Giá trị sống tích cực từ những bộ phim hoạt hình Ghibli

Thứ tư - 05/05/2021 00:09

Nhiều người cho rằng, phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con, nhưng với những bộ phim của hãng Ghibli, điều đó chưa hẳn là đúng. Bằng thế giới lung linh sắc màu ẩn chứa nhiều điều diệu kỳ, Ghibli khéo léo đưa vào đó những thông điệp về cuộc đời mang đậm tính nhân văn, nuôi dưỡng bản tính thiện lương không chỉ trong mỗi đứa trẻ mà còn hướng tới cả người lớn. Cùng nhau tìm hiểu những bài học cuộc sống đã được Ghibli gửi gắm vào những bộ phim hoạt hình nhé.

***

Nhiều người cho rằng, phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ con, nhưng với những bộ phim của hãng Ghibli, điều đó chưa hẳn là đúng. Bằng thế giới lung linh sắc màu ẩn chứa nhiều điều diệu kỳ, Ghibli khéo léo đưa vào đó những thông điệp về cuộc đời mang đậm tính nhân văn, nuôi dưỡng bản tính thiện lương không chỉ trong mỗi đứa trẻ mà còn hướng tới cả người lớn. Cùng nhau tìm hiểu những bài học cuộc sống đã được Ghibli gửi gắm vào những bộ phim hoạt hình nhé.

1. Đối xử thật tốt với chính mình

Từ Lâu Đài Bay Của Pháp Sư Howl (2004), Khi Marnie Ở Đó (2014), Dịch Vụ Giao Hàng Phù Thủy Kiki (1989) cho đến Lời Thì Thầm Của Trái Tim (1995), thông điệp chính mà hãng phim muốn gửi tới khán giả, là hãy thật tử tế với bản thân mình. Trong phim, các nhân vật Sophie, Anna, Kiki và cả Shizuku đều có quãng thời gian mà họ cảm thấy không hài lòng với chính mình, từ về ngoại hình, cá tính đến, khả năng,… Để rồi, từ những thử thách phải trải qua, họ dần dần chấp nhận và yêu thương bản thân mình.

2. Yêu thương động vật

Thật khó có thể chỉ ra một bộ phim hoạt hình của hãng Ghibli mà không có sự xuất hiện của một loài vật nào đó, đặc biệt là mèo. Hình tượng loài mèo đã quá quen thuộc với đất nước Nhật Bản, đến nỗi chúng đều có mặt trong các tuyệt phẩm như Dịch Vụ Giao Hàng Phù Thủy Kiki (1989), Hàng Xóm Của Tôi Là Totoro (1988), Lời Thì Thầm Của Trái Tim (1995) và cả Sự Trả Ơn Của Loài Mèo (2002). Bên cạnh đó, trong các bộ phim của Ghibli còn có sự xuất hiện của nhiều loài động vật khác, được xây dựng với hình tượng đáng yêu, hài hước nhằm giáo dục trẻ em rằng động vật cũng là bạn, hãy dành cho chúng thật nhiều tình thương và sự bao dung.

y-nghia-trong-nhung-bo-phim-hoat-hinh-cua-hang-ghibli

3. Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân

Câu chuyện của mỗi bộ phim có lẽ đã không bắt đầu nếu nhân vật chính không chủ động trên hành trình của mình. Chẳng hạn như Chihiro đã không thể cứu được ba mẹ và bản thân nếu chỉ hoảng sợ và khóc lóc trước sự lạ lẫm nơi Vùng Đất Linh Hồ (2001); Sophie đã không thể tìm lại chính mình, hóa giải lời nguyền để trở về với nhan sắc xưa nếu không mạo hiểm trên hành trình gian nan cùng Pháp sư Howl; hay Kiki sẽ chỉ mãi là một cô phù thủy bình thường nếu không lên đường khám phá thế giới để học hỏi và phát triển bản thân vào năm tròn 13 tuổi. Hành trình của mỗi nhân vật không chỉ là những câu chuyện đơn thuần để chúng ta thưởng thức, mà ẩn chứa trong đó là sự thôi thúc mỗi người hãy theo đuổi khát vọng và bước ra khỏi vùng thoải mái để thử thách bản thân mình.

nhung-y-nghia-tu-trong-nhung-bo-phim-hoat-hinh-cua-hang-ghibli

4. Bảo vệ môi trường

Thông điệp bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên dễ khiến nhiều người cảm thấy khô khan và mang nặng tính tuyên truyền nếu không được lồng ghép khéo léo vào các bộ phim. Thế nhưng, với các tác phẩm của hãng Ghibli, những bài học về môi trường luôn được gửi gắm một cách tinh tế vào từng khoảnh khắc của các bộ phim. 

Trong phim Công chúa Mononoke (1997), tác giả muốn gửi gắm thông điệp rằng, nếu biết trân trọng và gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng, tự khắc thiên nhiên sẽ bảo bọc và che chở con người như người mẹ hiền che chở đàn con. Ngược lại, thiên nhiên cũng sẽ rất bạo tàn nếu con người chỉ vì sự ích kỷ của mình mà tàn phá tự nhiên không chút xót xa. 

Câu chuyện của những chú lửng Nhật (tanuki) trong Pom Poko (1994) cũng khiến khán giả không khỏi thương cảm, khi môi trường sống bình yên của họ bị tàn phá nặng nề bởi bàn tay của loài người. Dù có tìm mọi cách để giành lại cuộc sống như trước kia, nhưng loài lửng đành phải bất lực trước con người hung hãn. Câu chuyện Pom Poko là lời kêu gọi con người hãy trân trọng môi trường tự nhiên, vì bất cứ sự khai phá nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sống của những sinh vật vô tội.

Nhẹ nhàng hơn một chút, Hàng Xóm Của Tôi Là Totoro (1988) là khúc nhạc bình yên nuôi dưỡng tâm hồn của bao trẻ nhỏ. Những chi tiết khắc họa vị thần rừng Totoro đáng yêu cùng hình ảnh thiên nhiên đẹp rực rỡ nhắc nhở các em hãy luôn trân trọng tự nhiên và môi trường sống xung quanh mình.

nhung-phim-hoat-hinh-y-nghia-cua-hang-ghibli

5. Tình yêu không giới hạn ở bất cứ dạng thức nào

Dựa trên câu chuyện Nàng Tiên Cá của tác giả Hans Christian Andersen nhưng được cải biên đôi chút, câu chuyện về cô bé người cá Ponyo (2008) không chỉ làm động lòng biết bao trái tim khán giả bởi nét vẽ dễ thương, mà còn ẩn chứa thông điệp sống thú vị. Sau khi gặp gỡ và kết bạn với cậu bé 5 tuổi Sasuke, Ponyo luôn khao khát được trở thành con người. Vì vậy, cô bé đã sử dụng năng lực của cha mình để thực hiện mơ ước đó, gây nên sự mất cân bằng của thế giới. Ẩn sâu trong câu chuyện này là thông điệp rất giản dị và đáng yêu: tình yêu thương không giới hạn ở bất kỳ hình dạng nào, cũng như trong xã hội thực tế, người ta có thể yêu thương, quý mến nhau dù cho đối phương thuộc chủng tộc nào hay màu da gì đi nữa. 

Hay trong Thế Giới Bí Mật Của Arrietty (2010), thông điệp về tình bạn không ranh giới như càng được củng cố hơn thông qua câu chuyện của cậu bé Shou và người bạn Arrietty tí hon của mình. Trong thế giới của loài người luôn ẩn chứa những sinh vật kỳ lạ tưởng chừng chỉ xuất hiện đâu đó trong những câu chuyện cổ tích thuở ấu thơ. Arrietty cũng nằm trong số những sinh vật kỳ lạ ấy, cô thuộc chủng tộc người tí hon, cùng gia đình sống dưới sàn nhà của cậu bé Shou và bà của mình. Gạt qua mọi định kiến về con người, Arrietty trở thành người bạn hết sức thân thiết của Shou. Câu chuyện đáng yêu của hai nhân vật chính trong Thế Giới Bí Mật Của Arriety như củng cố thêm niềm tin của mỗi người về vẻ đẹp của tình bạn, tình yêu không bị giới hạn bởi những khác biệt về chủng tộc.

y-nghia-tu-trong-nhung-bo-phim-hoat-hinh-cua-hang-ghibli

6. Quan tâm đến những người thân thương

Trong văn hóa Nhật Bản nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung, giá trị tình thân luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, không lạ gì khi trong các bộ phim hoạt hình của Ghibli, hình ảnh gia đình luôn giữ vai trò quan trọng. Trong phim Hàng Xóm Của Tôi Là Yamada (1999), những câu chuyện nhỏ về gia đình nhà Yamada luôn được kể dưới góc nhìn đa dạng, đáng yêu. Hay bộ phim Mộ Đom Đóm (1988) đã lấy đi biết bao nước mắt của nhiều thế hệ khán giả khi khắc họa hình ảnh một gia đình phải ly tán vì chiến tranh. Còn với Phía Trên Đồi Hoa Anh Túc (2011), người xem luôn ấn tượng với hình ảnh một gia đình không cùng chung huyết thống sống với nhau. Những giá trị tươi đẹp này chính là yếu tố đã giữ chân biết bao khán giả yêu hoạt hình, dù nhiều năm tháng đã trôi qua.

7. Phản đối sự khốc liệt của chiến tranh và cổ vũ tinh thần hòa bình

Mộ Đom Đóm (1988) có lẽ là bộ phim lấy đi nước mắt của khán giả nhiều nhất trong loạt phim hoạt hình của Ghibli. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, bất cứ ai xem qua bộ phim này cũng phải đau lòng trước bao mất mát mà chiến tranh gây ra. Khắc họa hình tượng hai đứa trẻ phải chịu nhiều đau thương trong thời buổi bom đạn oanh tạc, Mộ Đom Đóm đã đánh động vào lòng người từ khắp nơi trên thế giới về những hậu quả tàn khốc của chiến tranh. Để từ đó, người ta biết quý trọng giá trị của hòa bình hơn và chung sống trong sự hòa hợp, nhân ái.

y-nghia-nhung-bo-phim-hoat-hinh-cua-ghibli

8. Đối xử tốt với mọi người

Ghibli luôn cổ vũ tinh thần thiện lương và thân thiện trong mỗi người xuyên suốt nhiều tác phẩm. Điển hình như trong bộ phim hoạt hình Hàng Xóm Của Tôi là Totoro (1988), hai chị em Satsuki và bé Mei chuyển đến một nơi ở mới, nơi cả hai khám phá ra sự hiện diện của vị thần rừng đáng yêu. Thay vị chăm chú khắc họa nhân vật Totoro, Ghibli cổ vũ tinh thần hòa nhã, thân thiện với những người mới gặp khi để cho hai cô bé nhanh chóng trở thành bạn với vị thần rừng này. Hay trong bộ phim hoạt hình Dịch vụ giao hàng Phù Thủy Kiki (1989), cô phù thủy nhỏ đã nhận được không ít sự giúp đỡ từ thị trấn mới nơi cô chọn để thực tập pháp thuật, thậm chí được chào đón như một người thân bởi vợ chồng thợ bánh tốt bụng. Đây là một nét đẹp không hiếm gặp trong hầu hết các bộ phim hoạt hình của Ghibli và đã tạo thành một dấu ấn khi nhắc tới hãng phim này.

9. Luôn nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo

Từ nhân vật Ursula trong bộ phim Dịch Vụ Giao Hàng Phù Thủy Kiki (1989), Anna trong Khi Marnie Ở Đó (2014), nhạc sĩ Seiji và nhà văn Shizuku trong Lời Thì Thầm Của Trái Tim (1995) cho đến chàng kỹ sư máy bay Jiro trong Gió Nổi Lên Rồi (2013), tất cả đều mang trong mình khả năng sáng tạo vượt bậc. Các nhà làm phim Ghibli luôn mong muốn mang những gì chân thực nhất trong xã hội thực tế vào trong các tác phẩm của mình, và sự sáng tạo là một trong những giá trị đáng tôn vinh nhất mà họ muốn truyền tải đến khán giả.

phim-hoat-hinh-ghibli-the-wind-rise

10. Trân trọng những kỷ niệm đẹp

Trong bộ phim Chỉ Còn Ngày Hôm Qua (1991), Ghibli muốn nhắc nhớ tới mọi người rằng, chúng ta ai cũng có một “ngày hôm qua” dịu dàng vỗ về trong ký ức. Phim tập trung vào nhân vật Takeo 27 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Tokyo. Mỗi ngày của cô gắn liền với công việc bàn giấy tẻ nhạt, từ đó cô quyết định xin nghỉ phép 10 ngày để về quê anh rể phụ giúp thu hoạch hoa Rum (loài hoa dùng để nhuộm vải). Trên chuyến tàu dẫn cô về vùng quê yên ả ấy, ký ức về những năm tháng ấu thơ bất chợt hiện về sống động, kéo cô về những ngày bình yên một thời từng vô lo vô nghĩ. Để rồi những ký ức tươi đẹp đó đã góp phần nào định hình lại cuộc sống tẻ nhạt, bận rộn của Takeo. 

phim-hoat-hinh-only-yesterday

Bộ phim là lời gợi nhắc mỗi chúng ta nên sống chậm lại để soi chiếu lại bản thân mình, gợi nhớ mỗi người về những khoảng ký ức tươi đẹp đã dần phai mờ theo guồng quay hối hả của năm tháng mưu sinh. Chỉ Còn Ngày Hôm Qua cũng là lời khuyên gửi những ai quá bận rộn trong đời sống thường ngày, hãy dành cho mình những khoảng nghỉ để trân trọng, yêu thương bản thân mình hơn.

Thế giới đa màu sắc của Ghibli như thanh âm nhẹ nhàng giữa muôn trùng tất bật của xã hội, không chỉ giáo dục trẻ nhỏ cách sống và định hình tác phong làm người, ngay cả người lớn đôi khi cũng phải sống chậm lại để suy ngẫm về các giá trị sống mà họ đã bỏ quên trong năm tháng vội vã. Cuộc sống là một hành trình dài, mọi người đều xứng đáng được trải nghiệm những thứ tốt đẹp nhất. Như tác giả Hayao Miyazaki từng phát biểu: “Tôi muốn làm một bộ phim để dạy trẻ em rằng được sống là một điều hạnh phúc”. Có lẽ, câu nói này cũng dành cho người lớn chúng ta, những người luôn có một phần trẻ con đang ngủ yên trong tâm hồn đợi chờ được đánh thức. 

 

Tác giả: Theo Elle

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Trợ giúp

Thông tin liên hệ

Lưu niệm
Dự báo thời tiết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay3,761
  • Tháng hiện tại176,618
  • Tổng lượt truy cập10,390,884
QUẢNG CÁO
Phan Thanh Phú
Quảng cáo 2
Liên kết site
Đăng nhập Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Website cần cải tiến những gì?

Lịch Âm dương
Máy tính
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây