giọng hát như Dương. Ban nhạc đã rất nhanh điều chỉnh cho đúng với nhịp độ Dương đang hát, cả hội trường xôn xao, ban giám khảo nhìn nhau, ba mẹ Dương tái mặt còn bạn đoạt giải nhì lần trước thì ngạc nhiên nhưng cười tươi ra mặt.
Mọi người đều chắc chắn Dương đánh mất danh hiệu đó, và không hẹn mà cùng nhìn về người bạn khoa ngoại ngữ kia.
Xong phần thi của mình, Dương bước về phía bạn ấy, cô nhìn bạn đầy hạnh phúc dù chưa có kết quả cuối cùng, Dương chỉ nói
“Chào Họa Mi”
Người bạn bị bất ngờ nhưng cũng cười với Dương
“Họa Mi hát quá hay, mình bị xúc động mỗi khi bạn hát”
Đó là lần đầu tiên có một phá lệ cho giải thưởng, năm đó có đến hai gương mặt đoạt danh hiệu Họa Mi.
Dương không qua mắt được ban giám khảo, họ đã nhận ra cô cố ý vào sai nhạc và họ biết vì sao cô làm vậy.
…
Dương được đại diện cho mấy trăm sinh viên tốt nghiệp lên phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp đầy trang trọng
“Kính thưa các thầy cô, các quý vị đại biểu, các ba, các mẹ
Con thật xúc động ở giây phút này, đã bốn năm qua đi tại đây, con được trưởng thành được vững vàng như hôm nay là nhờ có ba mẹ, nhờ có thầy cô. Những bài học hôm qua sẽ theo con mãi trên đường đời sau này, càng chông gai càng thử thách con sẽ càng không được phép quên đi bài học lớn nhất, bài học của niềm tin.
Ba mẹ, thầy cô, ngôi trường này, đã cho con bài học vô cùng quý giá đó.
Tin ở chính bản thân mình.
Con và các bạn con đang ngồi dưới kia muốn dành cho các ba các mẹ các thầy cô của chúng con những cái ôm của lòng trân trọng và lòng biết ơn
Chúng con sẽ nhớ mãi ngôi trường này”
Dương nói mà nghe giọng mình như nghẹn lại. Cô cúi chào mọi người và cố kìm để không rơi nước mắt
Một mình Thùy Dương giữa sân trường ngập nắng, cô muốn lang thang lần cuối cùng nơi đây.
Chào sân trường, chào lớp học, chào những hàng cây, tạm biệt ghế đá thân thương đã giúp tôi dễ chịu sau những buổi học buổi thi căng thẳng.
Trường ơi, tôi sẽ rất nhớ
Tác giả: HẢI ANH - blogradio.vn