Gió mùa xưa cũ (P1)

Thứ ba - 23/03/2021 00:09

An nhìn dòng kênh chầm chậm lôi kéo từng đám lục bình lớn trôi xuôi, những mệt mỏi tích tụ bao ngày qua chầm chậm được kéo ra khỏi đầu An. Mọi chuyện dần tách bạch, khúc chiết như chuyện người dưng.

***

Chiếc xe tấp vào bên lề đường quốc lộ, bên cạnh là con đường nhỏ mang hơi thở thôn quê. Thị trấn nhỏ vắt ngang đường quốc lộ, từ đó rẽ nhánh chân rết thành hai mươi mấy cái chân đổ vào các xã, ấp nông thôn mới, văn minh, hiện đại, đường quê trải nhựa hoặc tráng xi măng đảm bảo sạch sẽ, tinh tươm.

Nhã An – lưng đeo balo bự, túi xách đeo chéo phía trước, bước xuống xe. Cô chỉ cần cuốc bộ dọc theo con đường quê sẽ tới nhà, chỉ tầm mười lăm phút đi bộ.

Chuyến xe đêm đưa cô về tới quê vào sáng sớm, nắng sớm rải thảm lên con đường về nhà, vàng tươi, óng ả. Chim chóc từ các tán cây trong vườn ríu rít gọi nhau, An nhớ đến hình ảnh chú chim sâu cần cù đi tìm sâu buổi sáng được tả trong sách tập đọc hồi tiểu học, không tự chủ cười cong mắt, vừa đi vừa chăm chú tìm kiếm bóng dáng các anh hùng lao động nông nghiệp kia.

Cô gió vào sáng sớm trong lành, tâm tình thư thái, “vuốt” nhẹ lên tóc, lên má, lên mắt An. Trái tim hẫng một nhịp. Thật nhớ quê quá mà. An lập tức dùng mắt làm ra đa, phóng tín hiệu tìm kiếm xung quanh. Kia rồi, cách gần trăm mét phía sâu trong vườn là một cây xoài cổ thụ, tán lá rộng đang tự hào khoác một chiếc áo bông màu vàng ruộm, đúng vụ bông mới nở còn vàng tươi, ánh nắng mặt trời ướp thêm cho chiếc áo bông một màu vàng rực rỡ, phía sau là khoảng trời xanh trong vắt làm nền, hương xoài thơm dịu tràn đầy trong gió đánh thẳng vào tâm hồn già cỗi của đứa con gái tha hương cầu thực vừa về. 

“Tách! Tách! Tách” An lấy điện thoại ra chụp liền tay. Cảm thấy nếu như ông Steve Job hay nhà khoa học công nghệ nào đó sáng tạo ra được khả năng lưu giữ mùi hương khi quay video thì giải Nobel trao cho họ là không cần bàn cãi. An muốn giữ cả mùi hương này lại làm của để dành, để dành an ủi cho nỗi nhớ quê, cho kỷ niệm tuổi thơ, cho ai đó chưa từng được thưởng thức hương xoài dịu mát.

hương_xoài

Sau mười phút đứng chôn chân tại chỗ thưởng thức hương xoài, cuối cùng An đã bị phát hiện.

“Ai như An, con chú Năm phải không con?” 

Cô Thúy, hàng xóm gần nhà của An, lên tiếng, từ sâu trong vườn bước ra, trên tay là buồng chuối mới chặt.

“Dạ, con An ạ. Con chào cô, con mới về tới ạ!”.

An hơi ngại ngùng khi gặp mặt hàng xóm vì lâu quá chưa về. Lần nào về An cũng rơi vào tình trạng người quen người không, thiệt là khó xử. Sao ai cũng biết An mà An chẳng nhớ rõ ai hết.

“Ừ. Con lâu quá mới về ha. Dạo này thấy mập mạp, khỏe mạnh hơn đợt trước về đó”.

Cô Thúy đứng sát hàng rào nói chuyện, giọng thân tình rổn rảng làm cho chút ngại ngùng của An bay đi mất.

“Chiều rảnh qua nhà cô chơi nha, cuối tuần nên gia đình con Đáo cũng sẽ về nữa đó!”

“Dạ, con cám ơn cô. Chiều rảnh con qua ăn ké nữa nha cô”. 

An híp mắt cười.

“Giờ con về ạ”.

An cầm lên chiếc ba lô lúc nãy vừa đặt xuống ném bên chân. Những mệt mỏi dường như cũng đã được gột sạch khỏi tâm hồn, để lại cho An những bước chân nhẹ hẫng, thong dong.

Nhà An cách nhà cô Thúy ba căn. Chòm xóm thân quen lâu năm, sống với nhau đúng nghĩa câu tục ngữ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Đám con cháu lứa của An lớn lên thân hơn anh em ruột trong nhà, chơi chung, học chung, thậm chí qua nhà nhau ăn ké buổi cơm là chuyện bình thường. 

xoài

Kim Đáo – con gái cô Thúy với Nhã An là bạn nối khố từ lúc biết đi đến giờ. Kim Đáo hơn An vài tháng tuổi, lại được thừa hưởng di truyền nổi trội của gia đình, từ nhỏ đã lớn hơn An một vòng ngang dọc, thuận tiện tự coi mình như chị lớn bảo bọc Nhã An- khi còn bé có biệt danh “cò hương còi xương”. An nhớ ra lần cuối liên lạc với Kim Đáo cũng đã lâu lắm rồi là dịp An về quê dự đám cưới bạn của cả hai.

“Bố mẹ, con mới về!” An từ cổng bước vào, gặp bố mẹ đang ngồi ăn sáng trên bộ bàn đá ngoài sân.

“Ừ”- Bố, tác phong quân đội, giữ đúng phong cách lạnh nhạt không cảm xúc.

“Về sao không báo với mẹ một tiếng. Đã ăn gì chưa?” - Mẹ, tác phong nội trợ, giữ đúng phong cách quan tâm rất vừa phải.

“Bớt việc nên con tranh thủ xin nghỉ phép vài ngày”.

An vào trong phòng, vừa trả lời, vừa soạn đồ từ ba lô ra. Thay ra bộ đồ ở nhà thoải mái, An ra sau nhà rửa mặt, thuận tiện ngó ngang ngó dọc mảnh vườn nhỏ phía sau nhà. Nhà An không trồng cây ăn trái, chỉ có một khoảnh vườn vừa đủ trồng ít rau ăn. Mấy năm sau này, rảnh tay con cái, mẹ có thú vui chăm chút vài loại hoa xung quanh nhà, bố có sở thích uốn trồng vài cây mai chấn thủy, nguyệt quế, bông trang và đinh lăng. Tính cách ưa an tĩnh, không bon chen của An thừa hưởng hoàn hảo từ bố mẹ, chỉ tăng không giảm theo thời gian.

“Trong nhà có rau má với trứng, con ăn mì không để mẹ nấu?” Mẹ hỏi với ra sau, trên tay là cái nồi nhỏ và hai quả trứng.

“Mẹ để đó đi, con nấu cho”. An hí ha hí hửng quay vào.

“Có muốn ăn gì không để bố đi chợ mua luôn?”.

Từ dạo bố nghỉ hưu, mẹ thoái ẩn giang hồ, giao luôn chức trách đi chợ cho bố. Bố hàng ngày vào buổi sáng vẫn đi loanh quanh thị trấn uống trà , đánh cờ, đàm đạo với mưu sĩ đồng hương, tiện tay cầm làn đi chợ, không ý kiến với chức trách được giao. Theo năm kinh nghiệm, khả năng đi chợ của bố bây giờ đã đạt mức không cần mẹ đi cùng, cũng không cần dặn dò gì nhiều, vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng, tiết kiệm.

“Con thèm bao tử luộc mà giờ trễ quá, sợ ngoài chợ không còn”.

An vừa bật bếp vừa láu cá nghĩ ngợi “Thôi, mẹ nói bố mua gì cũng được ạ, gì con cũng thèm”. 

nau-an-4n

Không ngoài kỳ vọng, bữa trưa của nhà An đảm bảo nịnh bợ hoàn hảo cái bao tử háu ăn của cô với các món đậm truyền thống gia đình. Yêu bố mẹ nhất trên đời.

“Lốp bốp…tách tách…” Tiếng lửa củi trúc cháy nổ giòn như pháo, ngọn lửa bùng lên, phả lên gương mặt bốn đứa nhóc loai choai mười một, mười hai tuổi.

“Ê, tui góp sáu trái chuối với 2 củ khoai”- Là tiếng của con Đáo.

“Tôi góp củi, chiều tôi đi gom chỗ mấy bụi tre phơi rồi”.

An lên tiếng, mắt hấp háy chực chờ ném khoai và chuối vào đống lửa.

“Hai bà xê xa ra, để tôi châm thêm củi này vào, chứ mấy cái củi tre của bà, xíu nữa nó tàn rồi, không có than đâu mà nướng khoai với chuối”

Đông - thằng con trai đầu trò cắm trại mấy bữa nay, hào hứng thể hiện quyền chỉ huy kiêm chạy chương trình.

Thằng Long, em trai nó vừa mới bưng rổ củi mạt gỗ lén trộm của nhà ra. Thằng bé hiền khô, thường xuyên là đối tượng bị ông anh xỏ mũi đi làm chuyện kinh thiên động địa: trộm xoài ở vườn nhà bà Tư hàng xóm, chặt trộm chuối để làm bè thả sông bơi, đại diện đám nít ranh đi xin phép cha mẹ đi chơi long rong. Thằng bé xinh xắn, dễ thương, học giỏi trước tuổi, vô tình ngồi học chung với ông anh và hai bà chị hàng xóm, đúng hình mẫu “con nhà người ta” bây giờ, chả trách thằng anh hai thường xuyên lợi dụng thanh thế.

Bên trong rổ còn có bốn trái bắp sống, thằng bé mắt long lanh “Hồi trưa em ra sau nhà thấy bắp lớn lớn rồi, thế là em xin mẹ mấy trái, thấy em giỏi chưa?” Cảm giác có hai cái tai đang vẫy điên cuồng trên đầu thằng bé.

“Woa, giỏi!” Đáo hào phóng khen ngợi “Em cứ phát huy đi, đừng như ông anh vô tích sự của em”.

“Gì? Tôi nói không đúng hay sao mà liếc tôi? Ông thử coi nãy giờ ông góp cái gì hả? Hả?” Đáo, sợ làm hổ thẹn cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho, đáo để hết phần đám nhóc trong xóm.

“Hừ! Tôi...tôi đào hố để đốt lửa nè” Đông chống chế.

“Cái hố này đào ba bữa trước rồi nha ông, ông giỏi giành việc ghê luôn à”.

bắp

An và Long không hẹn cùng phá ra cười. Mỗi lần nghe Đáo và Đông cà khịa nhau, hai đứa đều như coi phim hài, nhất là gương mặt của Đông sẵn vẻ hài hước bẩm sinh, nhìn sao cũng thấy thiếu nghiêm túc.

Đầu hè này chuẩn bị lên cấp hai, bốn đứa trong xóm chơi chung từ mẫu giáo, học chung lớp cả cấp một, bắt đầu lo lắng sắp phải xa nhau. Không biết xem ở đâu, thằng Đông khơi mào đốt lửa cắm trại.

Tính từ đầu xóm đi vào, nhà của Đáo kế bên nhà của Đông và Long, cách bên nhà bà Tư, rồi đến nhà An. Bốn hộ gia đình luôn yêu thương, giúp đỡ nhau. Bọn trẻ không cần làm gì cũng tự chơi, tự thân như anh em trong nhà.

Xóm nhỏ của An, một bên là nhà, một bên là con kênh nhỏ dẫn nước tưới tiêu. Con kênh rộng chừng mười mét, mùa mưa nước dâng xâm xấp mặt đường, trò chơi phổ biến nhất là trốn ngủ trưa đi câu cá. Mùa hè nước cạn gần đáy, mấy thằng con trai cởi trần quần đùi có thể ung dung lội ngang sông không ướt quần, trò hào hứng nhất là trốn ngủ trưa đi mò trai hến. Để nâng cao hiệu quả thủy lợi, nhà nước cho nạo vét con kênh, sắn múc sình đất đổ lên đường hai bên sông. Qua vài tháng sình lầy, bà con cùng chung tay san lấp bằng phẳng, đổ thêm đá mạt lên, đường trở nên dễ đi hơn.

Ở gần sát bìa đường không được phủ đá mạt vẫn là đất, thằng Đông cách đây ba ngày đã hì hục đào một cái hố nhỏ bằng cái tô cơm ở đó, khoảng giữa đoạn đường từ nhà bà Tư về nhà nó, làm công tác đốt lửa cắm trại.

Những đêm hè xưa cũ, tụi con nít thường ít tụ tập khuya do nhà ai cũng đóng cửa ngủ sớm. Đâu phải nhà ai cũng có ti vi hay có điện. Năm nay, bốn cô cậu nhóc lớn rồi, cha mẹ cũng không quản chặt nữa, chơi sao thì chơi nên mấy cô cậu mới có thể bày trò này ra, nhưng cũng dặn phải cẩn thận vì chơi lửa nguy hiểm mà.

“Hôm nay tôi kể cho mấy bà nghe câu chuyện này hay lắm…” Thằng Đông đã ném đau thương ra sau đầu, kiên định với vai trò đạo diễn, tiếp tục khởi động miệng, được cái Đông rất là dẻo miệng, lại hoạt bát, làm ai gặp cũng sẽ mến ngay.

“Tôi không nghe chuyện ma nữa đâu!”.

An mở to cặp mắt, tràn đầy lo lắng cắt ngang “Hôm qua về, tôi sợ không dám đi chỗ tối một mình luôn, bị mẹ tôi la quá trời la”.

đêm

Thằng bé khổ tâm không để đâu cho xiết, có được hai con bạn, một đứa dữ dằn như bà la sát, một đứa nhát cáy như con thỏ đế, tại sao hai đứa nó thân với nhau được vậy trời?

Thật ra, Đông và Long cũng ít khi chơi với hai cô bạn gái, tụi nó thường đi theo đám con trai trong xóm tham gia mấy trò con trai thôi: vặt trộm trái cây, leo trèo, bắn chim, bắt chuột, câu ếch, tạt lon, bắn bi, thả diều... Hừm, trò của con trai sao mà nhiều vậy chứ! Đến giờ Đáo vẫn rất ghen tỵ với giới tính nam ở điều đó. Đáo giỏi không kém tụi con trai nhưng kẹt con bạn yếu xìu như bún thiu bên cạnh nên nó phải kìm nén lại ít nhiều, đành phải tụ với đám con gái ít ỏi trong xóm chơi nhà chòi, nhảy dây, lò cò thôi.

Hè này, mấy đứa trong xóm tản mác về nội, về ngoại hoặc đã được đưa đi đâu đó chơi hết trơn còn rơi lại bốn đứa với nhau, bày mấy trò vận động thì thành ra còn chơi có ba đứa nên tụi nó đành chơi trò mang tính “trí tuệ” như trên, vô tình điểm xuyết ấn tượng và ấm áp cho cái sự “chào đón trưởng thành hơn” của cả đám nhóc.

“Tôi có cuốn truyện hay lắm, bố tôi mới mượn ngoài thư viện á” An rụt rè “Hay tui về lấy ra đọc nghe, truyện “Hoàng Tử Bé” nghe nói hay lắm”.

“Tối thui như vầy, bà thấy đường đọc không mới nói nha” Đáo thẳng thắn nhắc nhở.

“Được!” An khẳng khái trả lời.

Con bé ù ù chạy về nhà, len lén lúc bố mẹ đang bận xem chương trình thời sự VTV không chú ý, lấy cuốn sách ở đầu giường, chạy đi nhanh như gió. Con bé thấy cũng an ủi, hệ thần kinh vận động chắc không kiểm soát khả năng chạy của nó, hay tại nó nhỏ con?.

little-prince

Thế là bốn buổi tối tính từ hôm đó, cô bé An ngồi rù rì đọc truyện “Hoàng Tử Bé” cho chính nó và đám bạn chíp hôi của mình (Hoàng Tử Bé – Antoine de Saint-Exupéry). Rất lâu sau này, khi bước vào Đại học, khi bước chân đi làm, khi chia tay người yêu, mỗi lần về tới quê nhà, đứng trước con sông quê, cô bé An đôi khi lơ đãng nhớ về mùa hè năm nào. Cả một miền ký ức tuổi thơ phủ bụi thời gian trở nên mơ hồ, chỉ riêng ánh lửa bập bùng, bốn cái đầu bé con chụm quanh một cuốn sách thiếu nhi, mùi ngô khoai nướng nửa sống nửa chín là rõ ràng, tiếng nói tiếng cười trong veo cả một trời tuổi thơ cứ như đọng lại hết vào mấy đêm lửa đó.

An chưa bao giờ hỏi lại mấy người bạn của mình rằng họ còn nhớ mùa hè đó hay không. Nhưng với An, đống lửa trại “to lớn” đó như một mặt trời bé con chiếu sáng một khoảng tuổi thơ rụt rè, nhút nhát của cô. Ba người bạn bên cạnh chăm chú nghe giọng đọc không truyền cảm của cô, sau này chính là hình bóng cây kiềng ba chân vững chãi giúp An tự tin hơn khi đứng thuyết trình trước lớp Đại học hay khi trình bày vấn đề trong công việc. 

“Hoàng Tử Bé” đến mãi khi đi làm mấy năm An mới mua trong một lần dạo nhà sách. Khi đọc cuốn sách, An mới biết, An - mười hai tuổi  không nhớ gì về “Hoàng Tử Bé”, cũng không hiểu “Hoàng Tử Bé” nói lên điều gì nhưng An trưởng thành rồi đọc “Hoàng Tử Bé” mới cảm nhận sâu sắc tại sao nó chính là tác phẩm kinh điển. An ngưỡng mộ tác giả, tâm hồn của ông giống như một tấm bông mềm xốp, không thấm nước. Nó hoàn toàn không bị những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội vùi dập, xô đổ, cũng không thấm dính bất cứ độc hại, tính toán nào. Nó chỉ đơn giản thích nghi và vượt qua. 

An ao ước, tâm hồn mình sẽ học được điều gì đó từ “Hoàng Tử Bé”, sẽ không bị xã hội nhào nặn thành vô tình, độc ác, toan tính. An không được như ông hoàng nhỏ, nhìn hình chiếc hộp có thể thấy được cừu nhỏ bên trong (An không có khiếu về tưởng tượng và hình học), nhưng An có thể cảm nhận được nhịp tim khẩn trương của ông hoàng nhỏ khi nhìn thấy con cừu bé xinh, nhìn thấy được gương mặt xinh xắn lo lắng về cỏ non cho cừu bé.

-sach

Chiều nay, vốn không quen ngủ trưa, An lót dép ngồi ngoài tán cây lộc vừng cạnh bờ sông, chợt nhớ về mùa hè năm đó, nhớ về Hoàng Tử Bé, trái tim mềm mại đi rất nhiều, lớp mặt nạ tươi cười xã giao được treo lên từ khi đi làm, không biết từ lúc nào đã được gỡ xuống. 

An thơ thẩn nghĩ “Hoàng Tử Bé” được xếp vào dòng truyện thiếu nhi chắc vì nhân vật chính là ông hoàng nhỏ, chứ cuốn sách đó xứng đáng là kim chỉ nam tâm hồn cho hầu hết người trưởng thành chỉ bởi mục đích chân chính của cuốn sách là làm mềm hóa trái tim khô cằn và tâm hồn già cỗi của các nhân sĩ bao năm bôn ba mưu sinh, bon chen trong dòng đời và bị va đập đến biến dạng những suy nghĩ đơn thuần.

An nhìn dòng kênh chầm chậm lôi kéo từng đám lục bình lớn trôi xuôi, những mệt mỏi tích tụ bao ngày qua chầm chậm được kéo ra khỏi đầu An. Mọi chuyện dần tách bạch, khúc chiết như chuyện người dưng.

 

Tác giả: Tác giả ẩn danh - blogradio.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm129
  • Hôm nay9,701
  • Tháng hiện tại182,558
  • Tổng lượt truy cập10,396,824
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây