Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Cảm xúc tiêu cực có thể trở thành vật cản, cũng có thể trở thành đòn bẩy tùy vào cách chúng ta kiểm soát và làm chủ chính mình. Cách bạn phản ứng sẽ quyết định cách bạn thành công.
Mika Nakashima, một nữ ca sĩ nổi tiếng của Nhật Bản, được mệnh danh là "ca sĩ trời sinh". Nhưng không phải ai cũng biết được rằng, cô đã từng bị trầm cảm do mất thính lực.
Trong thời điểm nghiêm trọng nhất, cô ấy chỉ có thể dậm chân, thậm chí là chạm vào loa để nhận ra nhịp điệu bài hát. Tại buổi concert năm 2015, bài hát “Tôi cứ ngỡ mọi chuyện đã kết thúc” đã được cất lên bằng cách đó. Cô nghẹn ngào: “Dù là bệnh tật đau đớn bên ngoài hay tâm lý tiêu cực bên trong đều không thể tiêu diệt ý chí của tôi".
Mỗi lần xem lại đoạn clip này, người ta đều không khỏi xúc động và nhận ra rằng: “Trong phần đời đen tối nhất, nếu không có ai sẵn sàng bước tới kéo mình ra khỏi vực sâu, hãy tự trở thành người đó.”
Nhân sinh không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đau khổ bất hạnh có thể ập tới bất cứ lúc nào, cùng với đó là những cảm xúc tiêu cực như muốn kéo chúng ta chìm vào bóng tối vô tận.
Tại chính thời điểm đó, hãy học cách đối mặt với bản thân và kiểm soát 5 loại cảm xúc tiêu cực của chính mình.
1. Cảm xúc hậm hực
Bất cứ cảm xúc nào cũng có hai mặt của nó. Sự hậm hực ức chế có thể dẫn tới stress, cũng có thể là một loại tín hiệu nhắc nhở chúng ta đang có vấn đề cần xử lý.
Giống như bị cảm thì uống thuốc, khi cảm xúc chúng ta có vấn đề, cần phát huy EQ để tiến hành tự điều chỉnh. Với những người phớt lờ vấn đề của mình quá lâu, chúng sẽ dần biến chuyển xấu, trở thành nhân tố tiềm ẩn hình thành bệnh trầm cảm. Ở thời điểm đó, chúng ta không thể tự điều chỉnh được nữa, có thể tận dụng sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý và trị liệu bằng thuốc.
Cho dù đó là vấn đề gì, điều chúng ta phải làm được chính là thẳng thắn đối mặt. Như cách mà Agatha Christie đã viết trong “Bản tình ca của Satan”: "Để thoát khỏi con quái vật đó, bạn đã bỏ chạy, không ngừng chạy, nhưng như vậy có kết quả sao? Thay vì quay lưng về phía nó, hãy dũng cảm xoay người mà đối mặt, có như vậy, bạn mới thấy rõ con quái vật đó có thực sự đáng sợ hay không".
Bất cứ cảm xúc nào cũng có hai mặt của nó. Sự hậm hực ức chế có thể dẫn tới stress, cũng có thể là một loại tín hiệu nhắc nhở chúng ta đang có vấn đề cần xử lý.
2. Cảm xúc lo lắng
Đây là thời đại “lo lắng toàn dân”, hầu như ai cũng mang trong mình ít nhiều trăn trở. Chúng ta luôn phải sống trong vô số điều kiện hiểm nguy, từ thiên tai, cho tới bệnh tật, rồi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn, thực vật biến đổi gen…
Trong quá trình hiểm nguy này, cảm xúc lo âu gần như mọc rễ trong lòng. Theo đó, tâm lý con người cũng dần nảy sinh sự tiến hóa. Có thể nói, sự lo âu đã trở thành một bộ phận được di truyền, giúp chúng ta không ngừng nỗ lực để phát triển chính mình, thích ứng với thời đại này.
Do đó, đối với những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, nguyên tắc xử lý chung chính là: Thẳng thắn thừa nhận, tìm ra nguyên nhân, đưa phương án giải quyết.
Chúng ta không việc gì phải phản ứng thái quá vì tâm lý này. Hãy nhớ rằng, đối tượng cần xử lý không phải “cảm xúc lo lắng”, mà là “vấn đề nguyên nhân”.
3. Tâm lý oán giận
Nếu để ý, trung bình mỗi ngày chúng ta có thể oán giận từ 1-5 lần, có những người thậm chí phàn nàn bức xúc luôn miệng từ sáng tới tối. Nếu oán giận ở mức độ quá thường xuyên, nó chỉ đem tới hại nhiều hơn lợi. Nhưng nếu xuất hiện với tần suất vừa phải, đây là dấu hiệu tích cực để nhắc nhở chúng ta.
Phải biết rằng, oán thán phàn nàn quá nhiều sẽ khiến chúng ta trở nên tính toán chi ly, không thể hiện được hết năng lực của mình. Những người bị kiểm soát bởi cảm xúc sẽ không còn đủ tinh thần để thực sự tập trung vào mục tiêu chính đáng của bản thân.
Mao Trạch Đông từng viết trong bài “Họa Liễu Á Tử tiên sinh”: “Lao tao thái thịnh phòng trường đoạn. Phong vật trường nghi phóng nhãn lường.”
Có thể hiểu rằng: “Lo nghĩ quá e rồi đứt ruột. Liếc mắt trông cho suốt sự đời.”
Đây chính là lời nhắc nhở cho thấy, sa vào tâm lý oán giận chỉ đem tới những tác dụng tiêu cực mà thôi.
Phải biết rằng, oán thán phàn nàn quá nhiều sẽ khiến chúng ta trở nên tính toán chi ly, không thể hiện được hết năng lực của mình. Những người bị kiểm soát bởi cảm xúc sẽ không còn đủ tinh thần để thực sự tập trung vào mục tiêu chính đáng của bản thân.
4. Cảm xúc ghen tỵ
Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Chu Du là nhân vật thông minh hơn người, tài trí siêu quần, nhưng lòng dạ hẹp hòi thích ghen tỵ. Cứ mỗi lần đụng độ với Gia Cát Lượng, chính tâm lý tiêu cực này đã khiến ông năm lần bảy lượt bày âm mưu hãm hại người tài, sau đó bị chính Khổng Minh tương kế tựu kế đánh trả cho thất bại thảm hại.
Ông ta ra đi trong vô vàn ấm ức và ganh tỵ khi hô lên: “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng.” Nhân vật Chu Du bắt đầu từ hại người, chấm dứt bằng hại mình.
Có thể thấy rằng, tâm lý ganh tỵ có thể khống chế khiến người ta tự đẩy mình vào nghịch cảnh.
Ngược lại, nếu biết kiểm soát chính mình, chúng ta lại có thể coi đây là một dấu hiệu để nhắc nhở những phương diện chưa đủ ưu tú của bản thân. Chỉ khi nào chúng ta có thể bình thản đối mặt với việc mình thua kém đối thủ, thì mới có thể dồn hết sức học tập, rèn luyện, phát triển tiến bộ hơn.
Như vậy, ganh tỵ cũng có thể trở thành đòn bẩy giúp chúng ta trưởng thành hơn. Nếu ganh tỵ với vóc dáng của người khác, hãy chăm chỉ đi tập thể dục. Nếu ganh tỵ sự thành công của anh em, hãy học hỏi cách làm và phấn đấu chăm chỉ gấp đôi họ.
Nếu sinh ra tâm lý ganh tỵ, hãy dùng nó để kích thích bản thân nỗ lực chứ đừng dùng nó để cản trở nỗ lực của đối phương.
5. Tâm lý hối hận
Sau mỗi quyết định sai lầm, tâm lý hối hận nảy sinh trong muộn màng vì ở đời không tồn tại hai chữ “giá như”. Tuy nhiên, sau những tổn thất đã xuất hiện, nếu kịp thời đền bù và thay đổi, chúng ta vẫn có thể hạn chế được những tổn thất ngày một nghiêm trọng hơn.
Phải biết rằng, hối hận cũng có giá trị riêng nếu biết cách kiểm soát. Hãy tận dụng sự hối hận để thay đổi tương lai chứ đừng chỉ tập trung vào quá khứ. Sai lầm không đáng sợ bằng việc chúng ta biết mình đã sai nhưng không biết cách hối cải và tìm cách thay đổi.
Mỗi một loại cảm xúc đều là kết quả của hành vi, chúng có thể trở thành vật cản kìm nén, cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy tính tích cực trong mỗi con người. Điều quan trọng mà ta phải làm mỗi ngày là học cách tự chữa lành vết thương, kiểm soát tâm lý và không bị nuốt chửng bởi cảm xúc của chính mình.
Tác giả: Theo Dương Mộc/Trí Thức Trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn