Khi thiện hóa ác - ác diệt ác. Sự bất đắc dĩ của con người hay sự báo thù méo mó của nhân cách

Thứ hai - 12/09/2022 00:20
 Cho tới bây giờ, đã gần 2 năm kể từ khi tôi đi tìm câu trả lời cho dấu hỏi bên trên, điều tôi nhận ra là việc làm của Tấm là không sai.
***
Hồi lớp 11, lớp chúng tôi có học bài Tấm Cám, một câu chuyện cổ tích quá phổ biến đến độ nhiều người còn thuộc lòng nó. Sau tiết đóng kịch của lớp, chúng tôi được cô giáo hỏi một câu mà tới tận bây giờ tôi còn nhớ mãi.
- Việc Tấm báo thù dã man theo cái kết dân gian xưa có đúng hay không?

Lúc đó câu trả lời của tôi là không, bởi tôi cho rằng việc Tấm báo thù như vậy quá sức tàn nhẫn và đó là sự tha hóa, méo mó của nhân cách. Cô Tấm hiền thục nết na như phần trước câu chuyện khắc họa đã biến mất, thay vào đó là một con người tàn nhẫn, không còn phù hợp để truyền tải thông điệp “ác giả ác báo”. Thế nhưng tôi bắt gặp rất nhiều ý kiến trái chiều với tôi, họ cho rằng việc Tấm báo thù là hợp lý, là cần thiết. Điều đó đã thôi thúc tôi lật lại những suy luận của bản thân, để tìm ra đáp án phù hợp nhất cho câu hỏi bên trên.
Sau khi đọc nhiều bài phân tích trên các trang mạng, tôi có thấy 2 luồng quan điểm trái chiều
Xin mời các bạn đọc qua 2 ý kiến sau để hiểu hơn:
Theo Đinh Gia Khánh, “trong truyện Việt Nam phải để cô Tấm trừng phạt Cám như vậy thì mới được chân thực”. Bởi vì “trong cuộc đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, cô Tấm nhất định phải rút ra được kinh nghiệm xương máu là nếu mụ dì ghẻ và con Cám còn sống thì chúng sẽ không để cho cô sống. Giữa hai cách xử sự sau đây, phải chọn lấy một: Để cho chúng sống rồi lại giết mình lần thứ năm, hay là giết chúng đi để có thể sống yên lành. Cô Tấm bắt buộc phải chọn cách thứ hai. Việc Tấm giết Cám và mụ dì ghẻ không hề làm giảm đạo đức của cô, làm giảm cái đẹp của hình tượng nhân vật”. Nhưng sau đó ông lại viết: “Tuy vậy, cô Tấm sẽ còn đẹp hơn nữa nếu cô không dùng những hình thức tàn khốc (giết bằng nước sôi, làm mắm thịt con cho mẹ ăn) để trừng trị bọn tội phạm…” (Đinh Gia Khánh, 1968, tr. 97 – 98).
Nguyễn Đổng Chi nêu lên trong bộ sách lớn, biên soạn công phu của ông qua nhiều năm, bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Ở tập 5 của bộ sách này, trong phần thứ ba nhan đề Nhận định tổng quát về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, ông viết: “Trong truyện cổ tích Việt Nam cũng không phải là không có những yếu tố “ác”, – những cách xử lý sát phạt và những kết cục khốc liệt cho nhân vật – chẳng hạn truyện Rạch đùi giấu ngọc (số 159) hay truyện Tấm Cám (số 154); nhưng cái ác trong kết cục Tấm Cám – một hành vi trả đũa có phần hả hê nhưng cũng gớm ghiếc – lại gần như là một motif du nhập từ ngoài tới chứ không phải “nội sinh”. (Nguyễn Đổng Chi, 1993, tập 5). Theo ông sở dĩ như vậy là vì “tính chừng mực về “độ” là một nét trong tâm lý của dân tộc chúng ta…, nghệ thuật truyện cổ tích Việt Nam không cho phép đẩy tình tiết tới những kết cục không có hậu” (Nguyễn Đổng Chi, 1993, tập 5).

Cho tới bây giờ, đã gần 2 năm kể từ khi tôi đi tìm câu trả lời cho dấu hỏi bên trên, điều tôi nhận ra là việc làm của Tấm là không sai. Sau nhiều lần bị giết hại, chẳng ai có đủ sự vị tha để không nổi giận với hành động của mẹ con Cám cả. Và trên cả, nó thể hiện ý nguyện của nhân dân về việc trừng trị cái ác. Thế nhưng, giống như quan điểm của Nguyễn Đổng Chi, cách trả thù của Tấm mang yếu tố “ác”, một hành vi gớm ghiếc, méo mó nhân cách.
Có một câu nói trong bộ phim mà tôi rất thích, đó là “kẻ ác tiêu diệt kẻ ác”. Đôi khi chính nghĩa không thể thắng được hung tàn, bởi có những rào cản nhất định về đạo đức. Chúng ta vẫn có thể thấy những tên giết người, hiếp dâm,... vẫn được sống, hoặc ít nhất là tồn tại dưới sự “bảo vệ” của nhà tù. Dẫu cho có hàng trăm câu chuyện truyền tải thông điệp “chính nghĩa tất sẽ tới, dẫu cho có muộn”, nhưng muộn tới bao giờ? Tới khi mọi thứ đã an bài, kẻ ác đã đạt được tham vọng của chúng. Câu hỏi đặt ra lúc này là chính nghĩa tới thì có còn ý nghĩa gì không?
Thiện hay ác tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhưng có những việc làm mà ta chẳng thể chấp nhận nổi như hành vi trả thù của Tấm. Liệu đối mặt với những tình huống như vậy, chúng ta có thành kẻ ác? Liệu tôi và bạn, chúng ta có còn giữ được phần người hay không?

Tác giả:  Blue - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập181
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay9,162
  • Tháng hiện tại195,389
  • Tổng lượt truy cập10,409,655
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây