Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Thông điệp quan trọng nhất của bộ phim là dù có đi tới đâu, mỗi chúng ta đều phải đối diện với chính mình. Đất trời cho ta một chặng nghỉ, nhưng hành trình tìm kiếm bình yên nội tại không dừng lại ở khu rừng ngoài kia. Khu rừng thật sự mà mỗi chúng ta cần học cách chung sống, nằm sâu trong trái tim.
***
Điều gì xoa dịu đứa trẻ trong ta, nếu không phải cảnh trí quê nhà đã in sâu vào tâm khảm và hương vị của những món ăn đầu đời? Little Forest là tác phẩm điện ảnh chứa đựng những yếu tố ấy.
Tôi không hiểu một món ăn giản dị có thể mang ý nghĩa lớn thế nào với tinh thần con người, cho đến khi vào đại học. Xa nhà, để bắt kịp nhịp sống đô thị, tôi phải thay đổi toàn bộ thói quen ăn uống. Việc ăn trở nên mờ nhạt và thuần túy nghĩa vụ đến mức tôi đã sụt hẳn 5 ký lô chỉ trong vài tháng. Mùa hè sau đó, cuối cùng tôi cũng bắt được sợi dây liên kết ẩm thực với ký ức khi bổ đôi một quả dưa hấu bên ô cửa sổ tràn nắng. Phong vị ngọt mát lùa thẳng vào khứu giác, dẫn lối tâm trí tôi về những ban trưa xoãi người trên nền gạch hoa và ăn dưa cùng mẹ, lơ đãng ngắm nhìn thinh không lặng gió. Nỗi nhớ nhà bất ngờ xộc lên sống mũi, không tài nào xua đi được.
Trải nghiệm cá nhân ấy đã đưa tôi đến với phim Little Forest sau này. Chuyện phim kể về Ichiko, cô gái chọn từ bỏ thành phố phồn hoa để về lại vùng núi Komori và sống đời cô tịch. Hai phần phim gói gọn một năm của tự nhiên, bắt đầu trong mùa hè và kết thúc ở mùa xuân.
Mỗi mùa tiết lộ một mảnh nhỏ cuộc đời nhân vật bằng chuỗi tự sự cô đọng và những món ăn. Dù gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với dàn cảnh thiên nhiên đẹp như những áng thơ của miền Đông Bắc Nhật, có thể nói rằng, diễn ngôn điện ảnh chủ đạo của Little Forest chính là ẩm thực.
Thưởng thức bốn mùa
Little Forest được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên, gây tiếng vang lớn vào thời điểm ra mắt nhờ phong cách kể chuyện sáng tạo và độc đáo. Hành trình nội tâm của nữ chính Ichiko sóng đôi với hàng chục món ăn đậm đà bản sắc Nhật Bản, được thể hiện theo lối trần thuật của phim tài liệu. Mỗi món đều được giới thiệu tỉ mỉ từ khâu thu hoạch tới chế biến qua những cú máy quay cận cảnh, kèm theo đó là phần thuyết minh từ nhân vật. Có lẽ không ít khán giả khi xem Little Forest đã phân vân chẳng rõ đây là phim điện ảnh tâm lý hay ẩm thực? Câu trả lời chính là cả hai đều đúng.
Cấu trúc phim chia tách rõ ràng nhưng duy trì một nhịp đập xuyên suốt – bốn mùa ở Komori, nữ chính mỗi ngày đều gieo trồng, chế biến và thưởng thức những món ăn theo triết lý “mùa nào thức nấy”. Rất nhiều lần cô bày tỏ lòng trân quý với những tinh hoa núi rừng ban tặng, không lãng phí bất kỳ nguyên liệu nào dù. Như bao người dân Komori, Ichiko học cách chung sống dung hòa với đất trời, tự cung tự cấp và hạn chế phụ thuộc vào công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên ở đây trở nên khăng khít, bao chứa lẫn nhau như một lẽ tất yếu.
Khi độ ẩm tăng cao lúc giữa hè, Ichiko đốt bếp củi để hong khô và không quên tranh thủ ủ một chiếc bánh mì. Sang T=thu, cô quây quần cùng các cụ hàng xóm nhấm nháp vài lát khoai lang nướng. Mùa tuyết phủ cuối năm, cô mời những người bạn đồng niên tới nhà ăn bánh kem ba màu từ bí và đậu đỏ. Xuân về, cô được tận hưởng vị giòn ngọt của bắp cải trong vườn nhà. Diễn xuất nhập tâm của Ai Hashimoto giúp khán giả được hòa mình vào bầu không khí trong trẻo của Komori, nếm vị ngon thuần khiết của thực phẩm.
Thực tế, triết lý ăn thuận tự nhiên ấy được nhà Nghiên cứu Nông nghiệp Masanobu Fukuoka khởi xướng, có đóng góp rất lớn trong việc hình thành văn hóa ẩm thực của người Nhật đương đại. Trong cuốn Cuộc Cách Mạng Một-Cọng-Rơm, cụ cũng từng kể về những người trẻ tuổi tới và ở lại trên núi, thực hành việc làm nông tự nhiên, ăn thức ăn tự nhiên để nhận thức được mục đích sống tối thượng của con người.
Ẩm thực chữa lành trái tim
Tuy vậy, điều đặc biệt của Little Forest là phim không hề lý tưởng hóa cuộc sống thuận tự nhiên. Dù mạch phim hoàn toàn thiếu vắng cao trào và tưởng chừng yên ả, thực chất những chênh chao trong tâm lý nhân vật vẫn được lồng ghép tinh tế. Mỗi mùa ở Komori đều có ít nhất một cảnh Ichiko lẻ loi di chuyển giữa trùng điệp núi đồi và bạt ngàn cây cỏ. Tìm kiếm sự tĩnh lặng và đã đạt được điều đó khi bỏ phố về rừng, nhưng tâm hồn cô gái tuổi đôi mươi không hề phẳng lặng.
Ngay từ chặng đường đầu tiên của câu chuyện, khán giả đã hiểu rằng mọi kỹ năng sống của Ichiko là do mẹ truyền dạy. Khi mẹ bỏ đi, cô phải học cách chật vật xoay sở một mình. Ngôi nhà mẹ con cô ở được mô tả là biệt lập giữa rừng núi và những cánh đồng, dù dân làng tốt bụng, nỗi cô đơn vẫn luôn hiện hữu.
Hơn thế nữa, Ichiko còn không ngừng tự vấn về lý do thật sự khiến cô quay lại quê nhà. Cô tự thấy mình hèn nhát khi bám víu Komori để trốn chạy khỏi thực tế, bởi “những thói quen khi nhỏ rất khó bỏ”. Cô không dám đối diện với đời sống ồn ã bên ngoài vùng núi này, không dám rời khỏi nơi có ký ức cuối cùng về mẹ. Và nấu ăn chính là cách Ichiko trấn an bản thân.
Trong điện ảnh Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung, bữa ăn luôn chiếm vị trí quan trọng. Nấu và ăn là cách chúng ta chăm sóc, chia sẻ, truyền năng lượng cho nhau.
Tình yêu có thể đến từ bất kỳ đâu, nhưng căn bếp và bàn ăn là nơi năng lượng ấy được hâm nóng. Khi Ichiko mô phỏng những món ăn mẹ nấu, cô tái hiện tháng ngày có mẹ bên mình. Mùi vị càng giống năm xưa, hình bóng mẹ càng gần gũi.
Ẩm thực là lời giải cho mọi khúc mắc sâu kín trong Little Forest, là cách hai mẹ con trao đổi những thông điệp khó nói thành lời, là năng lượng tái sinh cả thể xác lẫn tâm hồn. Bằng việc thực hành những nghi lễ trong căn bếp mẹ để lại và vùi mình vào vòng tay ban sơ của thiên nhiên, Ichiko dần được tái sinh.
Xem những cảnh cuối phim, tôi không khỏi nhớ đến một điều cụ Masanobu Fukuoka đã cảm thán: “Chỉ cần sống gần gũi với cội nguồn của mọi thứ là đã thấy có ý nghĩa và có sự thỏa mãn căn bản rồi. Vốn dĩ cuộc đời là thơ ca”.
Thật vậy, Little Forest kể câu chuyện mang tính biểu tượng và thực tế về người trẻ Nhật trong thế kỷ 21. Trước những bước chuyển của thời đại, họ vừa phải nỗ lực định nghĩa bản ngã trong thế giới mới vừa loay hoay bảo toàn các giá trị tốt đẹp cũ. Mang sự bất toàn ấy, nhiều người tìm về với thiên nhiên để thanh lọc thân – tâm.
Thế nhưng thông điệp quan trọng nhất của bộ phim là dù có đi tới đâu, mỗi chúng ta đều phải đối diện với chính mình. Đất trời cho ta một chặng nghỉ, nhưng hành trình tìm kiếm bình yên nội tại không dừng lại ở khu rừng ngoài kia. Khu rừng thật sự mà mỗi chúng ta cần học cách chung sống, nằm sâu trong trái tim.
Tác giả: Theo Elle
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn