Thông tin liên hệ
- 036.686.3943
- admin@nguoicodonvn2008.info
Giá như trên đời này không hề có vật chất tồn tại có thể con người sẽ sống tình cảm đúng nghĩa nhân bản. Bà thấy cuộc đời mình cứ như là chiếc thuyền đang ở ngoài khơi xa với xung quanh chỉ toàn là bão tố. Bà cứ lấy cái quan niệm không còn sống được bao lâu, cứ ra sao thì ra để tự an ủi cho chính mình.
***
Chiếc xe lăn lặng lẽ đang di chuyển chầm chậm. Dưới cái bóng chiều là đứa bé gái đẩy bà già từ bệnh viện về nhà suốt một quãng đường xa. Đôi bóng một trẻ một già không còn xa lạ trong mắt của những người chung quanh mỗi lần đi ngang qua. Thỉnh thoảng người ta lại nhìn thấy con bé tóc ngắn đang ân cần nâng niu một bà lão bệnh tật trên chiếc xe lăn qua mấy đoạn đường khó. Những lần như thế con bé đều dừng lại bước ra phía trước nói thì thầm cùng bà trong sự thương yêu đầy tinh tế chu đáo, hoặc có ai đó hỏi thăm đến sức khỏe của bà thì nó đều dừng lại ngay. Chiếc xe lăn di chuyển về cuối con đường nhỏ dần…nhỏ dần…rồi mất dạng sau một cua quẹo ở cuối đường dưới bóng chiều bao la.
Đó là bà Bính đã 83 tuổi. Đôi chân gầy guộc teo tóp với nhiều chứng bệnh mà bà mang trong người. Ngồi xe lăn đã hai năm nay, mọi thứ di chuyển đối với bà là một đều quá khó khăn, phải nhờ vào sự trợ giúp duy nhất từ đứa cháu nội đó là con bé Vân. Thương bà lắm! Từ lúc sinh ra cho tới bây giờ nó luôn ở bên bà. Tuy chỉ có mười hai tuổi nhưng con bé rất tinh ý! Mọi sự thay đổi khác lạ từ bà nó đều nhận ra ngay. Như sáng nay bà không ăn uống cứ nằm mãi trên giường, nó bước tới đưa bàn tay ướm vào trán rồi hét lên.
- Nội bị bệnh rồi. Người rất nóng.
Bà khe khẽ gật đầu cái giọng yếu ớt khi nói cùng nó. Hiểu ý, nó dìu bà đi tới xe lăn ngồi rồi đẩy tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Đây không phải là lần đầu tiên nó phát hiện ra bà bệnh và nhanh chóng đưa đi. Nhớ lần trước bà khó thở tức ngực nó lấy tay xoa vuốt rồi chạy lên nhà trên để nói với ba mẹ.
- Ba mẹ ơi! Nội đang bị tức ngực khó thở phải đưa nội đến bệnh viện gấp thôi.
Ba mẹ ngồi đó xem tivi không quan tâm gì mấy tới câu nói của nó! Nó phải lặp lại lần thứ hai. Gặp phải sự phản ứng gay gắt từ ba.
- Nội tức ngực hay mày tức ngực mà la làng lên như đang cháy nhà vậy. Tức ngực thì nằm một xíu rồi cũng hết. Khó thở chứ có phải tắt thở đâu mà ầm ĩ lên điếc đầu điếc tai. - Ba tức giận nói với nó.
Thấy khó thuyết phục được ba, nó chạy tới nắm lấy tay mẹ van xin phải đưa nội đi bệnh viện. Mẹ nổi cáu vì đang xem phim tới đoạn hay mà phải bị làm phiền bởi những tiếng ồn ào bởi cái tật lắm chuyện. Mẹ gằn giọng với nó.
- Mày muốn thì tự mà đưa bà đi viện. Rồi tự trả viện phí đừng nói với tao làm gì. Im lặng để tao coi phim, còn lằng nhằng nữa thì tới số với tao! Nghe chưa! Khó thở mà làm còn hơn là chuẩn bị chết. Thiệt là lộn xộn quá, chẳng biết cái gì mà tối ngày cứ tài lanh.
Nó thui thủi trở vô với gương mặt buồn tênh. Nó cũng hiểu rằng từ lúc sinh em cu Bi ra thì tình yêu thương của ba mẹ dành cho nó không nhiều như lúc ban đầu. Ba mẹ hay gắt gỏng, mắng mỏ, mỗi khi em cu Bi quấy khóc. Những lần như thế ba mẹ thường la rầy rằng “Bà nội là người lớn đã tự biết chăm mình, em Bi còn nhỏ vẫn chưa biết gì phải chăm em nhiều hơn”.
Những khi nội bị bệnh thì ba mẹ cứ than phiền “bệnh gì mà bệnh suốt, một tháng có ba mươi ngày mà đã bệnh hết ba mươi ngày. Đau nhức có chút xíu mà cứ rên la quằn quại lên như dữ dội lắm vậy”, những lần như thế nó yêu cầu đưa nội đi bệnh viện thì ba mẹ lại tức giận mà la mắng.
Thôi thì nó tự đưa nội đi và về sau bà bệnh cũng không muốn nói cùng với ba mẹ để tránh bị rầy la. Nói đến bà Bính cũng vô phúc quá chừng. Bà có tất cả là 11 người con, bà sống cùng vợ chồng Đức, tức con út trong nhà cũng là người mà bà đã giao hết của cải tài sản những gì đang có. Ngày ấy lúc còn ở trong cái căn nhà cũ bà cứ do dự chẳng muốn sang nhượng sớm cho con, định khi nào sắp mất mới viết tờ di chúc. Chẳng biết vợ chồng Đức nói ngon ngọt ra làm sao mà bà cho hết tất cả chẳng chừa lại phòng thân bất cứ một đồng nào. Vợ con út bàn với bà rằng phải dỡ bỏ căn nhà cũ tiến hành xây mới nhằm về đó để đầy đủ tiện nghi dễ dàng săn sóc cho bà. Nàng dâu tên Hoa nói với bà.
- Chẳng biết mẹ tính sao chứ vợ chồng con thấy nên xây một cái nhà mới thật khang trang hoành tráng để mẹ được đi đứng thoải mái. Huống gì sau này có cháu lại có thêm người, ở đây thì chật chội lắm. Mẹ không có không gian riêng tư để an hưởng tuổi già.
- Cái căn nhà này là do cha của thằng Đức lúc còn sống để lại, xây thêm mẹ thấy phung phí tiền của lắm.
Bà Bính nói rồi đưa mắt nhìn quanh bốn phía nhà.
Hoa nháy mắt với chồng làm ám hiệu như muốn nói rằng trợ giúp nhằm tiếp lời thuyết phục.
- Vợ con nói đúng đó mẹ. Ở bao nhiêu lâu rồi cái nhà cũng cũ nát. Sau này mẹ già yếu thì phải cần có một không gian yên tĩnh. Huống gì lại thêm cháu nội của mẹ sẽ sớm ra đời, chúng nó cứ chạy giỡn nô đùa thì mẹ nghỉ ngơi như thế nào. - Đức nói.
- Để mẹ bàn với các anh chị em trong nhà rồi sẽ tính lại đến việc này. - Bà Bính nói.
- Mẹ còn tính gì nữa. Mẹ chỉ có duy nhất vợ chồng con là út trong nhà. Vợ chồng con không lo cho mẹ thì ai lo cho mẹ đây. Con thấy mẹ già lẩm cẩm, cứ khư khư giữ tài sản trong người lúc mẹ đãng trí không nhớ để ở đâu, chẳng phải lúc đó đã mất của cải rồi hay sao. Mẹ cứ đưa cho anh Đức tất cả, tụi con sẽ lo đầy đủ cho mẹ. Nếu mẹ có nghi ngờ chưa tin tưởng thì cứ gọi các anh chị trong nhà họp mặt mà chứng giám. - Hoa nói.
Bà Bính không nghĩ ngợi gì nhiều vì cha mẹ phải lo cho con cái đó là điều tất nhiên. Huống gì đó là máu mủ từ trong bụng mình nặn ra. Bà không suy không nghĩ mà quyết định với một điều kiện duy nhất: cứ tới vụ mùa bà chỉ xin vài triệu bỏ trong túi để dùng khi cần thiết, mặc dù biết vợ chồng của Đức sẽ lo cho tất cả, nhưng bà đã quen với lối sống phải có tiền trong người chẳng phải bà không tin con mình nhưng đó là đức tính của những ông bà già từ ngày xưa. Vợ chồng Đức tạm thời chấp nhận theo yêu cầu của bà. Thời gian ấy vợ chồng Đức đối xử với bà rất đạo đức lẫn mẫu mực, nhưng khi về nhà mới, tức là lúc được giao hết tài sản, cũng chính thời gian này vợ chồng Đức không như lúc ban đầu, mãi đến những năm sau.
Hoa làm nghề mua bán nên mức thu nhập là chính ở trong nhà, Đức tuy trụ cột nhưng còn phải phụ thuộc vào người vợ nên mọi quyền hạn đều do Hoa đứng đầu. Do cái tuổi già thường hay đãng trí nên bà Bính thường làm trước quên sau, những khi nấu cơm sống, hoặc thức ăn cháy khét Hoa thường xuyên trút giận lên người Đức. Hoa cho rằng mẹ chồng chẳng được tích sự gì, chỉ mỗi việc nhà bé xíu cũng vụng về quá mức. Đức đành im lặng mà chất vấn tới bà.
An ủi cuộc đời của bà Bính chính là con bé Vân. Nó thay bà làm việc nhà và quan tâm tới bà. Cứ mỗi năm đến mùa màng bà buộc Đức phải đưa số tiền như hứa hẹn trước đó, bà để dành rất kỹ càng, có khi để trong áo gối nằm, có khi bỏ trong túi áo và luôn luôn có cây kim tây găm rất kín. Những đồng tiền ấy bà đưa cho bé Vân đi mua thức ăn sáng và thuốc thang khi đau bệnh khẩn cấp. Ngoài ra bà còn được hưởng trợ cấp từ nhà nước. Tất cả số tiền ấy bà đều phải thủ thân để tự cứu mình cho đến khi cuối đời. Bà hối hận vì việc đã giao hết tài sản cho con trai cuối quá sớm. Những lần bà tìm đến nhà của các con để kể lại sự tình để vơi đi cái nỗi khổ. Chẳng được an ủi động viên lại còn bị trách móc.
- Nói mẹ bao nhiêu lần rồi. Ai kêu đưa hết cho nó thì có ráng mà chịu. Mẹ có cho tôi đồng nào đâu mà tới đây kể lể. Thôi mẹ ráng sống với út Đức đi! Lúc ốm đau thì nó lo chẳng lẽ vợ chồng út lại để mẹ phải chết. Tiền bạc của cải giao hết cho vợ chồng cậu út kia mà - Người con cả của bà nói.
Bà quay lưng ra về trong lòng buồn thênh thang. Nhưng bà hoàn toàn không trách người con lớn vì phận gái làm dâu nhà người. Đi lấy chồng tức là không còn dính dáng nhà mình thêm bất cứ điều gì nữa. Nếu có thì cũng là tình mẫu tử thiêng liêng, hoặc anh em máu mủ trong nhà. Bà tìm đến nhà con thứ ba thì cũng nhận được những lời đau lòng như tương tự.
- Chú út nó thừa hưởng thì chú út phải có trách nhiệm lo cho mẹ. Con có gia đình riêng lại con cái nheo nhóc đề huề, nuôi thêm mẹ lúc đau lúc ốm thì con biết chạy đâu ra. - Người con thứ ba nói.
Bà Bính đành phải quay về tiếp tục sống cùng vợ chồng của Đức và chịu cái cảnh phải nhìn sắc mặt của con không mấy là vui lẫn hạnh phúc. Cứ như bà là một gánh nặng trực tiếp cho gia đình. Ban đầu lúc còn trong cái nhà cũ thì những người con ai cũng giành nhau để được chăm sóc mẹ nhằm trả ơn sinh thành. Bà rơm rớm nước mắt khi nhớ lại ngày giỗ của ông các con về sum họp đủ đầy, bên cạnh đó bàn đến việc nuôi bà.
- Cứ để mẹ ở với gia đình tôi. Dù sao thì nhà cũng gần chợ, muốn ăn gì cứ bước ra đó mà mua. Lại còn gần bệnh viện, lỡ mẹ có đau ốm thì cũng tiện đưa đến mà khám trị kịp thời. - Người con thứ hai nói.
- Không được, không được. Ở gần chợ thì rất ồn ào, mẹ cần phải có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Huống gì chị hai là phụ nữ thì làm sao mà mẹ sống với rể cho được. Mẹ ở nhà em là hợp lý nhất, không gian yên tĩnh và đầy đủ tiện nghi. - Người con thứ ba nói.
- Gia đình anh ba thì cháu nội, cháu ngoại đông như quân nguyên, chúng chạy giỡn rần rần thì yên tĩnh ở chỗ nào mà yên tĩnh. Huống gì có vài đứa chưa ra ở riêng. Thằng Bảo cũng sắp lấy vợ nhà lại sắp có thêm người thì càng bất tiện nhiều. Cứ ở với em vì nhà em ít người. Vợ chồng em sẽ lo đầy đủ và chu toàn cho mẹ. - Người con thứ tư nói.
- Phụ nữ nuôi mẹ là kỹ càng nhất. Cứ để em nuôi! Đâu phải nuôi người già là dễ dàng gì đâu. Chưa nói đến mẹ già hay bệnh, mấy anh chị ai cũng bận rộn công việc gia đình thì thời gian đâu mà chăm sóc cho mẹ. Em là người có nhiều thời gian nhất! Chưa nói đến đủ thứ các tiền phải chi tiêu và sau này thờ phụng giỗ chạp. Trong gia đình em là người có kinh tế cũng khá giả hơn tất cả, vì thế việc nuôi mẹ cứ giao cho em. Ông Minh nhà em cũng dễ tính chứ không khó khăn gì. - Người con tên Hạnh thứ năm nói.
- Các anh chị bây giờ cứ nói vậy chứ tới lúc đó có làm được như lời mình nói hay không. Mà cũng mắc cười thật! Em là con út việc nuôi mẹ là việc của em! Nếu các anh chị có lòng hiếu thảo thì cứ việc về đây mà thăm mẹ. Em còn sống nhăn răng đây chứ có chết đâu mà các anh chị lại tranh giành để nuôi nhằm trả hiếu. Mà đâu phải nuôi mới gọi đó là trả hiếu - Đức nói
Lúc đó bà Bính thấy hạnh phúc khi các con của mình ai cũng có lòng hiếu thảo! Bà nở nụ cười thật vui, thế mà bây giờ bà phải rơm rớm nước mắt khi nhận ra họ tranh nhau nuôi chẳng phải vì lòng hiếu thảo mà chẳng qua là cái tài sản mà ông mất đã để lại bà. Mà tài sản ấy cũng chẳng có gì to tát ngoài đất đai vườn tược, có thể gọi là có của ăn của để chứ chưa gọi là giàu có lắm của nhiều tiền.
Những người con đã lập gia đình riêng bà cũng trích ra một ít để cho theo đúng nghĩa bổn phận của bậc làm cha mẹ để lại cho con! Cứ tưởng thế là đã êm xuôi. Nào có ngờ đâu cũng bởi chính cái tài sản này đã gây rạn nứt tình cảm gia đình các thành viên trong nhà, dẫn tới nhiều biến cố mà bà phải tự khuyên nhủ từng người nhằm hàn gắn lại cái máu mủ ruột rà thiêng liêng mà họ muốn bỏ nhau.
Bà không được lòng của các con trong gia đình nhưng bù lại có những người cháu nội hay cháu ngoại hết lòng yêu thương bà. Chúng cũng thường xuyên cho tiền hoặc mua những gì mà bà thèm ăn, như bù đắp lại cái công ơn dưỡng nuôi mà chính cha mẹ chúng chưa làm trọn được nghĩa đạo đối với bà. Nhớ lần trước cháu ngoại mới lĩnh lương được tháng đầu, nó mua một thùng sữa đem xuống để biếu. Cứ tưởng đâu đó là trách nhiệm của con cháu đối với ông bà cha mẹ sẽ rất được tán thành, ngờ đâu nó lại bị cậu út chửi cho một trận te tua. Đức từ nhà dưới đi lên hét to.
- Nếu cháu thương ngoại thì đừng mua bất kỳ thứ gì cả. Ngoại có ăn uống được bao nhiêu đâu, đem bỏ sẽ rất phí phạm. Cứ đưa tiền để cậu hoặc mợ giúp cháu mua những gì mà ngoại muốn. - Đức nói.
- Nó không có bao nhiêu tiền đâu cậu út. Huống gì ngoại đã gần đất xa trời lại ăn uống không đầy đủ, bệnh tật liên miên, nên cháu chỉ muốn mua một ít sữa để ngoại bồi bổ. - Ngân, cháu ngoại của bà nói.
- Mày nói vậy là tao bỏ đói bà ngoại mày đó hả? Ăn uống không đầy đủ là thế nào? Mày không thấy ngày nào cũng thức ăn ngon đầy bàn đó sao. - Đức bực lên rồi nói.
- Dạ, ý cháu không phải vậy đâu cậu út. Vì có nhiều lần cháu xuống chơi thấy ngoại chỉ ăn cơm với nước tương. Đúng là có nhiều thức ăn ngon trên mâm cơm nhưng ngoại nào có được ăn nó đâu. - Ngân nói.
- Đó là do ngoại mày ngán không ăn. Bà nhường lại cho con cháu ăn, huống gì mợ mày vừa sinh xong cần ăn uống đầy đủ để có sữa cho con bú. Tao đối xử tệ bạc với ngoại bao giờ mà mày xuống đây để chất vấn. Mày có thương ngoại thì cứ đưa tiền cho tao hoặc mợ giữ. - Đức nói.
- Sao cho tiền ngoại mà phải đưa cậu mợ giữ thế.
- Mày nói như kiểu tao với mợ mày lấy số tiền đó ăn không bằng vậy. Ngoại đã già thường hay đãng trí, làm trước quên sau, tiền cất ở đâu cũng không nhớ. Vậy thì ngoại giữ để làm gì. - Đức nói với giọng đầy cay cú.
Ngân ra về với cái mặt buồn hiu. Thương ngoại ở chỗ đó, muốn thăm ngoại nhiều nhưng mỗi lần đến nhà thì cậu lẫn mợ chẳng lấy để làm vui. Không riêng gì Ngân mà tất cả con cháu Đức đều đối xử như vậy bằng những lời lẽ nặng nề, để họ về cho nhanh hoặc lần sau thôi đừng tới nữa. Không phải là Đức cấm không cho con cháu đến thăm bà, đơn giản vì vợ chồng Đức luôn có quan niệm rằng: bà sẽ trích ra một phần tài sản để mà cho chúng nó, sợ con cháu than thở xin xỏ rồi mình phải mất đi một phần. Vì những lý do ấy mà vợ chồng Đức chẳng vui khi thấy con cháu mua cái này, mua cái kia cho bà. Vợ chồng Đức chỉ vui khi nhận tiền từ con cháu đưa tận tay cho mình, mà chẳng phải bà nhận. Những lần như thế vợ chồng Đức cứ than vãn “Ngoại yếu quá rồi, phải tẩm bổ cho ngoại nhiều hơn, nhưng khổ nỗi chẳng biết ngoại ưng cái gì để mà mua. Thôi thì cậu giữ số tiền này, khi nào ngoại cần ăn gì thì cậu sẽ mua. Nói thiệt chứ thấy ngoại thế này cậu cũng đứt ruột đứt gan, cậu mợ không dư dả gì, chứ nếu dư dả thì cậu lo sẽ chẳng thiếu thứ gì. Chỉ lo trong khả năng của mình như bây giờ mà thôi, vì thế ngoại còn sống thì mấy đứa hãy phụng dưỡng cho ngoại nhiều hơn”.
Vậy mà bà chưa bao giờ được con út mua bất cứ cái gì như chính cái miệng Đức nói. Có lần bà thèm ăn cái này cái kia khi nói với vợ chồng út thì toàn là nhận lại những câu “Già rồi, răng còn đâu mà đòi ăn với uống suốt. Để tiền khi bệnh mà còn đường chạy chữa”. Nói thì nói vậy chứ có bao giờ bà bệnh mà vợ chồng Đức đưa tiền ra đâu! Nếu không nhờ có số tiền trợ cấp từ nhà nước, từ việc cho Đức thuê đất tạm thời, và các cháu cho để dành lại thì sau những lần bệnh bà đi chầu diêm vương từ lúc nào rồi. Biết thế nên mỗi khi bị bệnh bà hoàn toàn không nói gì với vợ chồng con út.
Các cháu của bà khi cho tiền mà về kể lại với với cha mẹ thì thường bị trách hơn là tán thành “ai kêu cho chi, tài sản thuộc về thằng Đức thì nó phải lo cho mẹ, mắc mớ gì tới mày mà cho”. Chính vì lẽ đó nên các cháu cũng âm thầm mà cho tiền bà, khuyên phải cất giấu cho cẩn thận muốn ăn gì cứ đưa cho bé Vân đi mua.
Ngay từ nhỏ con bé Vân nó đã ngủ cùng bà. Nó cảm nhận được bà rất buồn khi nghe các con nói chuyện về tài sản, hoặc nhớ tới những năm tháng vất vả gồng gánh mà nuôi con. Bà khóc rồi xoa đầu con bé Vân mà kể về ngày xưa! Thuở mái nhà tranh xiêu đã bao nhiêu lần bốc cháy vì bom đạn chiến tranh. Bà gánh con mà chạy, thiếu thốn đủ thứ đành phải nhịn đói nhịn khát để các con được no ấm. Thời ấy quá cực khổ nuôi con không riêng gì dòng sữa ấm mà có luôn cả máu lẫn tính mạng của con người. Rồi các con lớn lên lập gia đình an bề gia thất cũng một tay bà chu toàn. Có khi làm ăn thất bại thì bà cũng cứu vớt chút đỉnh để làm lại từ đầu. Thế mà bây giờ…! Nghĩ lại bà chỉ rơi nước mắt, chỉ có bé Vân là người duy nhất để bà trút nỗi lòng trong cái phòng quạnh quẽ đã mấy năm nay rồi.
- Nội nhớ dai quá. Vậy mà ba mẹ cứ nói nội đãng trí. Làm trước rồi quên sau. - Bé Vân nói.
- Nội cũng muốn đãng trí lắm chứ, để không nhớ tới nó nữa khỏi phải thêm buồn tủi. Ngoài ra nội còn muốn đãng tai luôn để chẳng còn nghe thấy những lời nặng nhẹ của các con mà nội đã mang nặng đẻ đau. Mà ông trời có cho như thế đâu. Cứ hành hạ thân xác người ta như thế, nhưng tâm trí thì lại cho nhìn rõ những gì đã xảy ra thế mới khổ chứ.
Đúng vậy, chạm tay vào ánh sáng của quá khứ con người ta sẽ nhìn thấy dấu chân mà họ đã đi qua. Nó ký sinh lên tiềm thức như một quy luật tất yếu mà muốn xóa đi là điều không dễ dàng. Thời gian chính là đống tro tàn, là những lớp bụi phủ, là rêu phong đã bám chặt lưng tường, nhưng ác nỗi nó hoàn toàn không biến mất, nó hiện diện như những cổ vật trải qua bao năm tháng chỉ còn là những mảnh vỡ. Những mảng hoen ố mà con người chính là những nghệ nhân họ lau chùi và xếp lại rất giỏi, vẹn nguyên như mới lúc ban đầu. Bà rơi nước mắt ôm bé Vân vào lòng rồi thều thào.
- Rồi nay mai mốt nội sẽ không còn ở bên con nữa. Làm con người thì phải biết tới hiếu đạo ơn cha mẹ sinh thành. Khi con lớn lên hãy luôn nhớ rằng: chẳng có thứ gì ở trên đời này quý bằng cha bằng mẹ, vì con người là phải có cội có nguồn - có nòi có giống. Tất cả loài người trên thế gian này đều do cha mẹ sinh ra nên mới hình thành, chẳng có hòn đá hay gốc cây nào mà sinh ra người cả. Vì lẽ đó phải luôn luôn hiếu thảo với cha mẹ nhé cháu. Nội thật vô phúc khi sinh ra các con, nhưng ông trời vẫn thương vì nội có cháu ở đây rồi. Nếu ông trời thương nội ngay ban đầu đừng cho có con cái, sau này già cả một mình sống ở trại dưỡng lão có lẽ nội sẽ không khổ tâm như bây giờ. Có con như chẳng có thì chẳng thà không có còn tốt hơn.
Bà thở dài, những cử chỉ thật yếu ớt như chỉ còn những phút cuối cùng ở trên cuộc đời này. Dòng nước mắt chảy xuống đôi má gầy trơ xương rồi nhiễu xuống chiếc áo bà ba đen sẫm.
Bé Vân nắm lấy tay bà với đôi mắt thơ ngây. Nó cũng buồn giống bà! Nhất là việc thường xuyên chứng kiến các cô, chú, bác, đối xử không mấy tốt với nội. Giá như trên đời này không hề có vật chất tồn tại có thể con người sẽ sống tình nghĩa hơn. Ba mẹ và các cô chú bác rất sùng đạo, họ thường đi chùa chiền và cúng rất nhiều tiền cho chùa! Nhưng ở nhà lại có một vị phật thì họ lại quên lãng đi. Đạo gì họ cũng khá rành, nhưng có vẽ đạo làm người thì họ chưa biết hoặc chưa hiểu tới. Con người được sinh ra đã là cái gốc nguyên thủy của sự lương thiện có sẵn. Ta còn lệ thuộc vào cuộc đời để sinh tồn mà tìm sự sống còn. Đạo làm người nó đã theo khi chào đời rồi bị tha hóa bởi danh vọng lẫn vật chất. Nhân bản cũng xói mòn méo mó trông dị bản khó coi.
Giá như trên đời này không hề có vật chất tồn tại có thể con người sẽ sống tình cảm đúng nghĩa nhân bản. Bà thấy cuộc đời mình cứ như là chiếc thuyền đang ở ngoài khơi xa với xung quanh chỉ toàn là bão tố. Bà cứ lấy cái quan niệm không còn sống được bao lâu, cứ ra sao thì ra để tự an ủi cho chính mình.
Bà khóc rồi lấy tay lau nước mắt khi nhớ lại mình nuôi con và bây giờ là con nuôi mình. Bà cảm thấy khó thở, tiếng ho của bà Bính lại vang lên và kéo dài trong đêm... Bỗng dưng nó im bật nhằm trả lại cái tĩnh lặng của khuya y như lúc ban đầu. Bé Vân chẳng còn nghe bà ho thêm bất cứ một tiếng nào.
Tác giả: Quang Nguyễn - blogradio.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn