Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Đôi khi, chúng ta cứ sống vu vơ, loáng cái đã đến năm 29 - 30 tuổi, vậy mà vẫn cảm thấy mình như một đứa trẻ con. Hành trang còn chưa chuẩn bị kỹ càng đã bị đẩy lên đường đời, khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Đối với nhiều người, cột mốc 30 tuổi giống như một nỗi ám ảnh. Trước 30 tuổi, dường như ai cũng đầy tham vọng, luôn cho rằng sau 30 tuổi mình sẽ thật phát triển, thật thành công, nhưng đến khi 30 tuổi thật rồi mới phát hiện mọi thứ chẳng như tưởng tượng.
Hồi 20 tuổi, chúng ta còn có thể thoải mái mà mộng mơ, vô tư theo đuổi những gì mình đam mê. Nhưng rồi 30 tuổi tới mang theo vô số ràng buộc cũng như gò bó.
30 tuổi rồi sao còn chưa kết hôn?
30 tuổi rồi sao lương còn lẹt đẹt?
30 tuổi rồi sao vẫn là nhân viên quèn?
30 tuổi rồi sao chưa làm được trò trống gì thế?
...
Bạn nghĩ như vậy là hết rồi ư? Không có đâu! Sự thật còn đáng sợ hơn thế nữa khi khủng hoảng tuổi trung niên bắt đầu ập xuống đầu bạn.
Tôi có một người bạn năm nay 25 tuổi, đã làm việc tại một công ty chuyên về quảng cáo được 2 năm, vừa lên chức quản lý bộ phận, cũng coi như là sếp nhỏ. Có lần, nó cần tuyển một biên tập viên phụ trách fanpage công ty. Công việc đơn giản, cứ đều đều, người nộp hồ sợ chủ yếu tốt nghiệp chuyên ngành này hoặc là mấy bạn sinh viên vừa ra trường ít lâu.
Nhưng giữa đống CV của toàn những người trẻ ấy bỗng lạc từ đâu vào CV của một ứng viên năm nay đã 29 tuổi. CV này ngay lập tức khiến bạn tôi chú ý. Nó nghĩ: "Không ngờ có người ngần này tuổi rồi còn đi xin làm công việc này, mà nhìn kinh nghiệm làm việc lại còn rất dày dặn nữa chứ". Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng bạn tôi không xét CV này vào số cần cân nhắc tuyển dụng.
Khi tôi hỏi lý do, nó đáp: "Không phải tôi kỳ thị tuổi tác người ta hay gì, chỉ là tuyển người này không được lời chút nào. Nếu ông đồng ý mức lương người ta đề xuất thì không ổn, vì công việc này không đáng trả nhiều lương như thế. Nhưng nếu ông trả lương cho người ta theo mức nhân viên mới, vậy cũng không được. Thế nên thà tuyển người trẻ, người mới hoàn toàn, mức lương phải trả thấp, người trẻ lại còn năng động, mang đến làn gió mới, học hỏi nhanh".
Người ta bảo 30 tuổi mới phải đối diện với khủng hoảng tuổi trung niên, vậy cớ sao có người 29 tuổi đã gặp?
Trên mặt chữ, nhìn 29 tuổi không đáng sợ như 30 tuổi. Nhưng những người từng trải đều biết, 29 tuổi so ra còn mệt hơn 30 tuổi. Đã từng có lúc, chúng ta cảm thấy 30 tuổi là một thế giới xa xôi, không hề liên quan gì đến thanh xuân, nó là thế giới nơi ta sẽ tưởng thành thực sự. Trong phim, đến năm 30 tuổi, người ta đều có sự nghiệp, có thành tựu, có gia đình viên mãn.
Nhưng đôi khi, chúng ta cứ sống vu vơ, loáng cái đã đến năm 29 tuổi, vậy mà vẫn cảm thấy mình như một đứa trẻ con. Hành trang còn chưa chuẩn bị kỹ càng đã bị đẩy lên đường đời, khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
1. Còn chưa muốn lớn lên đã trở thành "anh/chị/cô/chú" trong mắt đồng nghiệp, nhân viên bán hàng...
Ly - bạn thân tôi kể đã lâu lắm rồi nó không đi bar. Ngày trước, cuối tuần nào nó cũng có mặt tại đủ loại bar pub, nhảy nhót, nghe nhạc cùng chúng bạn. Nhưng giờ nó không rảnh để tới chốn đó và cũng chẳng dám tới nữa.
Nó làm việc tại một cơ sở giáo dục trẻ em, nghe nói năm nay còn có cơ hội thăng chức. Nhưng gần đây, công ty nó mới tuyển thêm một lứa thực tập sinh. Lần đầu tiên gặp những thực tập sinh này, bị gọi "Chị Ly này, chị Ly nọ"liên tục, nó đã bị shock không ít. Ở phòng nó làm, nó vốn là người trẻ nhất, mọi người gọi cũng chỉ gọi tên không, bỗng nhiên bị gọi chị, nó không thấy oai mà chỉ thấy khủng hoảng.
Tôi hỏi vì sao nó lại thấy thế. Hóa ra, dạo trước bọn nó có làm việc với một khách hàng mới. Dựa vào kinh nghiệm mấy năm làm việc, nó tự tin đứng lên thuyết trình về kế hoạch mình nghĩ ra. Có thể thấy khách hàng khá hài lòng, sếp nó nghe cũng không có ý kiến phản bác gì.
Tuy nhiên ngay sau đó, không khí hài hòa trong phòng bị phá hủy khi một nhân viên mới trong phòng bạn tôi lên tiếng cho rằng kế hoạch của bạn tôi tuy rất tốt nhưng không phù hợp với tình hình thị trường hiện tại và đề xuất thêm một loạt ý kiến mới toanh. Nhân viên mới vừa nói xong, khách hàng đã đổi thái độ và đưa ra kết luận muốn sử dụng kế hoạch của người này thay vì của bạn tôi.
Ly nói những gì em nhân viên mới đưa ra nó đều từng nghe qua nhưng chỉ hiểu ít nhiều. Bỗng chốc nó cảm thấy vô cùng hoang mang, chẳng lẽ giới trẻ bây giờ ai cũng giỏi như vậy à? Liệu nó còn kiên trì với công việc này được bao lâu nữa đây hay làm sắp phải nhường đường cho những nhân tố mới này rồi? Đến lúc đó nó phải làm sao? Thậm chí, nó còn sinh ra nghi ngờ rằng có phải ngay từ đầu, nó đã chọn sai công việc và giờ là lúc nên chọn lại không. Song nhảy việc rồi lại phải bắt đầu lại mọi thứ, cái giá phải trả là quá lớn.
Mỗi lần nghĩ đến việc này, Ly không dám vô tư như ngày xưa nữa. Nó sợ mình chỉ chậm bước một chút thôi là sẽ bị vượt qua.
2. Còn chưa tìm được chỗ đứng vững trong sự nghiệp đã gặp phải đủ thăng trầm nơi làm việc.
Mấy tháng trước trong lúc ăn trưa, tôi có gặp được anh Vũ - một ông anh tôi quen thời đại học. Nhìn trạng thái của anh chẳng ổn chút nào, cả người trông mệt mỏi, không chút sức sống.
Anh Vũ và bạn gái đã hẹn hò 5 năm, định năm nay sẽ làm đám cưới nhưng vì chưa mua được nhà nên nhà gái nhất quyết không đồng ý, hai người chỉ còn cách cố gắng gom góp mua lấy một căn. Anh bạn tôi thở dài: "Ngày xưa cứ nghĩ cố gắng là sẽ thành công, sau này đời cho ăn một cú tát đau điếng mới giật mình nhận ra, chuyện không phải vậy".
Giống như anh Vũ của tôi, bạn thử nhìn ra xung quanh mình đi. Rất nhiều bạn học cũ, bạn bè mới đều đã bắt đầu bước vào chuyến xe tốc hành của đời người, thậm chí đã hoàn thành hết chuỗi trọng đại thăng chức - lập nghiệp - sinh con. Bạn càng so sánh lại càng cảm thấy mình không có gì cả.
Tôi đi làm được 4-5 năm, công việc đã quen đến không thể quen hơn, mọi chuyện có thể coi như thuận lợi. Nhưng công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày dần khiến tôi mất đi sự nhiệt huyết ban đầu, làm việc cũng chỉ qua loa cho xong, không còn muốn tìm tòi thấu đáo, không còn chủ động tăng cơ để giải quyết công việc.
Khi bạn đi làm ở một công ty, số lượng người được thăng chức tăng lương là có hạn, muốn tiến thêm một bước cũng khó khăn. Bạn sẽ không ít lần muốn bỏ việc nhưng đầu óc bạn sẽ quay cuồng bởi suy nghĩ nhỡ bỏ việc này không tìm được việc mới; hoặc giả tìm được thì cũng cần thích nghi với môi trường mới, có khi không hợp, có khi còn thua cả công việc hiện tại.
Sẽ có lúc bạn muốn học thêm để phát triển nhưng đến tuổi này rồi, rất khó để bạn tĩnh tâm, tập trung học hành được. Cứ thế, càng ngày bạn sẽ càng cảm thấy bất lực, càng ngày bạn sẽ càng thấp thỏm lo âu.
Người ta nói 30 tuổi mới bắt đầu làm mọi thứ vẫn chưa muộn, nhưng nếu 29 tuổi còn chưa xác định được phương hướng, không biết mình thích gì, mình có thể làm gì, không có kế hoạch 3 năm - 5 năm, không có mục tiêu gần nhất, không biết hướng phát triển của mình, vậy bạn làm sao có thể bắt đầu vào năm 30 tuổi?
Ra đời là cạnh tranh như thế đó. Dù bạn muốn hay không, khủng hoảng tuổi trung niên cũng sẽ chờ bạn ở đó.
Vậy chúng ta phải làm gì? Ngoại trừ việc sợ hãi, lo lắng thì không làm được gì khác hơn nữa ư?
Tất nhiên là không, dù sẽ có nguy hiểm, sẽ có điều đáng sợ nhưng bạn vẫn sẽ có một con đường sống khác.
Hơn 20 tuổi là chuỗi ngày chúng ta cảm thấy mờ mịt nhất nhưng cũng là lúc chúng ta có nhiều hy vọng nhất. Nếu bạn có thể làm lại mọi thứ trong khoảng thời gian thì đời này sống vẫn kịp. Quan trọng là bạn phải xác định được mình muốn gì, nỗ lực tìm cho ra thế mạnh của mình, bồi dưỡng nó, phát triển nó để tạo thành giá trị riêng. Mọi thứ đều là chưa muộn...
Tác giả: M416
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn