Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Bên cạnh chủ nghĩa tối giản (minimalism) đang rất được ưa chuộng hiện nay, nhiều người cũng tìm đến chủ nghĩa hữu dụng (essentialism). Dù có một số đặc điểm tương đồng với chủ nghĩa tối giản, chủ nghĩa hữu dụng cũng mang một số điểm đặc trưng.
***
Bên cạnh chủ nghĩa tối giản, chủ nghĩa hữu dụng cũng là một xu hướng sống mới được nhiều người ưa chuộng bởi những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Ngày nay, chúng ta dần trở nên bão hòa, thậm chí đau đầu với các tiện ích sẵn có, từ các vật dụng thường ngày đến những sự lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ… Sự vận động và phát triển liên hồi của đời sống khiến nhiều người cảm thấy choáng ngợp và bắt đầu tìm kiếm một lối sống đơn giản hơn.
Bên cạnh chủ nghĩa tối giản (minimalism) đang rất được ưa chuộng hiện nay, nhiều người cũng tìm đến chủ nghĩa hữu dụng (essentialism). Dù có một số đặc điểm tương đồng với chủ nghĩa tối giản, chủ nghĩa hữu dụng cũng mang một số điểm đặc trưng.
CHỦ NGHĨA HỮU DỤNG (ESSENTIALISM) LÀ GÌ?
Vào năm 2014, tác giả Greg McKeown ra mắt quyển sách đắt khách: Essentialism: The Disciplined Pursuit of Less. Đồng thời, ông cũng mở các lớp giảng dạy dành cho các cá nhân, tổ chức và các lãnh đạo lớn về nghệ thuật của chủ nghĩa hữu dụng.
Ông định nghĩa về chủ nghĩa này như sau: “Less but better” (tạm dịch: Ít nhưng chất).
Thực hành chủ nghĩa hữu dụng có thể đưa bạn rời xa thế giới xô bồ ngoài kia bằng cách điều hướng sự tập trung của bạn vào những điều thực sự quan trọng. Chủ nghĩa hữu dụng không giống với chủ nghĩa tối giản ở điểm bạn không cần phải cắt giảm những đồ vật mình sở hữu đến mức tối thiểu.
Chủ nghĩa hữu dụng giúp bạn quyết đoán hơn trong việc lựa chọn đâu là điều quan trọng với bản thân cần được giữ lại trong cuộc sống, đâu là điều không đáng bận tâm cần loại bỏ đi.
DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT SỐ LỢI ÍCH MÀ CHỦ NGHĨA HỮU DỤNG ĐEM LẠI CHO CUỘC SỐNG CỦA BẠN
HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG” NHIỀU HƠN
Một trong những lý do khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng và ngột ngạt là đồng ý với quá nhiều việc.
Nói lời đồng ý bao giờ cũng dễ dàng hơn nói lời từ chối, nhưng điều đó sẽ đưa bạn vào tình thế khó chịu khi phải chịu trách nhiệm với điều mà ngay từ đầu bạn không muốn vướng vào.
Hiển nhiên, sẽ có lúc bạn buộc phải đồng ý làm một số việc dù bạn không muốn như: đóng thuế, làm việc nhà, đi khám sức khỏe định kỳ… Nhưng chúng ta vẫn có quyền quyết định trong nhiều trường hợp, nếu đó là việc không cần thiết và bạn không muốn làm, bạn hoàn toàn có thể từ chối.
TẬP TRUNG VÀO ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CỦA BẢN THÂN
Ai cũng có những ưu tiên trong cuộc sống, nhưng rất khó để chúng ta chọn ra một “ưu tiên hàng đầu”. Chìa khóa của lối sống theo chủ nghĩa hữu dụng là hiểu được đâu là điều mình quan tâm nhất trong đời sống. Liệu đó có phải là gia đình, sự nghiệp hay sở thích của bạn?
Nhiều người không xác định được đâu là ưu tiên hàng đầu của bản thân trong cuộc sống, dẫn tới việc họ bị mất phương hướng và mất thời gian để thử và trải nghiệm nhiều thứ khác nhau.
Ví dụ, bạn là một nhà sáng tạo nội dung về chủ đề dinh dưỡng và điều bạn quan tâm nhất đó là làm sao có thể giúp đỡ thật nhiều người trở nên khỏe mạnh thông qua việc tạo ra những video hữu ích trên YouTube, Tik Tok… Vì đã xác định được điều bản thân ưu tiên là gì, bạn sẽ biết được mình nên lên kế hoạch trong ngày sao cho hợp lý và tránh bị xao nhãng bởi những nội dung liên quan hoặc không cần thiết.
KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY
Vì chủ nghĩa hữu dụng hướng sự tập trung của bạn vào những điều thật sự cần thiết trong đời sống, bạn dễ dàng kiểm soát công việc hằng ngày của mình.
Khi không biết đâu là điều mình thực sự muốn, bạn vô tình để người khác “làm chủ” cuộc sống. Ví dụ, trong các cuộc gặp mặt, bạn luôn để bạn bè quyết định nơi chốn và thời gian gặp mặt thay vì đưa ra đề nghị của mình. Hay tại môi trường làm việc, sếp và đồng nghiệp yêu cầu bạn thực hiện quá nhiều nhiệm vụ nhưng bạn lại đồng ý đảm nhận hết tất cả mà không đề xuất những phương án sắp xếp công việc phù hợp hơn…
Khi bạn nhận ra đâu là điều mình mong muốn, đâu là thứ quan trọng trong cuộc sống và chỉ tập trung vào những việc mang lại hạnh phúc cho bản thân, bạn sẽ thật sự làm chủ cuộc sống của mình.
ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU TỪ NHỮNG BƯỚC NHỎ NHẤT
Giám mục, nhà thần học người Nam Phi Desmond Tutu từng nói: “How do you eat an elephant? One bite at a time” (tạm dịch: Làm thế nào để “dọn dẹp” tất cả những hỗn độn? Giải quyết từng chút một).
Tất cả những mục tiêu và kỳ vọng của mỗi người đều bắt đầu bằng những bước nhỏ nhất. Nếu bạn đặt mục tiêu tiết kiệm được một triệu đô trong thời gian tới, bạn phải học cách tiết kiệm và đầu tư từ hôm nay. Nếu bạn muốn chinh phục một đường đua marathon, bạn phải tập chạy ngay bây giờ.
Mọi thứ bạn mong muốn đạt được đều hình thành từ những bước nhỏ đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại của bạn mỗi ngày.
Chủ nghĩa hữu dụng tác động và thay đổi tư duy của bạn theo chiều hướng “less is more” (Ít đi nhưng mang lại hiệu quả tốt hơn). Ví dụ, bạn yêu thích viết nhật ký và mong muốn duy trì việc này như một thói quen. Thay vì cố gắng viết hàng ngàn chữ một ngày, bạn có thể đặt mục tiêu viết khoảng năm câu một ngày. Việc này tuy không giúp bạn giãi bày hết mọi tâm tư trong ngày, nhưng nó giúp bạn duy trì việc viết nhật ký mỗi ngày, từ đó dẫn bạn gần hơn đến mục đích cuối cùng là hình thành thói quen viết nhật ký.
XÂY DỰNG THÓI QUEN TỪ NHỮNG ĐIỀU BẠN LƯU TÂM
Thói quen là động lực thúc đẩy bạn hoàn thành những đầu việc bạn đặt ra. Nếu bạn cứ mải chú ý đến việc của người khác, bạn sẽ khó có thể đạt được những mục tiêu của chính bạn. Ví dụ, thói quen mỗi ngày của bạn là sáng tạo nội dung, tập thể dục và đọc sách. Bạn sẽ có một ngày thật ý nghĩa và năng suất nếu bạn thức dậy và ngồi vào bàn làm việc với các ý tưởng trong đầu, tập thể dục khi đã hoàn thành lượng nội dung của hôm nay và kết thúc bằng vài chục phút đọc sách trước khi ngủ.
Có thể thấy, bắt đầu ngày mới với loạt thói quen và các mục ưu tiên được sắp xếp rõ ràng vừa giúp công việc diễn ra thuận lợi, vừa tốt cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của bạn khi bạn có thể kiểm soát được mọi thứ.
TẠI SAO LẠI LÀ “LESS IS MORE”?
Khi có quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta rơi vào tình trạng bối rối và không biết đâu mới là phương án thích hợp. Những người thành công luôn hiểu rõ bản thân mong muốn điều gì nhất, từ đó giới hạn những cơ hội hay sự lựa chọn xuất hiện trong cuộc sống của mình và đưa ra quyết định phù hợp và kiên trì theo đuổi quyết định đó.
Ví dụ, trước khi vào đại học, nhiều bạn trẻ có xu hướng rơi vào trạng thái hoang mang trước vô vàn lựa chọn về ngành học, về định hướng, về nghề nghiệp trong tương lai… Nhưng nếu hiểu rõ thế mạnh của bản thân và đâu là ngành nghề mình muốn theo đuổi, bạn sẽ dễ dàng giới hạn phạm vi lựa chọn, tìm ra ngành học cũng như trường đại học phù hợp để từ đó đầu tư thời gian, tài chính và công sức hợp lý cho tương lai sau của mình.
BÀI HỌC RÚT RA
Chủ nghĩa hữu dụng không thiên về vật chất như chủ nghĩa tối giản. Chủ nghĩa hữu dụng là một trạng thái tinh thần hướng bạn đến những điều quan trọng trong cuộc sống mà không để những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn.
Chủ nghĩa hữu dụng giúp bạn kiểm soát cuộc sống tốt hơn thông qua việc phân tích và đánh giá trước khi đón nhận bất kỳ cơ hội nào.
Cuối cùng, chủ nghĩa hữu dụng giúp bạn tập trung vào những gì bản thân thực sự muốn, những điều thật sự cần thiết để từ đó giới hạn những cơ hội, sự lựa chọn trong cuộc sống và đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân.
Tác giả: Theo Elle
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn