7 điều chúng ta học được từ nghệ thuật Kintsugi của người Nhật

Thứ hai - 22/08/2022 22:29

 Qua những chiêm nghiệm về kỹ thuật Kintsugi của người Nhật, ta có thể rút ra nhiều bài học về cách trở nên vững mạnh và kiên cường khi đối diện với các vết thương ở quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

***

Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng với nghệ thuật Kintsugi – tạo nên vẻ đẹp cho món đồ sứ từ chính vết nứt của chúng. Ngoài tính thẩm mỹ, nghệ thuật Kintsugi cũng cho ta nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống.

Kintsugi có thể hiểu theo ý nghĩa “kết nối bằng vàng”. Thuật ngữ này được dùng để chỉ kỹ thuật sửa chữa đồ sứ hoặc đất nung bị sứt mẻ hoặc vỡ bằng hỗn hợp trám trộn với vàng của người Nhật Bản vào thế kỷ 15. Ngày nay, ta có thể tìm thấy những món đồ này tại các viện bảo tàng, từ những người chuyên sưu tầm, hoặc trong những gia đình người Nhật thừa kế chúng như bảo vật gia truyền. 

Những đồ vật bằng gốm sứ bị vỡ được hàn gắn bằng một hỗn hợp phủ vàng không chỉ khiến chúng trở nên tinh tế, trang trọng hơn mà còn để lại những dấu ấn trường tồn mãi với thời gian. Trái tim và tâm hồn của con người cũng như vậy. Cuộc đời sẽ không ít lần khiến chúng ta gục ngã, nhưng thay vì hoài khổ với những thất bại và tổn thương, hãy biến chúng trở thành bài học để trui rèn và phát triển bản thân ngày một mạnh mẽ. 

Qua những chiêm nghiệm về kỹ thuật Kintsugi của người Nhật, ta có thể rút ra nhiều bài học về cách trở nên vững mạnh và kiên cường khi đối diện với các vết thương ở quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

nghe-thuat-kintsugi-nguoi-nhat_(1)

ĐỪNG NÉ TRÁNH QUÁ KHỨ

Quá khứ của bạn giống như những mảnh ghép, hãy nhìn lại, xem xét và tổng hợp tất cả mọi trải nghiệm. Nhìn lại quá khứ không phải để đau buồn về những vết thương đã cũ, mà để chúng ta trở nên mạnh mẽ và xây dựng phiên bản tốt hơn của bản thân. Bạn sẽ hiểu rằng, những tổn thương là điều tất yếu, nhờ có chúng, bạn mới thấy cuộc đời này trọn vẹn, mới thấy bản thân đã mạnh mẽ như thế nào sau mỗi bão giông. Hãy xem những trải nghiệm trong quá khứ là bài học, là sức mạnh hình thành nên con người của bạn hiện tại để từ đó mạnh mẽ hơn khi đối diện với những thách thức trong tương lai. 

HÃY ĐỂ THỜI GIAN CHỮA LÀNH NHỮNG TỔN THƯƠNG

Nghệ thuật Kintsugi cổ xưa của người Nhật sử dụng chất keo làm từ bột gạo hòa cùng sơn mài “urushi” (một loại nhựa từ cây sơn mài). Khi ở dạng thô, loại sơn mài này được cho là có chứa độc tố, nhưng sau khi khô lại trong một khoảng thời gian, chúng trở thành nguyên liệu hữu dụng trong việc kết dính và làm bóng đẹp đồ vật. 

Vị linh mục Thiên Chúa giáo người Tây Ban Nha – Saint John of the Cross –  từng nói: “Where there is no love, put love, and you will find love” (tạm dịch: Hãy gieo tình yêu vào nơi không có tình yêu, và con sẽ tìm thấy tình yêu ở đó). Nếu chúng ta dung dưỡng những vết thương xúc cảm bằng lòng vị tha và tình yêu, theo thời gian, chúng sẽ được chữa lành, trở thành sức mạnh, dấu ấn gợi nhắc chúng ta về sự mạnh mẽ, kiên cường để và từ đó giúp chúng ta bước tiếp trên cuộc đời với tâm thế nhẹ nhàng và bình yên hơn.  

bai-hoc-tu-nghe-thuat-kintsugi-cua-nguoi-nhat-alex-shaw-unsplash

KHÔNG AI THẬT SỰ HOÀN HẢO

Trong khi sửa chữa các vật dụng bằng sứ với kỹ thuật Kintsugi, những nghệ nhân người Nhật đôi lúc nhận ra rằng một vài món đồ bị thiếu mất một mảnh vỡ. Khi ấy, nghệ nhân có thể tạo một mảnh ghép khác từ hỗn hợp bột đá và sơn mài. Loại bột đá được sử dụng được gọi là “tonoko”.

Con người cũng vậy, trên thực tế, không ai trong chúng ta thật sự hoàn hảo. Mỗi người đều có khiếm khuyết, đều có những nhu cầu không được thỏa mãn trong cuộc sống. Cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Để sống an yên, hạnh phúc hơn, chúng ta nên học cách chấp nhận sự bất toàn của chính mình, hài lòng với những gì mình đang có và lấp đầy những thiếu sót bằng bài học và trải nghiệm. 

HÃY ĐÓN NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ TỪ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH

Sẽ có lúc bạn phải đối mặt với những khoảnh khắc đau buồn khiến sức khỏe tinh thần của bạn giảm sút, nhưng hãy luôn nhớ rằng bạn không hề cô đơn. Đôi khi, áp lực và phiền muộn có thể khiến bạn nghĩ rằng sẽ không ai đến và giúp đỡ bạn, rằng bạn không muốn trở thành gánh nặng của họ, rằng bạn không muốn ai cảm thấy phiền phức vì những vấn đề của bạn. Nhưng thực chất không phải thế. 

Trong nghệ thuật Kintsugi của người Nhật, thỉnh thoảng nghệ nhân có thể lấy mảnh vỡ từ một món đồ khác để sửa chữa món đồ này và ngược lại. Việc đó giúp các món đồ trở nên độc đáo hơn, đặc biệt hơn và chắc chắn là hoàn thiện hơn. Những vết thương lòng của chúng ta cũng vậy.  Đôi khi, chúng ta cũng cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh để được xoa dịu và chữa lành sau những thương tổn trong cuộc đời. Khi gặp vấn đề, đừng ngại chia sẻ với người thân hay những người bạn thân thiết mà bạn tin tưởng, cho phép mọi người lắng nghe và thấu hiểu để bạn không phải đơn độc chịu đựng những nỗi đau, để thấy rằng bản thân có giá trị ra sao với những người thật sự trân quý mình.  

 

bai-hoc-tu-nghe-thuat-kintsugi-cua-nguoi-nhat-alex-shaw

KIÊN TRÌ

Với Kintsugi, các mảnh vỡ được ghép nối với nhau bởi chất keo dính đặc biệt, ở mỗi lần kết dính như thế, các mảnh vỡ cần thời gian để chất keo được khô hoàn toàn mới có thể dính liền lại với nhau. Việc này cho ta bài học về sự nhẫn nại từ chính sự điềm tĩnh và kiên trì của người nghệ nhân thực hiện Kintsugi. Khi điềm tĩnh, bạn có thời gian để suy ngẫm về ý nghĩa của những sự việc đã qua và bài học bạn nhận được từ chúng. 

“THỞ” LÀ CHÌA KHÓA

Khi dán các mảnh vỡ lại với nhau, chất nhựa kết dính cần thời gian để “thở”, khô và rắn lại. Chúng ta cũng thế, ai cũng cần một khoảng nghỉ trong lúc làm việc, để đón lấy không khí trong lành và tĩnh tâm hơn. “Thở” cũng có nghĩa là một giấc ngủ trọn vẹn, giúp chúng ta nạp lại năng lượng và cho phép cơ thể tự chữa lành sau những giờ phút mệt mỏi. Bạn cũng có thể hiểu “thở” theo nghĩa đen, là dung nạp một lượng oxy mới vào cơ thể thông qua các hoạt động rèn luyện thể chất. Khoa học đã chứng minh việc thường xuyên rèn luyện thể chất có thể giúp hạn chế lo âu, giúp tinh thần mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. 

TRẢI NGHIỆM CỦA BẢN THÂN CÓ THỂ GIÚP ÍCH CHO NGƯỜI KHÁC 

Bạn có biết những mảnh vỡ trong kỹ thuật Kintsugi đôi khi còn được sử dụng trong hội họa? Để làm được điều này, những nghệ nhân sử dụng sơn vàng để lồng ghép các vết nứt vào nhau, tạo nên một bức tranh tổng hòa tuyệt đẹp. Trong cuộc sống, có những người đã từng đối diện, vượt qua biến cố của cuộc đời và sử dụng những kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ những người đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Những kinh nghiệm sâu sắc đúc kết được từ những trải nghiệm đau thương không chỉ giúp bạn hoàn thiện chính mình mà còn có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ rút ra bài học để họ bước tiếp một cách vững vàng hơn.

 

Tác giả: Theo Elle

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập44
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm38
  • Hôm nay11,881
  • Tháng hiện tại198,108
  • Tổng lượt truy cập10,412,374
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây