Na Tra và bài học về việc ngưng phán xét người khác
Thứ tư - 02/10/2019 08:13
Hãy ngưng ngay việc đánh giá người khác bằng cái nhìn phiến diện khi chỉ mới gặp mặt hoặc nghe tiếng lần đầu, bạn có thể lờ đi nhưng đừng vội ghét hoặc yêu để rồi sinh ra cảm xúc sai lầm, từ đó lại gây nên những hành động khiến mình hối hận về sau. *** Trailer Na Tra - Ma đồng giáng thế Nhân dịp đi xem Na Tra – ma hoàn giáng thế, nảy sinh ý muốn bàn luận về nhân sinh... Khi còn đôi tám, đôi chín, tôi chống cằm viết một bộ thần thoại, trong ấy có nhân vật tên Hoa Liên – là vị thần sở hữu sức mạnh vô song, nếu muốn thì có thể khống chế tất cả các nhân vật còn lại trong lòng bàn tay. Đế thần đời đầu vừa e ngại sức mạnh đáng sợ ấy, cũng vừa muốn sở hữu nó, thế là nảy ra phương thức khống chế đặc biệt, ông phân tách Hoa Liên ra thành hai phần, một bên thiện lương, một bên tà ác. Sau đó, ông nuôi nấng phần thiện lương ấy như con đẻ của mình, yêu thương hết mực, lại đày phần độc ác ấy xuống địa ngục cho chết dần chết mòn. Chi tiết ấy khá giống với mấy phút đầu phim Ma hoàn giáng thế, trời sinh hỗn nguyên châu sở hữu sức mạnh đặc biệt, vị tiên già vừa muốn nó sử dụng sức mạnh kia giúp đời, vừa e ngại nó dùng sức mạnh ấy gây ra cảnh tang tóc, bèn chia hỗn nguyên châu làm hai nửa chính và tà, giao Linh Châu cho gia đình gia giáo nuôi dưỡng, giáng thiên kiếp xuống Ma Hoàn vào ba năm sau. Bồi dưỡng cái thiện từ lúc nó mới sinh ra, tiêu trừ cái ác khi nó còn trong trứng nước, đó vốn là việc làm được tán dương, khuyến khích. Về sau, phần ác trong người Hoa Liên bò ra từ địa ngục, gây ra vô số tai hoạ cho thế giới. Còn Ma Hoàn phát hiện ra sự thật thì nộ khí xung thiên, tháo bỏ vòng càn khôn mà hoá ma, muốn giết hết dân chúng Trần Đường, kể cả cha mẹ mình. Nhưng, phần ác bảo nó làm vậy là để đòi lại công bằng cho bản thân. Vì cái gì mà đòi giết nó từ lúc nó mới lọt lòng? Nó đã làm gì nên tội đâu. Ai đã xem phim Na Tra thì xin xem xét kỹ, ngay từ đầu phim, hỗn nguyên châu đã làm gì thương thiên hại lý chưa? Khi đầu thai, Ma Hoàn quậy phá khắp nơi, nhưng nó không biết những việc ấy là sai trái, kẻ không biết thì không có tội, không có tội thì tại sao lại muốn giết nó?
Ma Hoàn lớn lên dưới những cặp mắt e dè, kinh sợ, thậm chí là khinh bỉ của dân chúng, trong khi nó chẳng hiểu mình đã làm sai điều gì, tự nhiên sẽ nảy sinh cảm giác uất ức. Như chúng ta vậy thôi, đang đi giữa đường thì bị người ta xì xầm mắng này mắng nọ, dù ta chẳng làm gì sai cả, sao không tức cho được chứ. Bị mắng chửi vô cớ thôi, ta còn tức, vậy bị ấn định phải chết đi ngay từ lúc lọt lòng, vì “tội ác chưa thực hiện” thì sẽ thế nào nữa? Hận không? Hận chứ, có khi còn muốn mang cả thế giới cùng xuống dưới địa ngục với mình cho bõ cái danh “ác” mình gánh trên người. Vậy ta xem xét lại câu hỏi: “Giết “cái ác” từ trong trứng nước như vậy, đúng hay sai?” Cứ cho rằng ngày sau “cái ác” kia trở thành cái ác thật, thì ngày hôm nay “cái ác” kia vẫn chỉ là tờ giấy trắng, giương cờ đại nghĩa mà đi giết kẻ vô tội, vậy kẻ làm việc nghĩa kia có thấy hổ thẹn chăng? Nếu nguỵ biện bảo là hy sinh một người để cứu cả thiên hạ, vậy xin được hỏi lại, người kia chẳng phải cũng thuộc về thiên hạ hay sao, huống chi người ấy cũng có thể cứu được vạn người khác, thế thì giết đi cũng như giết vạn người vậy. Thiện và ác, nó vốn là bản chất của một chuỗi hành động, nhưng dần về sau, người ta đúc kết nó thành cái danh và phận, tuỳ tiện gán lên kẻ khác, như bảo nó là Ma hoàn thì ác, ác phải chịu sự trừng phạt, hay nhìn Ngao Bính có sừng rồng, bảo yêu tộc là ác, cũng cần phải tiêu diệt. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Hãy ngưng ngay việc đánh giá người khác bằng cái nhìn phiến diện khi chỉ mới gặp mặt hoặc nghe tiếng lần đầu, bạn có thể lờ đi nhưng đừng vội ghét hoặc yêu để rồi sinh ra cảm xúc sai lầm, từ đó lại gây nên những hành động khiến mình hối hận về sau. Con chó bị dồn vào tường mãi cũng sẽ cắn lại, người vô tội bị xem như kẻ có tội hiếm có mấy ai giữ vững lòng thiện lương đến chót, họ sẽ trả thù, như Na Tra đã từng muốn làm yêu quái vì cứ mãi bị gọi là yêu quái, họ sẽ gây ra tội ác, thế thì bạn mang danh “diệt ác”, lại thành nguyên nhân gián tiếp gây ra tội ác. Vậy lúc đó bạn là thiện hay ác đây? Bạn nên nhận cái phận gì đây?