Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Hãy suy xét kỹ càng trước khi nói ra một điều gì đó. Một lời vô ý của bạn cũng có thể châm ngòi cho cơn tức giận của người khác. Nếu bạn đối mặt với những người đang cáu giận, hãy tránh nói 10 câu sau đây.***
Nếu như bạn không muốn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, hãy tránh xa những cụm từ này.
Con người không thể tránh khỏi những lúc tức giận, dù là với bạn bè, người thân. Không ai muốn nó xảy ra thường xuyên, nhưng bạn vẫn cần quan tâm đến cách hành xử khi nói chuyện với một người giận dữ. Lời nói khi giận gần như mất kiểm soát, chỉ một lời cũng có thể khiến mối quan hệ không thể hàn gắn.
Hãy suy xét kỹ càng trước khi nói ra một điều gì đó. Một lời vô ý của bạn cũng có thể châm ngòi cho cơn tức giận của người khác. Nếu bạn đối mặt với những người đang cáu giận, hãy tránh nói 10 câu sau đây.
1. “Bạn đang làm quá mọi chuyện lên” hay “Bạn quá nhạy cảm rồi”
Bạn có thể cảm thấy người đó đang phản ứng thái quá, sự việc không đến mức cần làm quá đến như thế. Nhưng, những lời này không phải là điều họ muốn nghe và cần nghe tại thời điểm đó. Nếu bạn dự định nói điều gì đó thực tế khi một người đang "nổi điên", xin thưa nó vô tác dụng!
Anisha Patel-Dunn, bác sĩ tâm thần và giám đốc Y tế tại LifeStance Health cho biết: “Ở một mức độ nào đó, những lời nói như thế có thể khiến họ phát sinh phản ứng tự vệ”. Nếu tồi tệ hơn, nó có thể được xem là gaslighting - cách dùng những thông tin sai trái, thiếu chính xác để thao túng người khác nhằm có được sức mạnh và sự kiểm soát.
2. “Tôi chẳng muốn quan tâm cho đến khi bạn bình tĩnh lại”
Thực ra, câu nói này xuất phát từ việc muốn tránh xung đột giữa hai bên. Nhưng, việc tránh giao tiếp là một cách không hiệu quả để làm dịu sự căng thẳng.
Tiến sĩ Patel-Dunn nói: “Khi bạn im lặng với người khác, ngay cả khi họ đang thất vọng hay trải qua cảm xúc gì đi chăng nữa, đó vẫn là một hình thức thao túng”. Việc ngừng tranh luận không phải cách tốt để đối phương bình tĩnh lại. Bạn vẫn có thể tiếp tục cuộc nói chuyện hay tranh luận nhưng hãy làm khi chắc chắn bạn đang nói đúng.
3. “Nếu bạn cứ như thế thì rồi cũng sẽ nhận hậu quả mà thôi”
Đưa ra một lời nói đanh thép về hậu quả xấu chưa bao giờ là giải pháp để giảm đi sự tức giận. Thực tế chứng minh, điều này còn phản tác dụng. Đối phương sẽ chỉ cảm thấy áp lực thêm bởi lời nói của bạn, có thể họ sẽ phản ứng gay gắt hơn. Một trường hợp khác là họ sẽ nhượng bộ để tránh kết quả xấu, nhưng đó thực sự không phải cách giải quyết vấn đề triệt để.
Tiến sĩ Patel-Dunn nói: “Nếu bạn cảm thấy cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng và khiến bạn không thoải mái, cách tốt nhất là nên dừng cuộc tranh luận đó, nhìn nhận lại vấn đề và chọn thời điểm khác khi tinh thần của cả hai đều dịu xuống”.
4. “Hành động của bạn thật điên rồ”
Việc cố gắng loại bỏ cảm xúc của họ bằng câu nói trên không chỉ thiếu tôn trọng đối phương mà còn phản tác dụng. Theo nhân viên xã hội Lesley Koeppel cho hay: “Trong trạng thái tức giận, câu nói này còn khiến cảm xúc cáu giận tăng lên nhiều hơn”.
5. “Bạn muốn tôi làm cái gì?”
Câu nói này chứng tỏ bạn đang đổ lỗi cho đối phương. Bạn đang tuyên bố cho đối phương biết rằng việc giải quyết cảm xúc của họ là không phải vấn đề của bạn, họ cần phải tự giải quyết lấy. Lesley Koeppel cũng nói thêm: “Đôi khi bạn cần phải bình tĩnh thể hiện những cảm xúc của mình, cho dù là đang rất tức giận”.
6. “Bạn sai rồi”
Nếu như ai đó đang giận dữ, bạn lại khẳng định trong sự việc này họ là người sai, thì chắc chắn mâu thuẫn vẫn sẽ tiếp diễn. “Đừng đổ lỗi và tự ý đặt người khác vào vị trí mà họ sai. Bạn làm điều này đồng nghĩa bạn gián tiếp mở ra một cuộc tranh luận không có hồi kết”.
7. “Bạn đang làm giống như…”
Đừng so sánh bất cứ hành động nào của người tức giận. Dù bạn là cha, là mẹ hay là những người thân thương nhất thì việc so sánh cũng chỉ khiến tình huống trở nên xấu đi, “đổ thêm dầu vào lửa”.
Lesley Koeppel khẳng định rằng: “Điều này khiến họ cảm thấy bị đả kích nhiều hơn và chẳng đạt được ích lợi gì. So sánh chỉ khiến họ thêm tức giận”.
8. “Lại có chuyện gì vậy?”
Những người đang giận dữ, thực chất trong lòng họ vẫn có những điều không vui và tủi thân, muốn được che chở và bảo vệ nhiều hơn. Nhưng bạn lại nói “lại xảy ra chuyện gì” hay “cậu lại bị làm sao thế” thì giống như một lời khẳng định sự tức giận của họ là vô lý. Ngay cả khi bạn đúng thì đối phương cũng chẳng nghe lọt tai.
Ernesto Lira de la Rosa, một nhà tâm lý học và cố vấn truyền thông cho Quỹ Nghiên cứu chứng trầm cảm cho biết: “Những lời như thế không những không giúp ích mà còn khiến người nghe cảm thấy xấu hổ vào sự giận dữ của họ".
9. “Chỉ cần tích cực lên là được”
Tư duy của một người cáu gắt sẽ bị chi phối bởi cảm xúc. Vì thế, mặc dù về mặt logic thì đây là một ý tưởng hay để làm cho đối phương nghĩ đến những điều tốt đẹp. Nhưng, điều này gần như họ không làm được!
Kết quả là, cụm từ này lại giống như đang coi thường họ, và bạn chẳng hiểu họ đang suy nghĩ điều gì. Nhà tâm lý học Lira de la Rosa cho hay: “Không nên nói với ai đó 'chỉ cần suy nghĩ theo hướng tích cực hơn' vì điều này chỉ có thể xảy ra khi họ đang có lý trí. Bạn có thể khuyên họ điều này, nhưng chỉ làm sau khi họ đã điều chỉnh được cảm xúc và không bị chi phối bởi cảm xúc”.
10. “Bình tĩnh lại đi”
Đừng chờ mong câu nói này sẽ có tác dụng, chắc chắn không thể nào! Sự tức giận được tạo ra từ phản ứng về thể chất cũng như tâm lý. Họ có thể bình tĩnh trở lại nhưng không phải liền ngay tức khắc.
Nói với ai đó bình tĩnh trong khi họ đang giận dữ là điều bất khả thi. Bởi lẽ, họ đang không kiểm soát được cảm xúc, đang có những suy nghĩ tiêu cực, nhạy cảm với mọi vấn đề xung quanh và sẽ tự khởi động bật chế độ chống lại mọi thứ như để bảo vệ bản thân.
“Giận dữ là một cảm xúc thứ yếu”. Bạn cần hiểu rằng, đằng sau sự tức giận đó là cảm xúc mong manh, dễ bị tổn thương. Hãy xem xét tình huống để đưa ra những lời nói đúng và không làm tổn thương thêm người xung quanh. Nếu như bạn có thiện chí nhưng không hành động đúng cách, kết quả sẽ giống như “chữa lợn lành thành lợn què”.
Tác giả: Theo Pháp luật và bạn đọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn