Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Nguyên tắc 20 – 40 – 60 ban đầu được đưa ra bởi nữ diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải Oscar Shirley MacLaine và sau đó trở thành nguyên tắc sống được huyền thoại Thung lũng Silicon, doanh nhân và nhà đầu tư Heidi Roizen tôn thờ. Vậy, nguyên tắc 20 – 40 – 60 này ẩn chứa điều gì kì diệu?
***
Cuộc sống vốn đa dạng, mỗi người đều sống những cuộc sống của riêng mình. Chỉ bạn mới biết, bạn là ai giữa cuộc đời này.
Nguyên tắc 20 – 40 – 60 ban đầu được đưa ra bởi nữ diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải Oscar Shirley MacLaine và sau đó trở thành nguyên tắc sống được huyền thoại Thung lũng Silicon, doanh nhân và nhà đầu tư Heidi Roizen tôn thờ. Vậy, nguyên tắc 20 – 40 – 60 này ẩn chứa điều gì kì diệu?
Khi bạn 20 tuổi – Bạn lo lắng xem người ta nghĩ gì về mình.
Khi bạn 40 tuổi – Bạn không thèm để ý đến những gì người khác nghĩ.
Khi bạn 60 tuổi – Bạn nhận ra rằng: Mọi người chẳng ai nghĩ gì về bạn hết.
Thông tin quan trọng nhất mà Roizen muốn nhắc đến ở quy tắc này là: "Không ai nghĩ về chúng ta ngay từ đầu". Quan điểm này có phần tiêu cực, nhưng, cuộc sống của chúng ta vốn rất đa dạng với nhiều yếu tố. Chính vì vậy, quan điểm của Roizen có thể không đúng với tất cả mọi người, trong tất cả các hoàn cảnh, nhưng, nó đang tồn tại trong cuộc sống của chúng ta và ảnh hưởng đến xu hướng sống của con người. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này hơn bao giờ hết.
Con người thực sự không ai nghĩ về người khác ngay từ đâu ư? Phải chăng con người sống ngày càng trở nên vô cảm?
Nguyên tắc 20 – 40 – 60 trong các mối quan hệ.
Dĩ nhiên con người không sống vô cảm. Hầu hết chúng ta luôn có những người thân yêu thương, chăm sóc chúng ta ngay từ khi còn phôi thai. Tất nhiên, có những người thiếu may mắn, không có được tình thương gia đình, nhưng đó là một số ít. Và thay vào đó, hầu hết chúng ta đều có những người bạn. Đó là những người có thể cùng nhau chia sẻ, tâm sự và giúp đỡ trong cuộc sống. Nhưng, quy tắc 20–40–60 đang nhắc nhở chúng ta về sự cô đơn đang gia tăng, cảm giác bị cô lập với xã hội đang gia tăng và, một số nghiên cứu khác cũng báo cáo về việc sự hồi hộp và lo lắng và stress gia tăng nhiều hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân nào dẫn đến việc con người – sống giữa một xã hội người và người tiếp xúc và có những mối quan hệ sâu sắc – lại cảm thấy cô đơn và bất lực?
Một xã hội phát triển nhanh kéo con người theo vòng xoáy của bận rộn mà bỏ quên thời gian để yêu thương.Cuộc sống hiện đại đem lại thật nhiều những tiện ích nhưng lại kéo theo trăm mối lo toan. Con người vội vã chạy theo sự phát triển của thời đại mà lỡ bước vào mê cung bận rộn khi nào không hay. Họ hoang mang giữa nhiều con đường, nhiều vật cản, nhưng gánh nặng cuộc sống ép họ phải đi tiếp mà khó có thể dừng chân nhìn lại xem, bạn bè của mình đang ở đâu, người thân của mình đang cần gì.
Đôi khi chúng ta trách người bạn của mình, người thân của mình vô tâm, nhưng hãy thử xem xét lại, họ đáng trách thật sao? Bạn đang vất vả, vậy người shipper ngoài kia, bác sĩ, giáo viên hay thậm chí doanh nhân, lẽ nào họ không vất vả sao? Đôi khi cuộc sống quá bận rộn khiến mọi người khó có thể đặt những mối quan hệ tình cảm ở đầu danh sách ưu tiên của mình nhiều như họ mong muốn.
Chúng ta nên thông cảm cho nhau, cùng nhau bổ sung thay vì trách cứ. Mỗi người hãy cố gắng dành một chút thời cuối ngày, cuối tuần, … để gọi điện thoại hỏi thăm người thân, người yêu, người bạn của mình. Đôi khi là dành một chút thời gian ngắn để yêu thương, cũng để mình được nghỉ ngơi giữa dòng chảy bận rộn cuộc sống.
Đôi khi, không phải con người không quan tâm đến nhau mà chỉ là họ không biết cách tương tác. Cuộc sống vốn đa dạng, mỗi người đều sống những cuộc sống của riêng mình, chỉ là một phần nào đó, họ có tiếp xúc, có giao nhau chứ không thể nào trùng nhau được. Đó là lý do vì sao, chúng ta, đôi khi, lắng nghe tâm sự của người khác nhưng không thể mở lời. Những câu chuyện căng thẳng ở nơi làm việc, những câu chuyện ở trường học của con cái... Mọi người thật sự không biết phải nói gì khi chúng ta chia sẻ những tình huống đó.
Con người vốn rất khó nói về những vấn đề về căng thẳng, lo lắng và thất bại. Không phải ai cũng có thiên phú, có khả năng để chia sẻ các vấn đề buồn phiền, lo lắng và giải quyết các vấn đề cuộc sống. Chính vì vậy, họ thường đáp lại chúng ta bằng sự im lặng. Suy cho cùng, không phải con người vô cảm, phần lớn là do chúng ta chưa biết cách tương tác phù hợp.
Quy tắc 20 – 40 – 60 trong công việc
Trước hết, chúng ta cần hiểu một vấn đề quan trọng: “Sếp của bạn không nghĩ về bạn, các đồng nghiệp của bạn cũng vậy”, Roizen nói.
Nếu có những câu chuyện phiếm tại nơi làm việc bàn tán về bạn, đừng để điều đó ảnh hưởng đến mình, bởi vì, người truyền đi và người lắng nghe những câu chuyện đó cũng đang nằm trong một mớ những bận rộn, lo toan, và sẽ sớm kết thúc những vấn đề ngoài lề này thôi.
Những người sếp tồi thực sự là những người dường như hầu như không biết tên bạn dù đã làm việc cho họ 7, 8 năm. Những gì họ làm là ra lệnh, không có sự lắng nghe và thường xuyên chỉ trích thay vì động viên. Tất cả chúng ta đều chỉ là những con người đang cố gắng để có một cuộc sống tốt hơn. Bởi vậy mà đôi khi chúng ta nhẫn nhịn, nhưng, không phải lúc nào cũng dễ dàng vâng dạ những điều vô lý, có những khoảnh khắc bạn thực sự muốn nói lên chính mình.
Lúc này, hãy nhớ đến nguyên tắc 20 – 40 -60: Họ thật sự không quan tâm đến bạn đang nỗ lực điều gì, cố gắng điều gì, không nhìn ra được những tiến bộ của bạn, … Trong khoảnh khắc đó, đôi khi hãy nói lên chính mình, nói lên những điều đúng đắn với sếp của mình để họ biết bạn thực sự tồn tại.
Suy cho cùng, đôi khi chúng ta thực chỉ có một mình như quy tắc 20 – 40 – 60 đã nhấn mạnh, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Bản chất của con người là yêu thương, con người không phải trở nên vô cảm, mọi người vẫn quan tâm nhau mỗi ngày. Thay vào đó, hãy hiểu rằng: tất cả chúng ta đều có những việc mà chúng ta phải tự mình làm, những khoảnh khắc phải tự mình đứng vững.
Tác giả: Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn